(KTSG Online) - Efishery trở thành kỳ lân (công ty khởi nghiệp được định giá 1 tỉ đô la Mỹ trở lên) hiếm hoi của Indonesia sau khi huy động được 200 triệu đô la vốn mới. Nhưng điều đáng chú ý là CEO và người đồng sáng lập startup này là một kỹ sư trẻ, mới chỉ 33 tuổi, lớn lên gần một khu ổ chuột ở thủ đô Jakarta.
- Startup sử dụng AI để hỗ trợ nuôi trồng thủy sản bền vững
- Các startup ở Mỹ ‘tung cờ trắng’ vì cạn tiền
Theo Gibran Huzaifah, CEO của Efishery, giá trị của công ty khởi nghiệp công nghệ nông nghiệp này đạt 1,4 tỉ đô la sau vòng Series D do Quỹ 42X của Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) dẫn đầu. Mức định giá mới cao gấp ba lần giá trị trước đó là 410 triệu đô la vào năm 2022.
Bên cạnh các nhà đầu tư hiện gồm Northstar Group, Temasek và SoftBank Group, vòng gọi vốn mới nhất của Efishery còn có sự góp mặt của các nhà đầu tư mới như ResponsAbility Investments, và 500 Global, và quỹ hưu trí nhà nước của Malaysia, Kumpulan Wang Persaraan.
Sau vòng tài trợ mới nhất, cổ phần của Huzaifah và người đồng sáng lập Muhammad Ihsan Akhirulsyah đạt trị giá hơn 100 triệu đô la mỗi người.
Efishery, đang phục vụ 70.000 người nuôi cá và tôm ở Indonesia, đã vượt giá trị 1 tỉ đô la trong một năm mà ngành công nghệ chứng kiến làn sóng sa thải nhân viên, CEO từ chức và mức định giá lao dốc. Các nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, lãi suất tăng và mức lạm phát cao khiến các nhà đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu rút lui khỏi thị trường khởi nghiệp.
Trong một cuộc phỏng vấn , Gibran Huzaifah tiết lộ Efishery có kế hoạch sử dụng vốn mới để mở rộng kinh doanh ở Indonesia và Ấn Độ trước khi xem xét đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Mỹ hoặc Indonesia trong hai năm tới.
“Chúng tôi muốn trở thành công ty dẫn đầu toàn cầu trong vòng 5 năm tới và tiến hành IPO vào một thời điểm nào đó, sớm nhất là vào năm 2025”, anh nói.
Huzaifah lớn lên gần khu ổ chuột ở phía đông Jakarta. Anh là con trai của một quản đốc công trường xây dựng và một người nội trợ. Mẹ anh, người chưa học hết cấp ba, đã thúc giục anh học hành. Không phụ lòng mong đợi, Huzaifah học rất xuất sắc và cuối cùng cùng đăng ký chuyên ngành sinh học ở Học viện Công nghệ Bandung, một trường đại học ưu tú ở Bandung (Indonesia), nổi tiếng đào tạo các kỹ sư .
Nhưng khi vào đại học, tình hình tài chính của gia đình anh trở nên tồi tệ hơn sau khi cha anh mất việc. Ở một thành phố mới, không có người quen và không còn nhận được tiền từ gia đình, anh phải tìm mọi nơi có thể để ngủ hàng đêm. Anh cho biết đôi lúc, đó là khuôn viên trường đại học, đôi khi là một nhà thờ Hồi giáo. Có một lần, anh không ăn trong ba ngày vì hết sạch tiền.
Rồi tình cờ, Huzaifah tham gia một lớp học về nuôi trồng thủy sản. Anh bị cuốn hút bởi những bài giảng của giáo sư về chăn nuôi cá da trơn. Tin chắc rằng nuôi trồng thủy sản là tương lai của thực phẩm, và quan trọng hơn, đó có thể là con đường thoát khỏi cảnh nghèo, Huzaifah lập tức thuê một cái ao để nuôi cá da trơn. Đến năm 2013, tức chỉ trong vòng 3 năm sau khi thuê ao đầu tiên, anh đã điều hành đến 76 ao.
Trong thời gian đó, anh đã trực tiếp trải nghiệm những thách thức của ngành nuôi trồng thủy sản, chẳng hạn như tỷ suất lợi nhuận rất nhỏ do chi phí thức ăn cao và giá cá thấp do bán trung gian qua thương lái. Với sự hỗ trợ của một người bạn có kiến thức công nghệ, Huzaifah đã chế tạo một mẫu máy cho cá ăn tự động, sử dụng công nghệ internet vạn vật (IoT) để khắc phục các vấn đề cá ăn quá nhiều hoặc quá ít.
Đến năm 2013, anh chính thức thành lập eFishery. Cách tiếp cận của bám theo hai nguyên tắc: làm điều mà anh hiểu và không chạy theo đám đông.
Kể từ đó, hoạt động kinh doanh của eFishery phát triển nhanh chóng, và trở thành một nền tảng thị trường, có tên gọi eFishery Fresh, giúp kết nối người nuôi trồng thủy sản với những khách hàng mua cá và tôm. Ngoài ra, eFishery còn có eFishery Mall, một nền tảng cung cấp thức ăn cho ngành nuôi trồng thủy ăn. eFishery cũng làm việc với các tổ chức tài chính để cung cấp tài chính cho nông dân.
Với khoản vốn mới, eFishery muốn bao phủ quy mô phục vụ hơn 1 triệu ao nuôi trồng thủy sản ở Indonesia vào năm 2025 và tăng các giao dịch mua bán cá tươi và thức ăn.
Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Indonesia là nước sản xuất nuôi trồng thủy sản lớn thứ hai thế giới với tổng sản lượng 14,8 triệu tấn vào năm 2020, tương đương 13,2% sản lượng toàn cầu.
Theo Bloomberg, Tech in Asia