Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cây lúa mùa, bài toán nông nghiệp ĐBSCL

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cây lúa mùa, bài toán nông nghiệp ĐBSCL

Lê Thanh Phong(*)

(TBKTSG Online) – Cây lúa mùa (lúa nước sâu) đã được trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hằng trăm năm và đến nay vẫn tồn tại, bởi những đặc tính quý sẵn có thích ứng với điều kiện thời tiết bất lợi ở mỗi địa phương. Đây là cơ sở quan trọng để chúng ta có thể giải bài toán về nông nghiệp cho một tương lai tốt đẹp ở vùng đất này.

Kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp chuẩn bị tổ chức Hội nghị Kiểm điểm 2 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP

Cây lúa mùa, bài toán nông nghiệp ĐBSCL
Nghị quyết 120/NQ-CP cũng chính là cơ hội để chúng ta nghĩ đến hướng phát triển và vực dậy tiềm năng ĐBSCL. Ảnh minh họa TL.

Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) là một chủ trương đúng của Chính phủ, phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Nội dung của nghị quyết hướng vào ba trong điểm lớn của ngành nông nghiệp, với định hướng chuyển từ sản xuất số lượng sang chất lượng, là “thủy sản – cây ăn quả – lúa gắn với các tiểu vùng sinh thái, trong đó coi thủy sản là sản phẩm chủ lực”. Từ đó, có thể giúp cho ĐBSCL phục hồi những giá trị thiên nhiên đang dần bị mai một, và phát triển kinh tế – xã hội bền vững nhằm đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Tầm quan trọng của nghị quyết đã mở hướng cho những hoạt động cụ thể để giúp cả vùng chuyển động.

Sản xuất lúa 3 vụ đang trở nên kém hiệu quả và đặc biệt đã tác động xấu đến môi trường đất, nước, sự đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Theo kết quả nghiên cứu từ năm 2016, cho thấy nguyên liệu đầu vào cho sản xuất lúa 3 vụ ngày càng tăng, như giống (600-730kg), phân hóa học (730-850kg đương lượng) và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) (21,8-36,8 kg).

Hằng năm, khi lũ rút, hàng trăm ngàn héc ta đất trồng lúa được xử lý bởi nhiều loại thuốc BVTV cho ốc, cỏ, trừ sâu ở giai đoạn làm đất; chúng được hòa vào trong nước và đồng loạt xả ra các dòng sông. Việc này được lặp lại ở các vụ tiếp theo và kéo dài qua nhiều năm.

Nhưng thực tế, nhiều năm qua, sản lượng lúa gạo vượt cung làm giá bấp bênh, rào cản kỹ thuật ở các quốc gia nhập khẩu ngày càng cao, buộc Chính phủ phải đưa ra các gói chính sách để giải cứu lúa gạo vào đầu năm 2019. Điều cơ bản là sản xuất lúa đang lệ thuộc rất nhiều vào hóa chất nông nghiệp, đất đai suy thoái, dịch bệnh phát triển… nên chất lượng đầu ra của sản phẩm gạo chưa cao.

Niềm tin của người tiêu dùng đối với gạo nội địa còn thấp, từ đó có hiện tượng quay sang dùng gạo từ Campuchia. Hàng năm, có hàng trăm ngàn tấn gạo lúa mùa từ Campuchia được nhập vào Việt Nam để tiêu dùng. Người nông dân cũng đã ngán ngẩm việc trồng lúa 3 vụ, thế nhưng vẫn chưa có giải pháp phù hợp và đang mong chờ có được một sáng kiến hữu ích thay thế.

Nhận thấy, tiềm năng cây lúa mùa có thể giải quyết được bài toán khó cho vùng trồng lúa 3 vụ, giúp phục hồi đất đai, hệ sinh thái, đa dạng sinh học và thích ứng với BĐKH. Năm 2016, chúng tôi nhận được tài trợ nhỏ từ Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp ứng dụng Đông Nam Á (SEARCA) để nghiên cứu về hệ thống canh tác nông nghiệp dựa trên nền lúa mùa truyền thống ở một số tỉnh thuộc ĐBSCL trong điều kiện BĐKH.

Để ứng dụng kết quả nghiên cứu này, chúng tôi nhờ vào sự hỗ trợ của nông dân tại huyện Thoại Sơn và một trang trại đất phèn tại huyện Tri Tôn, An Giang để thực hiện các sơ khảo về tính thích nghi của cây lúa mùa tại vùng ngập nước và vùng trồng lúa 3 vụ.

Lúa mùa là nhóm lúa có thời gian sinh trưởng, trổ bông và thu hoạch theo mùa. Ngày xưa, có đến hằng trăm giống lúa mùa tại ĐBSCL, trong đó có rất nhiều giống nổi tiếng và đến nay người dân vẫn trồng như Nàng thơm chợ đào, Tài nguyên, Huyết rồng, Nàng keo… Có một số giống lúa mùa gạo ngon, chỉ còn trong ký ức của những lão nông như Chùm ruột, Trắng bà lớn, Rẽ hành, Trắng tròn…

Cây lúa mùa chịu được độ ngập sâu dưới 1m, nên thích hợp ở những vùng đất ngập nông hoặc những vùng kiểm soát được nước. Thời gian sinh trưởng của các giống lúa phụ thuộc vào điều kiện canh tác và đặc tính sinh trưởng.

Việc gieo sạ lúa mùa có thể kéo dài từ tháng 4 đến tháng 12 và thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 3 Dương lịch. Hiện nay, ĐBSCL vẫn còn 8% diện tích đất có vấn đề về hạn, mặn, phèn được dùng để trồng lúa mùa luân canh với các loại cây trồng khác hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản thuộc các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Long An.

Canh tác lúa mùa là đồng nghĩa với việc giảm hoặc không sử dụng hóa chất nông nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy lượng phân bón chỉ bằng ½ và thuốc BVTV chỉ còn ¼ so với 1 vụ lúa cao sản.

Từ 2017, chúng tôi đã thử nghiệm không sử dụng phân bón và thuốc BVTV trên một số giống lúa mùa trong khu vực lúa 3 vụ và vùng ngập nước, nhận thấy các giống chín sớm như Hương lài trứng cu, Một bụi trắng, Huyết rồng, Nếp than, nhóm Khaw Dak Mali thích ứng tốt đất phèn, chịu ngập và năng suất đạt từ 3-5,5 tấn/ha, trong đó giống Một bụi trắng cao nhất.

Các giống lúa này có thể trồng được 2 vụ/năm. Các giống như Tài nguyên, Nàng thơm chợ đào phát triển rất tốt, nhưng do diện tích giới hạn, bị chuột chim phá hoại, nên không thể đánh giá được năng suất. Tuy nhiên, theo nông dân cộng tác thì trà lúa Tài nguyên và Nàng thơm chợ đào không dưới 6 tấn/ha.

Qua thời gian tiếp cận với cây lúa mùa, chúng tôi mạnh dạn đề xuất nên phục hồi cây lúa mùa cho vùng ngập lũ, vì các lợi ích sau:

– Giúp hấp thu và giảm áp lực lũ: Cây lúa mùa có thể chịu ngập sâu 1m, sức sinh trưởng mạnh, nhiều chồi, cao cây và cạnh tranh tốt với những loại cỏ dại địa phương. Nếu trồng với diện tích đủ lớn sẽ là nơi chứa nước lũ rất lý tưởng.

– Giúp phục hồi đất và đa dạng sinh học: Nước lũ được đưa vào ruộng, cây lúa mùa như các bẫy giữ phù sa, qua đó tạo được dịch vụ hệ sinh thái cho các loài thủy sản phát triển. Theo phản hồi của bà con nông dân thì xả lũ với đồng trống, nguồn lợi thủy sản rất ít so với có thảm thực vật. Có được dịch vụ hệ sinh thái sẽ hình thành sự đa dạng sinh học.

– Gạo phẩm chất cao và giảm thặng dư: Gạo lúa mùa còn là loại gạo ngon và được rất nhiều gia đình người Việt Nam ưa thích. Thực tế hiện nay, Việt Nam đã nhập hàng trăm ngàn tấn gạo mùa từ Campuchia chỉ dùng để ăn. Như vậy, tại sao chúng ta không phát triển cây lúa mùa cho nhu cầu gạo nội địa và xuất khẩu? Năng suất cây lúa mùa trồng theo hướng giảm tối đa hóa chất nông nghiệp sẽ cho sản lượng vừa phải, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và giúp giảm thặng dư nguồn gạo hàng hóa.

– Giảm ô nhiễm môi trường nước và xâm nhập mặn: trữ nước lũ ở thượng nguồn và phóng thích từ từ sẽ hạn chế xâm nhập mặn ở ven biển vào mùa khô. Thời gian thu hoạch lúa mùa là sau mùa lũ và gần Tết Âm lịch, do ít sử dụng hóa chất và thuốc BVTV thì nguồn nước phóng thích ra môi trường sẽ không bị ô nhiễm.

– Sử dụng được cơ sở hạ tầng của lúa 3 vụ: Do thuộc dạng sinh trưởng cao cây, nên sẽ ít chi phí bơm nước và sử dụng được hệ thống đê bao vùng lúa 3 vụ. Với việc ít sử dụng phân bón và chín lúc thời tiết thuận lợi nên có thể sử dụng máy gặt đập liên hợp thu hoạch, không lo về công lao động.

Chính phủ đã định hướng sản xuất nông nghiệp từ số lượng sang chất lượng và sự xoay trục của 3 thành phần chính “thủy sản – cây ăn quả – cây lúa” rất cần một giải pháp hoàn thiện. Với kết quả nghiên cứu và ứng dụng trên là cơ sở ban đầu, qua đó nhằm khơi dậy một tiềm năng và là một giải pháp hữu ích đã hiện hữu ở ĐBSCL. Nghị quyết 120/NQ-CP cũng chính là cơ hội để chúng ta nghĩ đến hướng phát triển và vực dậy tiềm năng này.

(*) Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn –  Đại học An Giang

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới