Thứ bảy, 22/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chậm xanh hóa, doanh nghiệp logistics Việt có nguy cơ mất thị trường

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nếu không nhanh chóng triển khai các biện pháp xanh hóa, nhiều doanh nghiệp logistics Việt Nam có thể đối mặt với những thách thức lớn và nguy cơ bị loại khỏi thị trường quốc tế.

Ngành logistics Việt sớm xanh hóa để phát triển. Ảnh: TL

Những bước đi “xanh” của doanh nghiệp

Việc áp dụng các tiêu chí môi trường trong logistics không còn chỉ là một xu hướng, mà đang trở thành yêu cầu bắt buộc trong môi trường kinh doanh hiện tại. Những doanh nghiệp chậm chân trong việc chuyển đổi có thể dễ dàng bị bỏ lại phía sau trong cuộc chơi toàn cầu.

Để thích ứng với sự chuyển mình này, các công ty logistics lớn đã bắt đầu sử dụng những công nghệ, phương tiện và năng lượng tái tạo nhằm giảm thiểu tác động của họ đến môi trường.

Ông Lê Duy Hiệp, Tổng Giám đốc Transimex, chia sẻ rằng công ty đang nỗ lực phát triển logistics xanh để đối phó với biến đổi khí hậu thông qua ứng dụng công nghệ tiên tiến và năng lượng tái tạo. Ví dụ, kho lạnh Long An của Transimex đầu tư gần đây không chỉ được trang bị hệ thống kho lạnh tự động (ASRS) mà còn sử dụng năng lượng mặt trời, góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Không chỉ ở dự án mới, theo ông Hiệp, trong 5 năm qua chuỗi kho lạnh, kho mát tại các trung tâm logistics của Transimex được chuyển sang vận hành bằng điện mặt trời với tổng công suất đạt 5.016 KWp, sản xuất khoảng 7.164 MWh/năm, giúp giảm 5.760 tấn CO2 vào môi trường hàng năm. Công ty cũng ưu tiên sử dụng các phương tiện vận tải hạn chế phát thải, đồng thời hoàn toàn trang bị xe nâng điện để giảm thiểu ô nhiễm.

Cũng trong xu hướng xanh, ông Lê Hoài Nam, CEO của Dynamic Links, cho biết công ty đã thực hiện nhiều bước đi quan trọng, bao gồm chuyển đổi hoàn toàn phương tiện vận chuyển sang các dòng xe mới với tiêu chuẩn phát thải thấp. Những nỗ lực này không chỉ giúp giảm chi phí bảo trì khoảng 50% mà còn tăng khả năng cạnh tranh trong mắt các đối tác quốc tế.

Còn InterLOG tích cực đào tạo nhân viên về chuyển đổi xanh và áp dụng các phương pháp số hóa để cắt giảm lượng giấy tờ, giảm thiểu tác động đến môi trường. Bà Phan Thị Tình, Giám đốc Thương mại của InterLOG, cho biết công ty đã cung cấp các giải pháp giúp khách hàng tối ưu hóa tiến trình giao hàng, qua đó giảm chi phí và nhiên liệu.

Thách thức trong cuộc chuyển đổi

Mặc dù một số doanh nghiệp lớn đã có những bước đi tích cực, nhưng số doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) vẫn chưa thực sự chú trọng đến vấn đề chất lượng môi trường trong hoạt động logistics. Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong tổng số hơn 34.000 doanh nghiệp logistics trên cả nước, số doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh vẫn còn rất hạn chế.

Tại hội thảo “Logistics xanh - Đích đến bền vững” mới đây ở TPHCM, ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), nhận thức về logistics xanh đang gia tăng, nhưng việc áp dụng thực tế vẫn còn nhiều rào cản. Phân tích cho thấy khoảng 75% hàng hoá tại Việt Nam hiện vẫn chủ yếu vận chuyển bằng đường bộ, dẫn đến 95% tổng lượng phát thải đến từ hoạt động này.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thách thức không chỉ nằm ở việc thiếu hụt nguồn lực tài chính mà còn ở sự thiếu hụt kiến thức chuyên môn về công nghệ giảm phát thải. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kém phát triển cũng là một nguyên nhân cản trở quá trình chuyển đổi xanh.

Thêm vào đó, thách thức về nguồn vốn, nhân lực và công nghệ vẫn đang là rào cản lớn. Theo ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Dịch vụ Logistics Việt Nam, kinh phí cho việc thực hiện các giải pháp giảm phát thải và nâng cao nhận thức trong nội bộ vẫn là một bài toán khó.

Dẫn số liệu từ Ngân hàng Thế giới, ông Khoa cho biết trung bình mỗi năm hoạt động vận tải ở Việt Nam phát thải hơn 50 triệu tấn CO2. Trong đó, vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng 85% lượng khí phát thải. Lượng phát thải này được dự báo tăng trung bình 6 - 7% mỗi năm. Dự báo, phát thải CO2 của các ngành vận tải sẽ ở mức 90 triệu tấn CO2 vào năm 2030.

Bên cạnh phát thải lớn, ngành logistics Việt cũng chịu ảnh hưởng từ các chính sách, quy định và yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng khắt khe hơn.

Trong đó, các hiệp định thương mại thế hệ mới đều yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao tiêu chuẩn, giảm “dấu chân” carbon trong hoạt động logistics để hướng tới phát triển bền vững chuỗi cung ứng.

Ngành logistics Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nhưng phải chuyển đổi xanh để giữ chân khách hàng. Ảnh minh họa: H.P

Ông Stéphane Graber, Tổng Giám đốc Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA), nhấn mạnh rằng việc giảm phát thải carbon trong ngành logistics đang trở thành yêu cầu cấp bách đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Điển hình, Liên minh Châu Âu (EU) - một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam - đã triển khai Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM), áp dụng thuế carbon đối với hàng hóa có lượng phát thải cao khi nhập khẩu. Bên cạnh đó, EU cũng ban hành Chỉ thị Báo cáo Bền vững Doanh nghiệp (CSRD) nhằm chuẩn hóa quy trình báo cáo bền vững, yêu cầu doanh nghiệp công khai thông tin về tác động môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Do đó, các chuyên gia khuyến nghị rằng doanh nghiệp logistics cần cầu nối giữa quá trình chuyển đổi xanh với việc tối ưu hóa khả năng cạnh tranh. Việc chuyển đổi sang các phương thức vận tải bền vững hơn, như đường biển và đường sắt, kết hợp với tự động hóa trong kho bãi, có thể giúp giảm thiểu đáng kể biến động môi trường.

Gợi mở giải pháp cho doanh nghiệp

Rõ ràng, hành trình chuyển đổi xanh không chỉ là một lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh quốc tế. Các chuyên gia khuyên doanh nghiệp cần tận dụng mọi lợi thế, đưa yêu cầu xanh hóa vào làm động lực để nâng cao năng lực cạnh tranh và hình ảnh thương hiệu.

Giải pháp cho vấn đề này có thể là chuyển đổi hình thức vận tải từ đường bộ sang đường thủy, đường biển và đường sắt, đẩy mạnh tự động hóa trong hoạt động kho bãi, và tối ưu hóa quy trình vận hành bằng cách giảm thiểu giấy tờ.

Vận chuyển container xuống tàu biển. Ảnh: H.P

Các chuyên gia cũng đồng tình rằng chính sách hỗ trợ từ phía chính phủ, như giảm thuế VAT và cung cấp quỹ tín dụng xanh, là điều cần thiết để thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển mình theo hướng bền vững.

Gợi mở giải pháp để chuyển đổi xanh ngành logistics, ông Phạm Thiên Ân, Giám đốc Công ty Giám định Vinacontrol, cho rằng hiện nay, Nhà nước đã có rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, ngoài ra còn có thị trường về trao đổi tín chỉ carbon. "Đây có thể là một công cụ tài chính đắc lực cho các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi xanh", ông nói.

Bên cạnh đó, việc xây dựng chiến lược giảm phát thải khí nhà kính rõ ràng và cụ thể cũng là một yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu giảm thải carbon một cách hiệu quả.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới