Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Câu chuyện từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập bằng hình ảnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Câu chuyện từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập bằng hình ảnh

Thành Hoa

(TBKTSG Online) – Cuộc tưng bày hình ảnh “Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập 1868-1966” được thực hiện trong ngôi nhà có kiến trúc Pháp, dấu tích còn lại từ thời dinh Norodom – nơi được coi là biểu tượng sức mạnh, sự hiện diện của người Pháp tại Nam kỳ. Năm 1954, dinh Norodom được đổi tên thành dinh Độc Lập và trở thành nơi làm việc, nơi ở chính thức của Ngô Đình Diệm, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Năm 1962 sau khi dinh bị ném bom hư hỏng nặng, ông Ngô Đình Diệm quyết định san bằng dinh cũ và xây dựng dinh Độc Lập mới trên nền đất cũ.

Câu chuyện từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập bằng hình ảnh
Khai trương trưng bày "Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập 1868 – 1966" diễn ra vào ngày 9-3, chính thức mở cửa cho khách tham quan miễn phí từ ngày 10-3 đến ngày 23-3.
Trưng bày này được thực hiện trong ngôi nhà hai tầng được xây dựng từ thời Pháp nằm trong quần thể của di tích dinh Độc Lập (số 106 Nguyễn Du, phường Bến Thành, Quận 1, TPHCM).
Trưng bày này làm sáng tỏ câu chuyện về một dinh thự vốn là biểu tượng của chính quyền thực dân Pháp ở Nam Kỳ tồn tại gần 100 năm. Ngày 23-2-1868, Thống đốc Nam Kỳ là Pierre de La Grandière đã tiến hành buổi lễ động thổ đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng dinh Thống đốc Nam Kỳ tại trung tâm Sài Gòn. Viên đá lịch sử do ông Pierre de La Grandière đặt là một khối đá hình vuông, mỗi cạnh rộng 50 cm lấy từ Biên Hòa, bên trong có lỗ giữ những đồng tiền đang dùng lúc bấy giờ bằng vàng, bạc và đồng có chạm hình nhà vua Napoléon Đệ tam. Công trình được xây dựng trên diện tích rộng 12 ha, gồm một biệt thự lớn với mặt tiền rộng 80 m, nằm trong khuôn viên lớn với nhiều cây xanh và thảm cỏ. Trong dinh có một phòng khách chứa khoảng 800 người. Tất cá các vật tư xây dựng như gạch, ngói, xi măng, sắt… đều được chở từ Pháp sang. Trong ảnh là bức hình chụp dinh Norodom nhìn từ trên cao.
Tại tầng 1 giới thiệu sự ra đời của dinh Norodom và khắc họa một phần đời sống Sài Gòn thời Pháp thuộc bốn chủ đề: xây dựng đô thị Sài Gòn thời thuộc Pháp, dinh Norodom, những gương mặt Sài Gòn và Sài Gòn năng động.
Phần trưng bày những gương mặt Sài Gòn.
Sau khi Pháp thất bại tại Điện Biên Phủ, Quốc trưởng Bảo Đại đã bổ nhiệm ông Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng quốc gia Việt Nam. Ngày 7-9-1954, Đại tướng Paul Ély, Cao ủy Pháp tại Đông Dương bàn giao dinh Norodom cho ông Ngô Đình Diệm, ngày hôm sau dinh Norodom được đổi tên thành dinh Độc Lập. 

Khách tham quan đang xem thông tin diễn giải về những giai đoạn lịch sử thời chính quyền Ngô Đình Diệm.

Khu vực trưng bày đời sống Sài Gòn thời bấy giờ.
Cuộc trưng bày này đưa ra cách tiếp cận và phương pháp diễn giải mới về lịch sử, với các nguồn tư liệu từ các trung tâm lưu trữ quốc gia Việt Nam, Mỹ và Pháp.
Tại tầng 2 trưng bày những bức ảnh kể lại câu chuyện xây dựng dinh thự mới theo đề án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người Việt Nam đầu tiên đạt khôi nguyên giải La Mã. Điểm nổi bật của thiết kế này là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố kiến trúc hiện đại châu Âu với kiến trúc truyền thống châu Á.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới