(KTSG Online) - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Trung ương Đảng vừa ký ban hành Nghị quyết 27 Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII (Nghị quyết 27-NQ/TW) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Nghị quyết nhấn mạnh, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền đặt ra yêu cầu tiếp tục giảm số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ cũng như thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
- Tổ chức chính quyền đô thị TPHCM đáp ứng yêu cầu về bộ máy tinh gọn, hiệu quả
- Tháng 11-2022, hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
Với mục tiêu xây dựng bộ máy nhà nước pháp quyền trong giai đoạn mới, theo nội dung Nghị quyết 27-NQ/TW, Trung ương yêu cầu tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Các bộ, các cơ quan chuyên môn sẽ được tổ chức đa ngành, đa lĩnh vực; giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện. Trung ương cũng yêu cầu từng bước xóa bỏ cơ chế phối hợp liên ngành, gắn với việc xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Cùng với đó phải giảm cấp chính quyền phù hợp ở một số địa phương; xây dựng mô hình quản trị chính quyền địa phương phù hợp với từng địa bàn.
Với cấp cơ sở, tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính của quốc gia và từng địa phương.
Để tinh giản bộ máy hành chính hiệu lực, hiệu quả, Trung ương cũng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội để phù hợp thực tiễn, nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng việc theo dõi, xem xét, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.
Trung ương nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hoàn thiện cơ chế để nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực nhà nước; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, quyền kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo và các quyền khác của công dân.
Mô hình tổ chức hiện nay gắn chặt với cơ chế phân cấp, chia quyền. Dẫn đến xin cho, cửa quyền nặng nề. Tốn kém thời gian, công sức, chi phí xã hội rất lớn. Ví dụ, để có quyết định cuối cùng về giá bán lẻ xăng dầu, phải đi qua 7 bộ/ ngành/ địa phương quản lý, trong khi giá cả thị trường luôn biến động hàng ngày hàng giờ ? Thử đặt lên bàn, demo một quy trình ban hành quyết định xử lý một dự án/ công trình/ vụ việc… thì sẽ thấy ngay cần phải cắt giảm khâu nào, chỗ nào. Từ đó hình dung ra một mô hình mới hiệu quả hơn, thực chất hơn. Mô hình mới phải thực sự chuyên nghiệp, theo hướng điều hành bằng công cụ luật pháp và quản lý, chứ không dựa vào bộ máy kềnh càng, nhiều tầng nấc. Nghĩa là, một bộ máy tinh gọn và hữu hiệu sẽ có quyền hành xử rộng rãi thông qua nhiều bộ luật, nhân sự và phương tiện quản lý khác nhau.