Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

CEO của OpenAI muốn huy động 5-7 nghìn tỉ đô la để sản xuất chip AI

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sam Altman, CEO của OpenAI, công ty phát triển ChatGPT đang nuôi tham vọng huy động hàng nghìn tỉ đô la Mỹ để xây dựng hàng loạt nhà máy sản xuất chip AI. Đây là một kế hoạch khổng lồ và phức tạp, dự kiến mất nhiều năm đàm phán với các bên liên quan từ các nhà đầu tư, cơ quan chính phủ cho đến các hãng chip.

Sam Altman, CEO của OpenAI, công ty phát triển ChatGPT đang đàm phán với các nhà đầu tư tiềm năng gồm UAE, Softbank, TSMC để huy động hàng nghìn tỉ đô la cho dự án xây dựng hàng chục nhà máy sản xuất chip AI. Ảnh: EPA

Cần nguồn vốn khổng lồ để tăng năng lực sản xuất chip AI

Tờ Wall Street Journal hôm 9-2 dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Sam Altman đang đàm phán với các nhà đầu tư bao gồm chính phủ của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) để huy động vốn cho một dự án tăng cường năng lực chế tạo chip của thế giới, mở rộng khả năng cung cấp năng lượng cho AI.

Một nguồn tin tiết lộ, dự án có thể yêu cầu huy động số tiền cực lớn, từ  5-7 nghìn tỉ đô la Mỹ. Nếu huy động vốn thành công, dự án sẽ giúp giải quyết những hạn chế đối với sự phát triển của OpenAI, bao gồm cả sự khan hiếm của những con chip AI đắt tiền nhưng cần thiết để đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn, vận hành các hệ thống AI như ChatGPT.

Altman thường phàn nàn rằng về tình trạng thiếu chip AI, hay còn gọi chip xử lý đồ họa (GPU) để hỗ trợ cho nỗ lực phát triển trí thông minh nhân tạo tổng quát (AGI) của OpenAI. AGI được xem là cấp độ cao nhất của AI, có thể tư duy và học học giống như con người.

Công nghệ đằng sau AI tạo sinh đang trỗi dậy, thúc đẩy nhu cầu những con chip có hiệu năng điện toán cao. Năng lượng cũng là yếu tố quan trọng trong kế hoạch gọi vốn mới của Altman vì các cơ sở AI tiêu thụ lượng điện năng rất lớn.

Mối lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung chip và lượng điện cần thiết để vận hành chip ngày càng tăng trong bối cảnh nhu cầu AI bùng bổ. Nvidia, công ty dẫn đầu thị trường về chip AI không sản xuất kịp để đáp ứng nhu cầu.

Khoản đầu tư trên sẽ lấn át quy mô hiện tại của ngành bán dẫn toàn cầu. Doanh số bán chip toàn cầu đạt 527 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái và dự kiến sẽ tăng lên 1 nghìn tỉ đô la năm 2030. Doanh số thiết bị sản xuất bán dẫn toàn cầu, loại máy móc đắt tiền để vận hành các nhà máy sản xuất chip đạt 100 tỉ đô la vào năm ngoái.

Số tiền mà người đứng đầu OpenAI đang đàm phán cũng sẽ cực kỳ lớn nếu xét theo tiêu chuẩn huy động vốn của doanh nghiệp. Số tiền đó lớn hơn nợ công của một số nền kinh tế lớn trên toàn cầu cũng như lớn hơn quy mô của các quỹ đầu tư quốc gia hàng đầu thế giới.

Theo Hiệp hội thị trường tài chính và chứng khoán, tổng số nợ mà doanh nghiệp của Mỹ phát hành năm ngoái là 1,44 nghìn tỉ đô la. Tổng vốn hóa thị trường của Microsoft và Apple, hai doanh nghiệp có giá trị cao nhất ở Mỹ, là khoảng 6 nghìn tỉ đô la.

Các cuộc đàm phán huy động vốn trên là ví dụ mới nhất về những kế hoạch đầy tham vọng của Altman nhằm tìm cách thay đổi thế giới. Sau khi khởi động cuộc cách mạng AI toàn diện vào cuối năm 2022 với việc OpenAI phát hành ChatGPT, vị doanh nhân này đã đầu tư rất nhiều vào các công ty khởi nghiệp nhằm tạo ra năng lượng rẻ từ phản ứng tổng hợp hạt nhân và kéo dài tuổi thọ của con người thêm một thập niên.

Đàm phán với UAE, Softbank, TSMC

Việc hiện thực hóa tham vọng đối với chip và các lĩnh vực cần thiết khác để hỗ trợ AI đòi hỏi Altman phải thuyết phục được các nhà tài trợ, đối tác trong ngành cũng như các chính phủ. Doanh nhân này cần nhận được sự đồng ý của chính phủ Mỹ, vốn xem ngành công nghiệp bán dẫn là ưu tiên chiến lược. Theo một số nguồn tin, Altman đã gặp Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Gina Raimondo để thảo luận về dự án trên

“OpenAI đã có những cuộc thảo luận hiệu quả về nỗ lực tăng cường cơ sở hạ tầng toàn cầu và chuỗi cung ứng cho chip, năng lượng và trung tâm dữ liệu, những điều rất quan trọng đối với AI và các ngành công nghiệp khác dựa vào chúng. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông báo cho chính phủ Mỹ về tầm quan trọng của các ưu tiên quốc gia và mong muốn chia sẻ thêm thông tin chi tiết trong tương lai”, theo người phát ngôn của OpenAI.

Một số nguồn tin cũng cho biết, Altman đang đề xuất mối quan hệ hợp tác giữa OpenAI với nhiều nhà đầu tư, nhà sản xuất chip và nhà cung cấp năng lượng. Các bên sẽ cùng nhau bỏ tiền để xây dựng các nhà máy sản xuất chip. OpenAI sẽ đồng ý trở thành khách hàng quan trọng của các nhà máy mới này. Phần lớn vốn sẽ được huy động thông qua nợ. Các cuộc thảo luận đang ở giai đoạn đầu và danh sách đầy đủ các nhà đầu tư tiềm năng vẫn chưa công bố. Nỗ lực này có thể kéo dài nhiều năm và có thể không thành công.

Trong những tuần gần đây, Altman đã gặp gỡ một số nhân vật quan trọng bao gồm Sheikh Tahnoun bin Zayed al Nahyan, cố vấn an ninh quốc gia của UAE để trình bày kế hoạch trên.

Altman cũng đã gặp Masayoshi Son, CEO của Tập đoàn Softbank (Nhật Bản) cũng như đại diện từ các công ty sản xuất chip bao gồm TSMC (Đài Loan) để thảo luận về việc thành lập liên doanh.

Trong cuộc đàm phán với TSMC, Altman cho biết muốn xây dựng hàng chục nhà máy chip trong vài năm tới. Tầm nhìn của doanh nhân này là huy động tiền từ các nhà đầu tư Trung Đông và đề xuất TSMC xây dựng và điều hành các nhà máy chip.

Cho đến nay, OpenAI phát triển công nghệ AI bằng cách sử dụng tài nguyên điện toán của đối tác Microsoft, công ty có mức định giá gần đây vượt qua 3 nghìn tỉ đô la Mỹ.

Đối với Altman, lựa chọn nơi xây dựng các nhà máy sản xuất chip mới là vấn đề nan giải. Ông thích chọn Mỹ, nơi chính quyền dự kiến ​​ trợ cấp hàng tỉ đô la cho TSMC và các nhà sản xuất chip lớn trong những tuần tới để xây dựng nhà máy chip.

Tuy nhiên, những công ty đó cũng đối mặt với những thách thức khi mở rộng ở Mỹ. Chẳng hạn, TSMC chỉ ra những hạn chế như thiếu công nhân lành nghề và chi phí cao ở dự án nhà máy chip trị giá 40 tỉ đô la ở bang Arizona. Trong khi đó, Washington rất thận trọng trong việc cho phép một số chính phủ nước ngoài kiểm soát nguồn cung chip quan trọng, mang tính chiến lược.

G42, một công ty công nghệ có trụ sở tại Abu Dhabi, nơi Sheikh Tahnoun làm chủ tịch đã công bố hợp tác với OpenAI hồi tháng 10 để “cung cấp các giải pháp AI tiên tiến cho UAE và thị trường khu vực”.

Đầu năm nay, hạ nghị sĩ Mike Gallagher, Chủ tịch ủy ban đặc biệt về Trung Quốc ở Hạ viện Mỹ đã gửi thư tới bà Raimondo kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ điều tra mối quan hệ của G42 với Trung Quốc và xem xét các hạn chế thương mại đối với công ty này.

Theo WSJ

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới