Thứ bảy, 5/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Câu chuyện một giờ sáng mồng một Tết

Sơn Tùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Một giờ sáng mồng một năm Quý Mão, Trân (tên nhân vật đã được thay đổi), tài xế của một công ty tư nhân, vẫn đang đậu xe dưới đường chờ đưa gia đình người bạn thân của giám đốc công ty đến nhà sếp xông đất.

Giao thừa xong, đường phố Sài Gòn vắng người, khác hẳn với cảnh tượng đông đúc ở khu vực cầu Khánh Hội mà chỉ mấy tiếng đồng hồ trước còn đông kín người chờ đón giao thừa năm mới với màn bắn pháo hoa đẹp mắt.

Khách lên xe, Trân nhấn ga và chiếc xe của anh lướt trên đường phố, phần lớn vẫn sáng ánh đèn. Sau mấy vòng chạy đi chạy lại từ quận này sang quận kia, đồng hồ trên tay Trân đã chỉ ba giờ rưỡi sáng. Anh còn nửa tiếng để quay về chỗ trọ, thay quần áo, rồi phóng lên chiếc Honda của mình lên đường về quê ăn Tết. Thêm ba, bốn tiếng nữa, chừng bảy giờ hay chậm lắm là tám giờ nếu đường đông xe, Trân đã có thể ăn sáng cùng mẹ tại quê nhà.

Thế là tròn một năm nay, từ Tết Nhâm Dần 2022 đến Tết Quý Mão 2023, Trân đã rời miền Tây quê anh để làm việc ở Sài Gòn, dù phải chuyển nghề tay trái thành nghề tay phải. Tấm bằng sư phạm không đủ giúp anh tìm việc ở thành phố này. Ngược lại, chính cái bằng lái xe anh có như thêm một kỹ năng sống đã tạo cho anh một chỗ làm.

Ngày 10-1-2023, báo mạng vnexpress.net dẫn nguồn Tổng cục Thống kê (GSO) cho biết trong năm 2022, thu nhập bình quân của người lao động tăng 927.000 đồng, đạt 6,7 triệu đồng một tháng, cao hơn 16% so với năm 2021 và 12% so với năm 2019(1). Như vậy, thu nhập của người lao động Việt Nam đã có sự gia tăng so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19.

Chín ngày sau khi vnexpress.net đăng bài báo trên, ngày 19-1-2023, Tạp chí Tài chính – Ngân hàng cũng dẫn nguồn GSO viết rằng năm 2022, GDP (tổng sản phẩm quốc nội) bình quân đầu người của Việt Nam theo giá hiện hành đạt khoảng 95,6 triệu đồng, tương đương 4.110 đô la Mỹ, tăng 393 đô la Mỹ so với năm 2021(2).

Trước đó, ngày 17-11-2022, hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Văn bản này đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể đối với thu nhập của người Việt. Nghị quyết có đoạn “[năm 2030] GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 đô la Mỹ(3).

Theo Nghị quyết 29, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là “Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của nhân dân được nâng cao”(4).

Tháng 3-2019, hội thảo “Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2045” cho biết “trong giai đoạn này Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao (4.859 USD/người/năm) vào năm 2030 và trở thành nước thu nhập cao (12.642 USD/người/năm) vào năm 2045”(5).

Ngược dòng thời gian, từ giữa thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, Việt Nam đã dự tính “đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại(6)”. Tuy nhiên, tham vọng này chưa trở thành hiện thực, như Nghị quyết 29 cũng nêu rõ: “… mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 không hoàn thành; tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu chiến lược đề ra, tốc độ có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm; có nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình(7)”.

Dĩ nhiên, chủ trương công nghiệp hóa – hiện đại hóa có ý nghĩa quyết định đến các mục tiêu phát triển kinh tế và đời sống người dân. Và tất nhiên, một mục tiêu đề ra có thể thành công hay thất bại.

Hai thập niên đã trôi qua từ khi thế kỷ thứ 21 khởi đầu. Chúng ta đặt ra các mục tiêu mới, tuy có phần thấp hơn lại khả thi hơn. Cũng có các cột mốc mới, các năm 2030 và 2045. Nghị quyết 29 cũng nêu ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

Liệu GDP bình quân đầu người của Việt Nam có đạt 7.500 đô la Mỹ vào năm 2030 và 12.642 đô la Mỹ năm 2045 theo các ý tưởng trên hay không? Không phải là không thể.

Một thân một mình ở thành phố này, Trân chọn ăn ngoài hơn là tự nấu. Anh cũng cho biết mình thường giới hạn mỗi bữa ăn không quá ba mươi ngàn đồng. “Tôi phải lựa chỗ nào có cơm thêm miễn phí”, anh nói. “Nhờ vậy, ăn no mà không tốn thêm tiền”.

Lương tháng tài xế hơn chục triệu đồng. Không đến nỗi sống chật vật lắm, anh cho biết. Tuy nhiên, khoản tiền anh dành dụm được cũng khó nói là có thể mua được cái gì đó có giá trị lớn một chút. Một chiếc xe hơi để tự chạy dịch vụ? Xem ra có phần xa vời hiện nay. Một căn hộ ư? Càng xa vời hơn nhiều.

Sáng nay, Trân đã về đến nhà. Anh có hai ngày nghỉ ngơi hoàn toàn trước khi trở lại Sài Gòn vào chiều mồng ba để tiếp tục làm việc theo yêu cầu của sếp.

Về phần mình, Trân đang cố hết sức. Làm việc chăm chỉ và tiết kiệm đến mức có thể. Anh vẫn muốn có dư để “mang tiền về cho mẹ”, dù ít dù nhiều, mà “không mang ưu phiền về cho mẹ” như bài rap Việt của Đen Vâu. Vậy thì anh còn có thể làm thêm được gì?

Nghị quyết 29 ghi rõ: “Ðẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị, lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường…”(8).

Khi nói công nghiệp hóa, hiện đại hóa là “sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị” có nghĩa là bao gồm cả Trân và công ty nơi anh đang làm việc.

Vì vậy, để những nghị quyết như Nghị quyết 29 thực sự “đi vào cuộc sống”, những người lao động bình thường như Trân cần thấy được những biện pháp, những kế hoạch cụ thể hơn.

_______________

(1)https://vnexpress.net/tong-cuc-thong-ke-thu-nhap-nguoi-lao-dong-nam-2022-tang-4558400.html

(2)https://tapchinganhang.gov.vn/tong-quan-kinh-te-nam-2022-va-trien-vong-nam-2023.htm

(3), (4), (7), (8)https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-nghi-quyet-29-nq-tw-ve-tiep-tuc-day-manh-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-dat-nuoc-den-nam-2030-119221129121112971.htm

(5)https://plo.vn/den-nam-2045-thu-nhap-cua-nguoi-viet-se-dat-12642-usd-post517619.html

(6)https://tuoitre.vn/viet-nam-tro-thanh-nuoc-cong-nghiep-nam-2020-135290.htm

1 BÌNH LUẬN

  1. Mỗi cây mỗi hoa. Mỗi nhà mỗi cảnh. Người nghèo cùng khổ. Người giàu cũng khóc. Chưa chắc ai đã hơn ai. May mắn là anh tài xế, mặc dù vất vả, vẫn đang có công ăn việc làm chính đáng, quan trọng nhất là luôn tự biết phải cố gắng mỗi ngày. Đó cũng là một niềm hạnh phúc. Đất nước, cũng như mọi người dân, chỉ giàu có lên một khi có khả năng chịu khó, chăm chỉ, cầu tiến nhiều hơn nữa, như tinh thần thái độ lao động của người tài xế vậy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới