Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cây lim bóng cả

Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Từ văn học dân gian, di sản địa danh đến chính sử. Từ cột nhà đến cọc gỗ đóng dưới lòng sông để chống giặc. Từ bạt ngàn đến cạn kiệt và phục hồi. Cây lim đã ghi dấu ấn sâu đậm trong văn hóa Việt Nam.

Cây lim ước 1.030 tuổi ở Vườn quốc gia Bến En, thôn Đức Bình, xã Tân Bình, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Đến Thanh Hóa đôi ba lần chợt nhận ra nơi này có rất nhiều địa danh gắn với chữ “lim”, như cầu Lim và hồ Cầu Lim, bến Lim… Cây lim phải thân thuộc với người dân xứ này đến độ nào thì mới “hóa thạch” trong ngôn ngữ như thế!

Rợp bóng trong văn hóa xứ Thanh

Di chỉ khảo cổ học văn hóa Đông Sơn gồm hai khu vực chính là ven bờ Nam sông Mã và trong làng cổ Đông Sơn, nay thuộc phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đây là di chỉ cư trú và chôn cất của một ngôi làng Việt cổ tồn tại trong khoảng thời gian 1.000 năm trước Công nguyên đến thế kỷ I-II. Làng cổ Đông Sơn là một trong ba làng cổ lớn nhất miền Bắc đã được giới khảo cổ học phát hiện gồm: Đông Sơn, núi Sỏi (tỉnh Thanh Hóa) và Chính Nghĩa (tỉnh Phú Thọ), với tổng số nhân khẩu ước đoán trên dưới 5.000 người mỗi làng.

Ở di chỉ Đông Sơn, các nhà khảo cổ học khai quật được một cột cái gỗ lim, đường kính gần một mét, cao bốn mét, lỗ đục sàn cao một mét hai. Có thể tưởng tượng ngôi nhà của cư dân thời ấy khá lớn. Và rừng thuở ấy chắc hẳn bạt ngàn lim cổ thụ.

Hò sông Mã là loại hò độc đáo của tỉnh Thanh Hóa, hình thành trên cơ sở những con đò dọc xuôi ngược dòng sông Mã để chở khách và hàng hóa. Trong các bài hò sông Mã có nhiều bài nhắc đến gỗ lim.

Chủ thuyền giới thiệu với khách:

Thuyền tôi ván táu, sạp lim/Đôi mạn săng lẻ lại có chim phượng hoàng.

Hoặc

Thuyền tôi ván táu, song sào/ Trầu ăn với quế, ngồi vào ghế mây.

Vì thuyền lịch sự thế nên họ nhắc khách trước khi bước chân xuống thuyền:

Cầu lim, ván táu, song sào/ Rửa chân cho sạch, bước vào trong khoang.

Cây lim cũng “hóa thạch” trong văn hóa bản địa bằng các địa danh như: cầu Lim và hồ Cầu Lim ở xã Mậu Lâm, bến Lim ở thị trấn Bến Sung của huyện Như Thanh...

Rừng lim xanh - từ bạt ngàn đến cạn kiệt

Lim xanh nằm trong nhóm gỗ “tứ thiết” (đinh, lim, sến, táu), tên khoa học là Erythrophloeum fordii thuộc họ vang và chứa nguồn gene bản địa quý giá. Cây lim thành thục có đường kính khá lớn, bình quân 1,5 mét, chiều cao có thể lên tới 15 mét. Do khả năng chịu lực lớn, độ bền cao nên gỗ lim được con người thuở xưa dùng phổ biến trong xây dựng nhà cửa, cầu cống, đóng đồ gia dụng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, lim xanh là cây bản địa, ước có khoảng 200.000 héc ta, từng phân bố chủ yếu tại các huyện Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Bá Thước, Hà Trung... trong đó tập trung và có nhiều nhất tại Vườn quốc gia Bến En hiện nay.

Số phận của rừng lim xanh Thanh Hóa gặp sóng gió từ sau kháng chiến chống Pháp. Năm 1956, tỉnh Thanh Hóa được Chính phủ giao khai thác gỗ lim và gỗ hồng sắc để xẻ thành tà vẹt khôi phục tuyến đường sắt Bắc - Nam. Tỉnh đã thành lập năm cơ sở khai thác và xẻ gỗ ở Đồng Mưa (Như Xuân), Tân Thành (Thường Xuân), Hồ Điền (Bá Thước), Năng Cát (Lang Chánh) và đã cung cấp hàng vạn thanh tà vẹt, hàng chục vạn mét khối gỗ tròn.

Ông Nguyễn Nam, 66 tuổi, ở thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh, nhà nằm ngay trên con đường dẫn vào bến Lim, là nơi tập kết gỗ lim có tiếng một thời. Ông Nam đã chứng kiến không biết bao nhiêu đoàn xe tấp nập vận chuyển gỗ từ rừng già về xuôi. Ông nhớ lại: “Những năm 1980, ngay sát nhà tôi, rừng gỗ lớn bạt ngàn, cổ thụ lim xanh rất nhiều. Sau năm 1980, lâm trường ồ ạt khai thác, tập kết gỗ về khu vực này trước khi đưa đi nơi khác tiêu thụ, cái tên bến Lim cũng có từ đó. Những năm ấy, khai thác rừng cũng là làm kinh tế, nên các lâm trường càng phá được nhiều rừng càng tốt. Thậm chí, nhiều đơn vị, tổ, đội còn được khen thưởng vì khai thác được nhiều gỗ rừng nên chỉ trong vài năm, những cánh rừng già (trong đó có lim xanh) từ bến Lim kéo dài tới tận khu vực Đồng Mưa (xã Xuân Khang) đã bị chặt hạ gần như trắng. Bến Lim giờ cũng chỉ là tên gọi chứ chẳng còn cây lim nào cả”, ông Nam tiếc nuối.

Đến năm 1992, việc khai thác rừng của các lâm trường mới dừng lại khi Vườn quốc gia Bến En được thành lập. Nhưng do khai thác quá mức và kéo dài hàng chục năm liên tục, khai thác không gắn với tái sinh, tất cả các khu rừng lim của huyện Như Xuân cơ bản bị xóa sổ… Đó thực sự là một câu chuyện đau lòng của một thời ưu tiên phát triển kinh tế mà chấp nhận đánh đổi môi trường! Nhưng soi rọi vào lịch sử, ta luôn rút ra được những bài học bổ ích.

Hiện nay ở Vườn quốc gia Bến En, thuộc địa phận thôn Đức Bình, xã Tân Bình, huyện Như Thanh, may mắn còn sót lại một cây lim xanh cổ thụ nhưng đã không ra hoa từ năm 2011. Trọng trách phục hồi giống lim xanh bây giờ do Vườn quốc gia Bến En gánh vác.

Ông Lê Công Cường, Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Bến En, cho biết Vườn đã triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt diện tích hơn 10.500 héc ta rừng có phân bố cây lim xanh tái sinh tự nhiên. Đặc biệt từ năm 2011 đến nay, bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, các chương trình hợp tác và tài trợ của các tổ chức quốc tế, trong nước, Vườn quốc gia Bến En đã trồng mới được trên 302 héc ta cây lim xanh. Dự kiến trong giai đoạn 2023-2030, Vườn sẽ trồng mới 238 héc ta lim xanh nữa.

Để có giống phục vụ việc trồng và cung cấp cây giống cho các đơn vị trong vùng, các cán bộ Vườn quốc gia Bến En đã phải vào tận rừng sâu, tìm, lựa chọn những cây lim tự nhiên có sức phát triển tốt, tuổi đời khoảng 12 năm trở lên làm cây bố mẹ để lấy hạt về ươm cây con. Mỗi năm, đơn vị này thu hoạch được khoảng ba tạ hạt phục vụ cho việc ươm cây giống. Cây lim trồng 10-15 năm mới khép tán. Ra hoa vào tháng 4-5, có quả vào tháng 7-12.

Chung sức với Vườn quốc gia Bến En, trong năm 2023, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã nỗ lực kết nối cộng đồng hòa chung nỗ lực khôi phục gần 24 héc ta rừng lim tại Vườn quốc gia Bến En, tương đương với 23.634 cây được góp về. Năm nay, Gaia cố gắng trồng thêm hơn 16 héc ta, tương đương với 16.366 cây nữa để đạt mục tiêu làm sống lại 40 héc ta rừng lim thuở nguyên sơ quanh cây lim ngàn tuổi.

Hóa thạch trong văn hóa Việt Nam

Không chỉ ở Thanh Hóa, cây lim còn có vị trí rất đặc biệt trong văn hóa Việt Nam. Ba trận thủy chiến lừng lẫy trong lịch sử của quân và dân ta diễn ra trên sông Bạch Đằng thuở trước (Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán năm 938, Lê Hoàn đánh thắng quân Tống năm 981 và Trần Hưng Đạo đánh thắng quân Nguyên - Mông năm 1288) cũng đều liên quan đến cây lim.

Những bằng chứng khảo cổ học và phân tích hiện vật tại một số hố khai quật cho thấy, cọc gỗ cắm xuống sông Bạch Đằng phần lớn là gỗ lim, gỗ táu. Trải qua hàng trăm năm nằm dưới lòng sông Bạch Đằng, những chiếc cọc vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay.

Cọc gỗ lim ở bãi cọc Cao Quỳ (gồm 27 cọc) ở xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, được khai quật vào năm 2019. Đây là một trận địa có niên đại khoảng cuối thế kỷ 13, liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên năm 1288 của quân dân nhà Trần. Trận địa này được dùng để chặn thuyền giặc, không cho chúng tiến vào sông Giá, buộc phải theo sông Đá Bạc và rơi vào trận địa mai phục của ta ở vùng cửa sông Bạch Đằng. Ảnh: Thanh Nga

Cọc ở đây chủ yếu là gỗ lim, táu được khai thác từ những cánh rừng Yên Hưng (tỉnh Quảng Ninh). Cọc dài khoảng 1,5-3 mét, đường kính 20-30 cen ti mét, màu nâu đen, một đầu thuôn mịn để cắm xuống lòng sông, một đầu nhọn có nhiều rãnh nứt song song do nước bào mòn. Trong khi đóng ở trận địa, khoảng cách trung bình giữa các cọc từ 0,9-1,2 mét để thuyền nhỏ của ta có thể lách qua. Ngoài những cọc cắm thẳng đứng, còn có một số cọc cắm nghiêng 45 độ nhằm mục đích đánh vào thuyền giặc sát bờ. Cọc được cắm ngược chiều với hướng nước chảy để khi thuyền chiến của giặc rút lui, trôi xuôi theo dòng nước, thì sẽ bị cọc đâm ngược vào đáy thuyền. Lực xuyên sẽ mạnh hơn, dễ bị xô thẳng hơn.

Theo các cụ cao niên làng Hà Phú, xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, khu vực núi Mả Sở trước đây trồng nhiều cây lim xanh. Cây lim được trồng thành rừng, như tấm bình phong che chở cho dân làng và được dùng làm cọc chống giặc Nguyên. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài, đến nay, chỉ còn đúng hai cây lim phía sau đình Nghè, kế bên chùa Linh Quang. Trong đó, một cây được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam, có tuổi đời khoảng 1.000 năm. Cây lim hơn 25 mét, có chu vi thân ở độ cao cách mặt đất 1,3 mét là hơn ba mét, đường kính gần một mét. Tán cây hình mâm xôi, cành lá xanh tốt xoè rộng phủ bóng đến 150 mét vuông.

Ngoài ra, các lũy quân sự như lũy Đầu Mâu ở vùng Động Hải, tỉnh Quảng Bình, được xây dựng để chống giặc cũng theo quy cách phía ngoài lũy đóng cọc gỗ lim, phía trong đóng cọc tre, đổ đất lên năm tầng cấp, voi và ngựa có thể đi trên thành lũy.

Năm 1836, vua Minh Mạng cho khắc hình cây lim kèm hai chữ “thiết mộc” lên Cao đỉnh (nặng 4.307 cân, cao 2,5 mét) một trong cửu đỉnh bằng đồng, được coi như biểu trưng và là pháp khí của vương triều Nguyễn. Vua Minh Mạng ra lệnh đúc cửu đỉnh vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837. Sau khi đúc xong, chín chiếc đỉnh này được an vị tại sân chầu trước Thế Tổ miếu, phía sau Hiển Lâm các trong Hoàng Thành (Đại Nội) - kinh thành Huế.

Lê Quý Đôn trong sách Vân đài loại ngữ (1773) viết: Nước Nam ta sản xuất mấy thứ gỗ quý, gọi là lim (thiết lâm), sến (thiết liễn), táu (thiết tấu), nghiến (thiết nghiễn). Có cây to đến mười người ôm, sắc tía đen, rắn chắc như đá, dùng làm nhà cửa, chùa, quán, thuyền bè, đồ đạc. Thứ gỗ ấy, sản xuất ở Sơn Tây, Nghệ An, là thứ cực tốt, thớ vằn như cánh chim sẻ, không có bén giác chút nào. Thứ hai, đến thứ sản xuất ở Thanh Hóa, ở An Quảng, còn ở Kinh Bắc là thứ kém nhất.

Sách Quảng Tây chí khen thiết lâm sản xuất ở các phủ Ngô Châu, gọi là thiết đạo mộc, hay thiết lăng, vằn thớ soắn síu, bền được hơn trăm năm, tức là loại gỗ thiết nói trên(1).

Sách Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn), phần thổ sản có ghi sự phân bố của cây gỗ lim ở các địa phương, như Phủ Thừa Thiên, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Vĩnh Long.

Trong văn học dân gian, cây lim nổi tiếng với bài ca dao nói ngược:

Bao giờ chạch đẻ ngọn đa/Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình/Bao giờ rau diếp làm đình/Gỗ lim ăn ghém thì mình lấy ta.

Và bài:

Thằng Bờm có cái quạt mo, Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu/Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu, Phú ông xin đổi một xâu cá mè/Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè, Phú ông xin đổi một bè gỗ lim…

Lời kết

Khi nhà nhân loại học Basso hỏi một người Mỹ bản địa gốc bộ tộc Apache: “Trí khôn là gì?”, câu trả lời là “Trí khôn nằm ở các nơi chốn”. Đối với người Apache, tên chỉ các nơi chốn có những câu chuyện liên quan với chúng đã được dùng để dạy cho những người khác và để truyền đạt hành vi đúng đắn.

Thật vậy, địa danh không chỉ là những cái tên thuần túy mà là những cảm thức về nơi chốn. Như Edward Relph (1997) trong cuốn sách 10 Geographic Ideas That Changed the World (Mười ý tưởng địa lý làm thay đổi thế giới) khẳng định “Cảm thức về nơi chốn là kỹ năng có thể học được và có vai trò quan trọng với việc nhận thức về môi trường; con người sử dụng kỹ năng này để nắm bắt thế giới đang diễn ra như thế nào và sẽ thay đổi ra sao”. Các nhà địa danh học đánh giá rất cao di sản địa danh, như là sự nhận diện quốc gia, biểu tượng quốc gia. Chuyện cây lim hóa thạch trong văn hóa Việt Nam thật thú vị.

(1) Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin Hà Nội, 2006, trang 448

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới