Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chăn nuôi giảm phát thải: Nhiều nông hộ cân nhắc bỏ hay chuyển đổi?

Ngọc Hùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Việc chuyển đổi ngành chăn nuôi theo hướng giảm phát thải carbon không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn là cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP26. Tuy nhiên, quá trình này cũng đặt ra bài toán khó cho không ít hộ chăn nuôi nhỏ trong quá trình chuyển đổi.

Ngành chăn nuôi đang hướng đến mô hình giảm phát thải carbon. Đây là xu thế nhưng cũng có thể thêm một khó khăn để những chăn nuôi dạng nông hộ cân nhắc có nên tiếp tục hay "rời cuộc chơi". Ảnh: TL.

Ngành chăn nuôi trước áp lực giảm phát thải

Nông nghiệp mặc dù đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam và mang về một lượng ngoại tệ lớn mỗi năm nhưng cũng là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn.

Theo nhiều nghiên cứu, chính các hoạt động như chăn nuôi gia súc, canh tác lúa nước, phân bón hóa học và sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong nông nghiệp đều góp phần làm tăng nồng độ khí CO2, khí metan (CH4)… gây ra hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu.

Vì thế, để tìm hướng ra cho ngành chăn nuôi giảm phát thải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức nhiều hội thảo liên quan trong thời gian qua. Mới đây nhất là hội thảo “Phát triển chăn nuôi bò thịt trong tình hình mới theo hướng giảm phát thải”, vừa được tổ chức trong tuần qua.

Lý do chăn nuôi bò thịt được chọn để làm một chủ đề riêng thay vì cho cả ngành chăn nuôi nói chung là vì theo Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngành chăn nuôi bò của Việt Nam hiện chủ yếu tập trong ở các nông hộ. Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam có 2,5 triệu hộ nuôi bò thịt, trong đó, có gần 2,2 triệu hộ nuôi dưới 5 con/hộ, chiếm hơn 93% tổng số hộ chăn nuôi bò thịt.

Theo số liệu công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Báo cáo kiểm kê khí metan năm 2020, phát thải khí metan lĩnh vực chăn nuôi là 20,3 triệu tấn, chiếm 18,3% tổng lượng phát thải khí metan. Trong đó, nguồn phát thải chính của lĩnh vực chăn nuôi từ tiêu hóa thức ăn chiếm 77% và quản lý chất thải vật nuôi chiếm 23%. Chăn nuôi bò thịt đóng góp trên 50% tổng lượng phát thải toàn ngành chăn nuôi.

Đối với chăn nuôi heo, khi so sánh dữ liệu thống kê trong những năm qua, phía Cục chăn nuôi nhận thấy đang có xu hướng chuyển dịch theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ ở quy mô hộ gia đình, tăng mạnh các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp và trang trại quy mô lớn. Hiện nay sản lượng heo sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35-40%, tương đương khoảng 9-10 triệu con và đa phần hình thức chăn nuôi này, chất thải thường được thải trực tiếp ra môi trường.

Vì thế, ngành chăn nuôi bò, chăn nuôi heo đang gặp những khó khăn trong quá trình chuyển sang hướng chăn nuôi giảm phát thải nhà kính. Dù vậy, khi trao đổi với KTSG Online, phía Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết, đây là xu hướng chung của ngành chăn nuôi và mục tiêu hướng đến là phải đạt “chứng chỉ xanh”.

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, mặc dù, chăn nuôi heo hiện nay chủ yếu tập trung cho thị trường trong nước nhưng thời gian tới, người chăn nuôi cũng phải chuyển đổi chăn nuôi theo hướng giảm phát thải nhà kính. Dự kiến, cuối tháng 11 này, Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai sẽ tổ chức một hội thảo tương tự cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, một trong những địa phương có tổng đàn heo lớn nhất cả nước.

Hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải chuyển đổi để tồn tại

Ông Nguyễn Văn Bé, một nông dân đang nuôi bò ở xã An Cư, thị xã Tịnh Biên, An Giang cho biết, hiện tại gia đình ông đang nuôi 10 con bò vỗ béo và cũng được nghe đến thông tin nuôi bò theo hướng giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới làm hầm khí biogas để thu gom phân bò thay vì thải ra môi trường.

“Làm biogas để thu khí metan để trong sinh hoạt hàng ngày là có lợi nhưng hiện tại nông dân chưa làm vì mới dừng lại ở mức khuyến khích. Nếu chuyển hưởng theo cách này mà đẩy chi phí lên thì những hộ nuôi nhỏ như tôi sẽ cân nhắc có nên tiếp tục nuôi bò nữa hay không”, ông nói với KTSG Online qua điện thoại.

Ông Lê Văn Tám, một hộ chăn nuôi heo ở xã Trị An, Vĩnh Cửu, Đồng Nai cho biết, lâu nay, gia đình chỉ nuôi 15-20 con, phân thải ra từ đàn heo này được dùng để tưới rau nuôi heo. Ông Tám cũng cho biết, Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cũng đã có những thông tin kêu gọi những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển hướng chăn nuôi theo mô hình giảm phát thải carbon. Hiện ông Tám cũng đang chờ tham dự hội thảo liên quan đến mô hình chăn nuôi giảm phát thải mà Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai dự kiến tổ chức vào cuối tháng 11 để xem liệu có hướng nào trong tương lai.

“Chúng tôi chăn nuôi nhỏ lẻ, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lời lỗ sau khi xuất chuồng nên thường phải cân nhắc, tính toán kỹ. Nếu chuyển hướng chăn nuôi theo mô hình giảm phát thải carbon mà có lời thì nông dân chúng tôi mới làm, chứ nuôi mà không lời thì các nông hộ sẽ bỏ chuồng là khó tránh khỏi”, ông Tám chia sẻ.

Cả hai nông dân trên đều có điểm chung là chăn nuôi nhỏ lẻ, gần như lấy “công làm lời” nên chỉ cần một vài hạng mục nào đó đẩy giá thành chăn nuôi lên thì lợi nhuận sẽ giảm. Vì vậy dễ hiểu khi họ có tâm lý cân nhắc về việc tiếp tục nuôi ở quy mô nhỏ hay bỏ chuồng vì thua lỗ.

Hiện Việt Nam muốn hướng đến nền chăn nuôi giảm phát thải theo mục tiêu đã cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) về mức bằn 0 (Net Zero) vào năm 2050, liệu đây có là một rào cản khiến chăn nuôi nông hộ dần dần biến mất hay không?

Ông Trí Công cho rằng, đây là một xu hướng mà không chỉ cần ngành nuôi mà nhiều ngành khác cũng phải có lộ trình áp dụng. Vì thế, ngành chăn nuôi cũng phải áp dụng nhưng đây không phải là dạng “rào cản kỹ thuật” để làm khó các chăn nuôi nông hộ nhỏ.

Về mặt lâu dài, theo nhận định của Cục chăn nuôi lẫn Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, chăn nuôi nhỏ lẻ là sinh kế của hàng triệu hộ gia đình và khó có thể biến mất hoàn toàn, nhưng để tồn tại và phát triển trong bối cảnh hiện nay, người nông dân cần có những thay đổi căn bản. Chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn có chỗ đứng trong nền nông nghiệp Việt Nam, nhưng để tồn tại và phát triển bền vững, người nông dân cần thích ứng với những thay đổi của thị trường, tích cực liên kết và chuyển đổi mô hình sản xuất.

“Chăn nuôi theo hướng giảm phát thải, là một xu thế chung nên người chăn nuôi ở quy mô trang trại hay nhỏ lẻ dù muốn hay không cũng phải tìm cách thích ứng theo từng bước. Đây là cuộc chơi chung nên không còn lựa chọn nào khác”, ông Công nói.

Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) năm 2021, Việt Nam đã cùng 147 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050.

Sau đó, trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và ban hành Kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính (bao gồm khí metan) ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Theo lộ trình, vào năm 2025, tổng lượng phát thải khí metan không vượt quá 96,4 triệu tấn và phát thải khí metan trong chăn nuôi không vượt quá 16,8 triệu tấn. Ðến năm 2030, tổng lượng phát thải khí metan không vượt quá 77,9 triệu tấn, phát thải khí metan trong chăn nuôi không vượt quá 15,2 triệu tấn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới