Thứ sáu, 10/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chậm chuyến bay hàng giờ, lẽ nào cứ cho khách chai nước là xong?

Minh Duy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chủ nhật rồi, một lần nữa tôi lại phải vạ vật hàng giờ tại sân bay vì chậm chuyến. Đáng lẽ, chuyến bay khởi hành vào lúc 18 giờ 5 phút từ sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) để đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM) vào 20 giờ 15 phút thì mãi đến 22 giờ 45 mới đến nơi, muộn hơn so với dự kiến đến 2 giờ rưỡi.

Nếu trừ đi khoảng 20 phút máy bay phải bay loanh quanh trước khi hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất thì thời gian mà tôi và hàng trăm hành khách của chuyến bay hôm đó phải chờ còn dài hơn cả thời gian cần để bay từ Hà Nội vào TPHCM.

Tuy nhiên, đó chưa phải là “kỷ lục chờ”, nhiều người đi cùng chuyến còn cho biết từng phải chờ với thời gian dài gấp đôi, gấp ba so với thời gian khởi hành ghi trên thẻ lên máy bay. Có những người đã từng phải ngồi ngắm… máy bay từ bốn đến năm giờ liền.

Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, chỉ trong giai đoạn từ ngày 19-5 đến ngày 18-6 vừa qua, các hãng hàng không của Việt Nam đã khai thác 30.808 chuyến, tăng 18% so với cùng thời điểm trước đó.

Trong số này, có hơn 5.600 chuyến bay bị chậm, chiếm hơn 18% trong tổng số chuyến bay khai thác. Đặc biệt, trong số các chuyến bay bị chậm, có đến 4.126 chuyến bay báo lý do là… "tàu bay về muộn".

Tỷ lệ chậm chuyến cao làm nhiều khách hàng bức xúc, thậm chí phản ứng gay gắt. Hồi đầu tháng này, một số tờ báo đã phản ảnh chuyện hàng chục hành khách đã tràn xuống sân đậu ở Tân Sơn Nhất do chuyến bay bị trễ nhiều lần và phải ngồi chờ trong máy bay quá lâu.

Theo baochinhphu.vn, đánh giá về nguyên nhân chậm, hủy chuyến bay, một số quan chức ngành hàng không cho rằng, do lượng khách nội địa tăng cao, như trong tháng 6 vừa qua, lượng khách tăng đến 38% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước dịch Covid-19, mà hạ tầng hàng không lại hạn chế, các hãng lại gặp khó khăn về nhân sự sau dịch.

Thêm vào đó còn có một số nguyên nhân từ những bất cập khác như việc xếp chỗ trên bãi đỗ chưa khoa học và cả việc chiếm dụng đường cất, hạ cánh...

Nếu là như vậy thì cần phải có giải pháp triệt để hơn từ cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Cơ quan quản lý cần tính toán lại việc cấp phép chuyến bay trong giới hạn mà hạ tầng có thể chịu đựng và buộc các đơn vị có trách nhiệm điều phối bay xử lý ngay những vấn đề về kỹ thuật khiến chuyến bay chậm khởi hành.

Các biện pháp chế tài mạnh mẽ cũng cần được áp dụng trong trường hợp chậm chuyến là do lỗi của doanh nghiệp, nên giảm slot bay (lượt cất, hạ cánh) với những hãng có nhiều chuyến bay chậm. Việc thiếu nhân sự hay chưa đầu tư đủ cho kỹ thuật, công nghệ là chuyện của doanh nghiệp, không thể buộc khách hàng phải chịu.

Các hãng hàng không đều xem slot là tài sản quý như vàng nên chế tài bằng cách này sẽ đem lại hiệu quả. Mỗi tháng, Cục Hàng không đều công bố số lượng các chuyến bay chậm, hủy của các hãng cùng với nguyên nhân. Đây là dữ liệu xác thực để thực hiện các biện pháp chế tài với hãng bay.

Thêm vào đó, cơ quan quản lý cũng cần xem xét lại mức bồi thường mà các hãng phải trả cho hành khách bị chậm, hủy chuyến để doanh nghiệp thấy sợ mà tránh, còn khách hàng thì được bồi thường tương xứng.

Theo quy định tại điều 7 Thông tư 36/2014/TT-BGTVT, hãng bay chỉ phải phục vụ nước uống cho hành khách nếu chuyến bay chậm từ 2 giờ, chậm từ 3 giờ phải phục vụ ăn, từ 6 giờ và đặc biệt trong khung giờ từ 22 giờ hôm trước đến trước 7 giờ hôm sau phải bố trí chỗ ngủ…

Mức bồi thường này là quá thấp và các hãng có thể lách. Như chuyến bay tôi vừa kể trên, sau hai lần thông báo chậm chuyến vì “lý do khai thác”, hãng bay đề nghị phục vụ mỗi hành khách “một phần thức uống”.

Nghe có vẻ hứa hẹn nhưng thực tế đó chỉ là một chai nước mà để có chai nước này, khách phải mang thẻ lên máy bay đến quầy thủ tục đăng ký nhận phiếu rồi đến quầy bán thức ăn trong sân bay để đổi.

Chẳng lẽ, hàng giờ chờ đợi trong mệt mỏi cùng những thiệt hại do lịch làm ăn, học hành bị thay đổi mà hành khách phải chịu do chậm chuyến bay chỉ đáng giá bằng một chai nước vài ngàn đồng?

Quy định xử phạt, bồi thường nếu không mạnh tay thì khó có thể giải quyết được tình trạng các hãng cứ tha hồ trễ chuyến và thông báo là vì "lý do khai thác" hay "do tàu bay về muộn" là xong!

1 BÌNH LUẬN

  1. Có còn hơn không. Bay được là tốt rồi. Triết lý này được các hãng bay ở ta “vận dụng” nhuần nhuyễn từ lâu. Nói vậy cũng có thể vơ đũa cả nắm, ví dụ như Bamboo Airway dù là lính mtới nhưng giờ chậm bay lại ít nhất, trong khi các hãng lão làng lại tỏ ra chậm chạp ? Vấn đề còn do sự cạnh tranh kém, lựa chọn cho khách hàng là quá ít ỏi. Không có hàng không thì cũng nên có tàu hỏa cao tốc, vẫn tốt hơn. Sẽ không thể nâng cao chất lượng phục vụ nếu không có chế tài nghiêm và không xây dựng được văn hóa cạnh tranh lành mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới