Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Câu chuyện “trừ lùi” trong xuất khẩu cà phê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Câu chuyện “trừ lùi” trong xuất khẩu cà phê

Hồng Ngọc – Viết Vinh

Hạt cà phê của người nông dân làm ra chịu nhiều rủi ro khi giao dịch trên thị trường thế giới – Ảnh: Hồng Văn.

(TBKTSG Online) – Kể từ khi các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam bán hàng dựa theo giá giao dịch ở thị trường cà phê London vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước, vấn đề “trừ lùi” trong mua bán luôn được mang ra đề cập, mổ xẻ tại nhiều hội nghị, hội thảo về cà phê. Năm nay cũng vậy, việc “trừ lùi” đã làm khốn đốn các nhà xuất khẩu cà phê trong nước, nên một lần nữa nó được mang ra mổ xẻ tại hội nghị xuất khẩu cà phê tổ chức ở TPHCM hôm 29-10.

>>Xuất khẩu cà phê đạt kế hoạch nhưng doanh nghiệp lỗ

>>Quay lại phương thức xuất khẩu cà phê cũ

Nói đến vấn đề “trừ lùi” (Differential), đầu tiên các nhà xuất khẩu cà phê trong nước và nhà nhập khẩu định nghĩa rằng giá cả mà chúng ta nhìn thấy giao dịch trên thị trường London hàng ngày là giá hàng giao tại cảng đến, về lý thuyết khi mua cà phê thì người ta thường nói rằng: Giá cà phê giao tháng 9 tại cảng A hôm qua ở mức 1.730 đô la Mỹ. Như vậy nếu người mua chỉ yêu cầu người bán giao tại cảng của người bán mà ta thường gọi là FOB Hồ Chí Minh, FOB Hải Phòng… thì đương nhiên họ phải trừ đi một khoản để còn chi phí cho vận chuyển, bảo hiểm…

Vì sao phải “trừ lùi”?

Lâu dần theo sự biến hóa của thị trường, khoản “trừ lùi” này không chỉ vì những lý do nêu trên mà còn vì chất lượng, uy tín của thương hiệu cà phê của nước này so với nước khác, nên khoản trừ lùi đó sẽ khác nhau. Vậy nên khi nói giá cà phê tháng 11 hôm qua tại London 1.730 đô la Mỹ/tấn, thật sự đó là nói tắt thôi chứ chưa đủ nghĩa, mà còn chỉ định rõ cà phê đó chất lượng như thế nào nữa. Trong giới mua bán cà phê thì ai cũng ngầm hiểu đó là loại cà phê R2 với 1% tạp chất, 5% đen vỡ, 13% độ ẩm, 90% hạt trên sàng 13 (5ly), bởi đây là loại cà phê có chất lượng mà khả năng các nhà xuất khẩu có thể chế biến được.

Cũng trong cùng thời điểm đó nhưng cà phê nước khác có một tiêu chuẩn khác tốt hơn loại vừa nêu thì rõ ràng giá trừ lùi sẽ ít hơn.

Hiện nay về mặt chất lượng cà phê xuất khẩu thì Việt Nam đã tiến bộ rất nhiều nhờ thiết bị chế biến hiện đại hơn, những nhà chế biến của chúng ta đã đạt được những tiêu chuẩn chất lượng cao hơn rất nhiều và vì thế mà không những “trừ lùi” mà có khi còn phải nói là “London cộng”, tức là giá xuất khẩu FOB ở cảng Sài Gòn bằng giá giao dịch London cộng thêm nữa. Tất nhiên trường hợp này có xảy ra nhưng rất ít.

Đã xưa rồi cái thời mấy ông nước ngoài khi thấy năm nào có nắng tốt, cà phê chất lượng tốt thì đòi mua cà phê với tiêu chuẩn 8% đen vỡ (chất lượng thấp để mà “trừ lùi” được nhiều hơn), còn năm nào mưa nhiều, cà phê xấu thì thì hỏi mua cà phê chất lượng tốt, kiểu ép giá. Những kiểu chơi như thế nay đã bị điểm mặt xưng tên.

Cách thức “trừ lùi”

Đã có thời điểm như vào năm ngoái, Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê bán theo phương thức chốt giá ngay như đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nhằm hạn chế thiệt hại do bán “trừ lùi”.

Tuy nhiên, hiện nay ít nhất 80% trong 1 triệu tấn cà phê xuất khẩu hàng năm của Việt Nam được bán theo phương thức “trừ lùi”.

Ví dụ ở thời điểm hiện nay (tháng 10), một nhà xuất khẩu A nào đó đồng ý bán cho người mua 10 tấn “tính theo giá thị trường London giao tháng 3 năm tới trừ lùi 100 đô la” thì có nghĩa từ đây cho đến ngày thông báo đầu tiên (First Notice Day) của giao hàng tháng 3-2011, tức là khoảng vào ngày 2-4-2011, trong khoảng thời gian này vào bất kỳ ngày nào nhà xuất khẩu A đều có quyền gọi ra lệnh chốt giá, ngay cả khi vừa ký hợp đồng xong cũng có quyền gọi chốt giá ngay, gọi là giao hàng sớm, nhận tiền sớm, còn việc thanh lý hợp đồng thì chờ tới ngày 2-4.

Như vậy chất của việc bán “trừ lùi” không có gì là sai hay rủi ro cả, vấn đề người ta bàn tán, mổ xẻ lâu nay trong mua bán “trừ lùi” là rủi ro thì lại nằm ở những điểm khác. Các nhà xuất khẩu cà phê trong nước gần 20 năm qua chưa bao giờ làm chủ mức “trừ lùi”, có niên vụ, mức trừ lùi bình quân lên tới 300 đô la Mỹ/tấn trong khi giá cà phê giao dịch cùng thời điểm chỉ có 700 đô la. Nhưng có năm, như năm nay, mức “trừ lùi” xê dịch quanh 100 đô la/tấn.

Người mua có quyền áp đặt mức “trừ lùi”. Những người mua cho dù ở châu Âu hay châu Mỹ nhưng kỳ lạ một điều là họ luôn đặt ra được một mức “trừ lùi” thống nhất cho tại một thời điểm mua nào đó, trong khi các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam lại không làm được điều tương tự.

Khi bán “trừ lùi”, các nhà xuất khẩu để cho người mua thống kê được tổng lượng hàng mà chúng ta đã bán và sẽ giao nhưng chưa chốt giá tại một khoảng thời gian nào đó, xem như số phận của những lô hàng cà phê chưa giao đang chờ thị trường phán quyết, khác với bán chốt giá ngay thì số phận do người bán tự định đoạt.

Trong khi đó, các nhà xuất khẩu trong nước không hề có một sự thống kê nào đáng tin cậy cho giới kinh doanh khả dĩ biết rằng hiện nay giới kinh doanh trong nước đã bán được khoảng bao nhiêu phần trăm ở dạng “trừ lùi” với những mức “trừ lùi” như thế nào. Nếu biết được điều đó, những nhà kinh doanh cà phê Việt Nam sẽ có sự định hướng cần thiết phải bán kiểu gì trong thời gian tới.

Chính vì sự đủng đỉnh của người mua khi đã biết có bao nhiêu “cá trong đìa” cho nên nhà xuất khẩu dễ nóng ruột khi thấy giá giao dịch trên thị trường London cứ giảm dần, sợ giá rớt thêm, người bán lại hạ giá xuống và cứ tranh nhau làm như thế khiến cho nhiều khi giá cà phê rớt thê thảm, đến nước này thì bán “London cộng” cũng chết nữa là “trừ lùi”.

Một điểm khác nữa đó là tình hình sức khỏe tài chính của các công ty xuất khẩu cà phê Việt Nam mà những tay tài phiệt nước ngoài hiện nắm rất rõ. Rất nhiều lần giá cà phê nội địa cao hơn giá thế giới nhưng thời điểm đó thì chốt giá ngay cũng lỗ mà “trừ lùi” cũng lỗ. Thế nhưng, nhiều công ty vẫn phải bán để có hợp đồng làm cơ sở cho việc vay tiền, mà tiền lúc đó không phải để mua cà phê mà để đáo hạn ngân hàng. Tất nhiên trong trường hợp này không ai bán chốt giá ngay mà phải bán dạng trừ lùi để còn nuôi hy vọng sẽ còn có cơ hội giá lên.

Ngưng thua lỗ (Stop loss)

Không nhà kinh doanh cà phê nào là không biết thuật ngữ Ngưng thua lỗ. Khi nhà kinh doanh trong nước đã ký bán (ở dạng giá London trừ lùi hay cộng thêm), tuy chưa chốt giá mà muốn giao sớm để có tiền sớm thì hàng vẫn được giao. Giá đóng cửa giao dịch trên thị trường London của ngày giao hàng sẽ được dùng như tạm tính để trả tiền cho người bán, nhưng chỉ được thanh toán trước 70% giá trị của lô hàng.

Một doanh nghiệp ký bán giá London tháng 11 “trừ lùi” 100 đô la/tấn nhưng chưa chốt giá. Giữa tháng 10, doanh nghiệp đã giao hàng sớm, giá London tại thời điểm giao hàng sớm là 1.730 đô la/tấn, vậy “trừ lùi” 100 đô la, còn lại là 1.630 đô la/tấn. Giá này sẽ được dùng tạm tính để làm cơ sở thanh toán trước 70% cho người bán, tức là 70% của 1.630 đô la là 1.141 đô la/tấn.

Đến đây có thể nói rằng nhà xuất khẩu có “lòng tốt bất đắc dĩ” khi cho người mua mượn 30% giá trị tiền hàng mà không tính lãi. Sau đó, nhà xuất khẩu mòn mỏi chờ đợi ngày gọi chốt giá thanh lý cho xong hợp đồng trên. Lúc này, các quỹ đầu cơ lớn, các nhà nhập khẩu lớn mới ra tay, bằng cách nào đó kéo giá giao dịch London xuống.

Một khi giá London xuống thấp, tới mức 1.141 đô la/tấn thì theo hợp đồng, tập quán giao dịch cà phê, lô hàng đó sẽ được tự động chốt giá để “bảo vệ quyền lợi của người bán” không bị thua lỗ thêm nữa, tiếng Anh chuyên ngành gọi nó một cách lạnh lùng là “Stop loss”.

Lúc này giá xuất khẩu FOB thực sự của nhà xuất khẩu là 1.141 đô la Mỹ. Người bán cay đắng nhìn lô hàng mình mất đi đúng 1 phần 3 giá trị kèm theo phần khuyến mãi không lãi 30% giá trị lô hàng cho người mua.

Nhưng, thuật ngữ ngưng thua lỗ lại không chỉ tác động tới nhà xuất khẩu mà còn ảnh hưởng mạnh tới nông dân trồng cà phê, đại lý cà phê trong nước. Người nông dân một nắng hai sương để làm ra vài tấn cà phê một năm, vì nhiều lý do như không có kho hay nhà chật không có chỗ chứa, hoặc vì đem thế chấp vào một đại lý hay công ty mua cà phê nào đó để vay tiền chi dùng, lẽ dĩ nhiên những công ty mà nông dân gởi hàng vào đó phải sử dụng cà phê của người gởi như một đồng vốn để xoay vòng chứ không ai để nằm yên.

Cái rủi ro nhất của “trừ lùi” lại chính là ở đây chứ chẳng phải là chi phí vận chuyển hay bảo hiểm mà người mua trừ vào giá người bán như ý nghĩa ban đầu khi sinh ra cái thuật ngữ “trừ lùi”.

Nhưng nói gì thì nói, việc bán dựa theo giá giao dịch của thị trường London (có trừ lùi) là phương thức bán hiện đại, gắn giá cà phê trong nước với giá cà phê thế giới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới