Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cây xanh bị ‘hành hạ’ nhiều năm, lẽ nào không ai thấy?

Tường Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hàng trăm cây xanh đô thị ở khắp TPHCM bị đổ bê tông lấp gốc, đóng đinh, quấn dây xích khiến trên thân có nhiều vết thương sâu hoắm, gốc cây bị lồi lõm biến dạng. Nạn “hành hạ” diễn ra công khai suốt thời gian dài nhưng chỉ đến khi báo chí lên tiếng thì cây xanh mới được "giải cứu".

Để trồng được một cây xanh đô thị đủ lớn phải mất hàng chục năm nhưng việc đổ bê tông, đóng đinh vô tội vạ vào thân có thể làm chết cây trong thời gian ngắn. Cây chết, thiệt hại không chỉ tính bằng tiền trồng cây mới mà thiệt hại phải tính cả chi phí của quá trình chăm sóc, vun trồng cây từ nhỏ đến lớn. Ngoài ra còn phải tính đến thiệt hại gián tiếp về hiệu quả giảm phát thải mà cây xanh lớn mang lại và bóng mát cho người đi đường bị mất đi.

Cách đây vài ngày, sau khi báo chí đưa tin về tình trạng đổ bê tông, cột dây xích vào gốc cây, cơ quan chức năng đã tổ chức "giải cứu" cây xanh trên đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp).

Hình ảnh hiện trường giải cứu cho thấy sự việc không phải mới xảy ra mà đã diễn ra trong nhiều năm. Bằng chứng của việc này là khi phá bỏ lớp bê tông, cắt dây xích cột thì trên thân cây, gốc cây bị biến dạng với những vết khuyết sâu hoắm(1).

Điều này có nghĩa là việc đổ bê tông, cột dây xích đã xảy ra khi cây còn nhỏ hơn thời điểm hiện tại rất nhiều nên khi cây lớn lên mới tạo ra những vết thương chí mạng như vậy.

Tình trạng bức tử cây xanh như ở đường Nguyễn Thái Sơn không phải là cá biệt mà rất phổ biến ở khắp TPHCM. Trên một loạt tuyến đường như Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp), Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận), Huyền Trân Công Chúa (quận 1), Hoàng Văn Thụ, Xuân Hồng (quận Tân Bình), Ba Tháng Hai (quận 11), Hương lộ 2 (quận Bình Tân), Thoại Ngọc Hầu (quận Tân Phú)… có rất nhiều cây xanh bị đổ bê tông dày phủ kín gốc, xích sắt quấn chặt, đinh lớn đóng vào thân lâu ngày để treo đồ đạc, vỏ xe, túi rác(2).

Để biết được ai hành hạ cây xanh thì chỉ cần đặt câu hỏi “ai được hưởng lợi khi làm như vậy?”. Câu hỏi này không khó để trả lời khi nhìn hiện trạng người ta đang sử dụng cây xanh để làm nơi đặt bảng quảng cáo, bảng hiệu và treo móc, cột khóa đồ đạc vào gốc cây. Cụ thể hơn nữa là những người làm điều đó phải buôn bán và sinh sống chung quanh khu vực đó.

Thế nhưng, những vụ “hành hạ” cây xanh như vậy đã diễn ra công khai trong suốt nhiều năm qua nhưng cả chính quyền địa phương lẫn cơ quan chức năng quản lý cây xanh đô thị đều “không thấy”.

Theo Nghị định 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị, tại Điều 7 có quy đinh rõ việc nghiêm cấm mọi hành vi như đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, lột vỏ thân cây; đổ rác, chất độc hại và vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh; phóng uế, đun nấu, đốt gốc, xây bục, bệ quanh gốc cây.

Còn tại Điều 13 của nghị định này quy định Ủy ban nhân dân theo phân cấp quản lý có trách nhiệm tổ chức bảo vệ, kiểm tra, xử lý các hành vi xâm phạm về cây xanh đô thị. Đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị có trách nhiệm bảo vệ cây xanh đô thị trên địa bàn được giao.

Theo quy định pháp luật, có đến hai cơ quan bảo vệ cây xanh đô thị là chính quyền địa phương và cơ quan quản lý cây xanh.

Về mặt luật, những hành vi hành hạ “cây xanh” như phản ánh trên báo chí đều bị nghiêm cấm và chính quyền địa phương phải có trách nhiệm ngăn chặn, xử phạt người vi phạm.

Ngoài ra, mỗi năm trước mùa mưa bão, cơ quan quản lý cây xanh đều tổ chức kiểm tra cây xanh, cắt nhánh mé cành đề phòng tai nạn.

Ấy vậy mà những vụ “hành hạ” cây xanh đã diễn ra công khai nhiều năm trên khắp thành phố, từ trung tâm ra ngoại thành, nhưng cả hai cơ quan chức năng này đều không phát hiện để ngăn chặn thì thật là rất khó hiểu!

-------------------

(1) https://tuoitre.vn/go-xich-pha-be-tong-giai-cuu-cay-xanh-tren-duong-nguyen-thai-son-20240619100720015.htm

(2) https://tuoitre.vn/du-kieu-buc-tu-cay-xanh-duong-pho-dong-dinh-tram-xi-mang-troi-goc-cay-20240618135823208.htm

1 BÌNH LUẬN

  1. Cây là người. Có xác có hồn. Là bạn. Là mái che chắn hữu hiệu cho sự sinh tồn của nhân loại. Có hiểu được điều này thì mới có quan điểm và cách đối xử nhân văn và khoa học với cây cỏ. Tiếc thay, hiện đang có quá nhiều bất cập trong suy nghĩ và hành động, không chỉ của người lớn mà cả con trẻ. Giáo dục, và nêu gương, phải luôn đi trước một bước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới