Thứ tư, 20/11/2024
30.6 C
Ho Chi Minh City

‘Chấm dứt’ không có nghĩa là ‘hết’

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hôm thứ Sáu tuần rồi, ngày 5-5-2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với đại dịch Covid-19.

WHO đi đến quyết định này sau khi ban hành tình trạng khẩn cấp toàn cầu – mức độ báo động cao nhất quy định bởi tổ chức này – đối với đại dịch Covid-19 cách đây ba năm, ba tháng và năm ngày (30 tháng 1 năm 2020).

Theo số liệu của WHO, đến ngày 3-5-2023, đã có gần 766 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 được chính thức xác nhận trên toàn thế giới và đã có hơn 13,3 tỉ liều vaccine Covid-19 được sử dụng tại các quốc gia(1). Số liệu cũng cho thấy đã có gần bảy triệu người chết được báo cáo chính thức.

Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 đã giảm từ đỉnh điểm với hơn 100.000 người thiệt mạng mỗi tuần trên toàn thế giới vào tháng 1 năm 2021 xuống còn chừng 3.500 người vào ngày 24-4-2023, phản ảnh nỗ lực tiêm chủng diện rộng, các phương pháp chữa trị hiệu quả hơn và tỷ lệ miễn dịch cộng đồng cao hơn từ các ca nhiễm trước đó đã giúp chế ngự tác động tiêu cực của con rivus corona.

“Vì vậy, với niềm hy vọng lớn lao, tôi tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về y tế đối với Covid-19 đã chấm dứt”, Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus được hãng thông tấn Anh Reuters trích dẫn.

Tuy nhiên, báo chí thế giới dẫn một nguồn khác cũng của WHO cho rằng con số thật về thiệt hại nhân mạng có thể cao hơn nhiều, vào khoảng từ 20 triệu đến 25 triệu người.

Vì thế, người đứng đầu WHO cũng nhấn mạnh rằng việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp không có nghĩa là đại dịch Covid-19 đã hết với tư cách là một mối nguy hiểm cho sức khỏe nhân loại, theo Reuters.

Ở Việt Nam, từ đầu năm, số ca nhiễm không đáng kể so với thời kỳ đen tối nhất và không có ca tử vong nào được ghi nhận. Tuy nhiên, trong vài tuần qua, số ca nhiễm Covid-19 đã tăng trở lại và cũng đã có vài ca thiệt mạng được báo cáo chính thức.

Trong cuộc họp báo do WHO tổ chức sau tuyên bố của ông Tedros, nhiều quan chức rất xúc động khi họ yêu cầu các quốc gia rút ra bài học kinh nghiệm từ đại dịch.

“Chúng ta không thể nào quên cảnh xác người bị thiêu rụi”, bà Maria Van Kerkhove, người phụ trách kỹ thuật về Covid-19 của WHO, nói. “Chúng ta không thể nào quên các nấm mồ được đào lên [vội vã]. Không một ai trong số chúng ta sẽ quên những cảnh tượng đó”.

Các quan chức WHO cảnh báo rằng chấm dứt tình trạng khẩn cấp có thể dẫn đến việc cộng đồng quốc tế thôi hợp tác với nhau hay ngân sách chống dịch tại các nước được dùng vào việc khác.

“Cuộc chiến vẫn chưa hết”, theo ông Michael Ryan, người phụ trách các tình trạng khẩn cấp của WHO. “Chúng ta vẫn còn nhiều điểm yếu và những điểm yếu này trong hệ thống của mình sẽ bộc lộ - nếu không phải do virus này thì cũng do virus khác. Vì vậy, các nhược điểm đó phải được khắc phục”.

Theo Reuters, WHO thường không chính thức tuyên bố một đại dịch bắt đầu hay chấm dứt. Nhưng tuyên bố về Covid-19 cách đây hơn ba năm là một ngoại lệ.

“Trong đa số các trường hợp, một đại dịch chỉ chấm dứt khi một đại dịch khác bắt đầu”, ông Michael Ryan nói.

Quyết định nêu trên cũng hàm ý các quan chức WHO tin rằng biến thể nguy hiểm của con virus corona ít có khả năng xuất hiện trong vài tháng tới dù virus này vẫn rất khó đoán trước.

Tại nhiều quốc gia không còn những đợt xét nghiệm và phần lớn người dân cũng không cần đeo mặt nạ phòng dịch. Tuy vậy, một số nước khác tái áp dụng quy định bắt buộc mang mặt nạ khi dịch bùng phát lần nữa.

Tuần trước, WHO cũng đã đưa ra một kế hoạch để sống chung với Covid-19 về lâu về dài, bao gồm các điểm chính như theo dõi sát sao tình hình, bảo vệ cộng đồng, cung cấp chăm sóc sức khỏe an toàn theo các mức độ, các biện pháp sẵn sàng ứng phó và phối hợp khi tình huống khẩn cấp xảy ra(2).

WHO cho rằng đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục là một thách thức đối với hệ thống y tế toàn cầu, chẳng hạn như bệnh Covid-19 kéo dài sau khi mắc phải. “Không nên cho rằng [tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp của WHO] nghĩa là đại dịch hết nguy hiểm”, Reuters dẫn lời ông Mark Woolhouse, chuyên gia dịch tễ ở Đại học Edinburgh, Anh.

“Nó vẫn là một mối đe dọa nghiêm trong về mặt sức khỏe cộng đồng và trước mắt nó vẫn tồn tại như thế”, ông Woolhouse nói với Reuters.

Các ý kiến nêu trên hoàn toàn có ý nghĩa với Việt Nam chúng ta. Không người Việt nào quên được những hình ảnh đau lòng như vị chuyên gia WHO nhắc đến bên trên. Ngoài chuyện tôn trọng kế hoạch của WHO, chúng ta vẫn đang xử lý nghiêm túc vụ Việt Á để sự việc tương tự sẽ không tái diễn.

Trong bài phát biểu tại phiên họp WHO, Tổng giám đốc Tedros nhấn mạnh ông sẽ không ngần ngại triệu tập ủy ban khẩn cấp của tổ chức này nếu như Covid-19 đặt thế giới vào tình thế nguy hiểm một lần nữa.

Những gì ông Tedros nói một lần nữa khẳng định thái độ đúng đắn cần có đối với đại dịch Covid-19: Không hoảng sợ nhưng không xem thường.

-------------

(1)https://covid19.who.int/

(2)file:///C:/Users/huynh/Downloads/WHO-WHE-SPP-2023.1-eng.pdf

1 BÌNH LUẬN

  1. Chấm dứt, chỉ có ý nghĩa thời hiệu. Không có ý nghĩa vô hiệu mọi thời điểm. Đối với vi rút/ vi khuẩn, lại càng phải cảnh giác. Biến hóa khôn lường, từ dạng này sang dạng khác, từ thấp lên cao, từ đơn giản đến phức tạp. Dịch bệnh qua đi, không có nghĩa là hết. Mọi thứ nguy cơ, vẫn luôn tồn tại ở phía trước. Vấn đề là con người, có tỉnh thức được điều gì không ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới