Chủ Nhật, 1/10/2023, 18:22
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Chào xuân Kỷ Sửu 2009

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chào xuân Kỷ Sửu 2009

Ảnh: Hữu Thắng.

(TBKTSG Online) – Những chùm pháo hoa rực rỡ, tỏa sáng trên bầu trời. Thời khắc giao thừa đã điểm, chào năm Kỷ Sửu 2009 vừa đến. Một năm Mậu Tý đầy khó khăn, thăng trầm vừa qua đi để đón năm mới với niềm hy vọng tốt lành. Trong giờ phút đất trời giao hòa, mọi người đang vui tươi đón xuân, các phóng viên, cộng tác viên TBKTSG Online đã có mặt tại nhiều nơi để ghi nhận. 

Rất nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã tổ chức bắn pháo hoa cùng các  hoạt động văn hóa để người dân được hưởng một không khí đón giao thừa ngập tràn niềm vui, hạnh phúc.

Tại thủ đô Hà Nội, mặc dù trời rất lạnh nhưng hàng ngàn người đã đổ về các khu vực trung tâm, đặc biệt là quanh hồ Gươm, từ trước giao thừa hai tiếng đồng hồ để vui chơi và chờ xem pháo hoa. Hà Nội năm nay có đến 17 điểm bắn pháo hoa, trong đó có 5 điểm bắn pháo hoa tầm cao và kéo dài trong 15 phút. Hà Nội với hồ Gươm được trang hoàng lộng lẫy, cùng với ánh sáng pháo hoa và những chiếc đèn trời được thả lên cao tạo nên một khung cảnh đón giao thừa thật đẹp trong mắt đông đảo du khách nước ngoài và người dân thủ đô.

Cộng tác viên Thoa Nguyễn tại Hà Nội cho biết, sau giao thừa, nhiều cụ ông cụ bà dù tuổi đã cao nhưng vẫn ra đường đón giao thừa; các cụ đến chùa Quán Sứ, đền Ngọc Sơn, phủ Tây Hồ thắp hương, xin lộc, cầu cho bản thân và gia đình sức khỏe, hạnh phúc, năm mới làm ăn phát đạt. 

Những ngày tết, người dân thủ đô vẫn giữ truyền thống đi lễ chùa, về thăm quê, đi chơi công viên, dự lễ hội đầu xuân ở Hà Nội như hội Gò Đống Đa, hội đền Nguyên phi Ỷ Lan, hội đền Hai Bà Trưng…

Tại TPHCM, phóng viên Thảo Nguyên từ khi trời vừa sụp tối đã “xuống đường” hòa vào dòng người càng lúc càng đông đổ về các khu vực trung tâm, nơi diễn ra các chương trình văn nghệ, múa lân… trước thời khắc giao thừa.

Ảnh: Hồng Thái

Cô cho biết, lúc 22 giờ, tại khu vực sân khấu ở công viên 23 tháng 9, người dân tập trung quá đông, tràn cả ra đường khiến gần như tắc nghẽn giao thông. Tại các điểm khác như khu vực trước Nhà hát thành phố, đường hoa Nguyễn Huệ, người đi du xuân tuy rất vui nhưng cũng vất vả không kém do gần như “chen” nhau mà đi.

0 giờ, những chùm pháo hoa bắt đầu bay lên, tỏa sáng bầu trời. Những ánh mắt ngước nhìn, những thoáng im lặng, vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh của pháo hoa vừa như thầm cầu mong một năm mới an bình đến với mọi người. Sau những phút bắn pháo hoa, dòng người vẫn chưa tan nhanh; một số bạn trẻ cho phóng viên Thảo Nguyên biết họ sẽ đón xuân… suốt đêm.

Không khí đón giao thừa tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM… thật rực rỡ, hoành tráng. Ở các địa phương khác, không khí đón giao thừa cũng tràn ngập niềm vui không kém. Và, cũng có những địa phương, những thị trấn, thị xã nhỏ bé, giao thừa đến trong sự trang nghiêm nhưng giản dị hơn.  

Tại Quảng Bình, tai nạn chìm đò trên sông Gianh với nhiều người chết đã làm không khí đón giao thừa chùng xuống. Phóng viên Hồng Phúc đang đón tết năm nay ở thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, cho biết tỉnh sẽ không có bắn pháo hoa chào mừng năm mới. Còn ở thị trấn nhỏ bé nơi cô đang có mặt, người dân đón giao thừa cũng giản dị. Cô nói: “Đêm giao thừa ở đây khá yên tĩnh, lặng lẽ. Người dân chỉ xem pháo hoa… qua truyền hình”.  

Tuy nhiên, cô cho biết, những nghi thức, tập tục truyền thống để đón thời khắc này vẫn được người dân quê cô tiến hành trong sự thành kính. Từ chiều 30 tết, sau khi sắm sửa đầy đủ vật cúng, gia đình nào cũng hối hả đi thăm mộ ông bà, tổ tiên. Đến tối, khi giờ giao thừa sắp đến, mọi người chuẩn bị mâm cúng và tụ họp trong bữa cơm tất niên, chuyện trò và chờ đón giao thừa, chúc nhau những lời chúc tốt đẹp.       

Ảnh: Hồng Thái

Tại thành phố Vinh, Nghệ An, phóng viên Thu Hiền ghi nhận quảng trường Hồ Chí Minh của thành phố có không khí thật nhộn nhịp. Các con đường dẫn tới quảng trường trong tình trạng quá tải. Người dân đi đón giao thừa theo từng nhóm tràn cả xuống lòng đường. Lượng ô tô, xe máy đổ về các địa điểm bắn pháo hoa đông đúc đã dẫn tới tình trạng tắc nghẽn cục bộ tại các ngã tư Bưu Điện và Hồ Goong. Người dân đã kéo về đây khá sớm để đón chào thời khắc thiêng liêng của năm mới với những màn trình diễn pháo hoa.

Đoàn nghệ sĩ thành phố Vinh cống hiến cho người dân những màn biểu diễn múa trống, múa lân, chương trinh ca múa nhạc mừng xuân rộn rã. Những tràng pháo tay, những nụ cười giòn giã vang lên sau mỗi tiết mục. Những cô gái, chàng trai gương mặt hạnh phúc, rạng ngời và nắm tay nhau thật chặt, mắt ngắm nhìn những chùm pháo hoa với đủ sắc màu như gửi gắm ước vọng lứa đôi trong năm mới lên trời cao.

Theo cùng với đất trời, cùng hương thơm của khói nhang trong từng nhà tỏa ra từ bàn thờ ông bà đã xua tan cái giá rét, gió lạnh.

Tại tỉnh Bình Thuận, phóng viên Văn Nam đón giao thừa trong cái lành lạnh của gió biển mang hơi muối mằn mặn thổi vào thị xã ven biển nhỏ bé La Gi. Anh cho biết, mọi người không đổ ra đường đông nghịt như tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, dọc con đường Thống Nhất, con đường chính chạy suốt chiều dài cái thị xã non trẻ này không còn vắng lặng như thường lệ, thay vào đó, nhiều người cũng ra đường; đặc biệt thị xã nhỏ bé nên ai cũng biết ai và ngưòi ta trao cho nhau nhiều nụ cười hơn, cùng chúc nhau những lời chúc tốt đẹp cho mùa xuân Kỷ Sửu.

Ảnh: Hồng Thái

Ngay sau giao thừa, cùng với hơi thở của mùa xuân đang về, phóng viên Văn Nam nói, người ta khoe những áo len, những bộ đồ đẹp nhất để đi viếng chùa trong tiết trời se se lạnh. Lại một mùa xuân nữa đang về, đất trời và cả biển ở thị xã La Gi vẫn thế, vẫn chân thành và mộc mạc.

Tại thành phố Cần Thơ, đúng thời điểm giao thừa, 15 phút pháo hoa rực rỡ, hấp dẫn được bắn lên trời từ bờ kè cồn Cái Khế, quận Ninh Kiều. Hàng ngàn người dân quận Ninh Kiều đã túc trực trước đó hàng tiếng đồng hồ tại một số địa điểm thuận tiện để xem pháo hoa, như Công viên Bến Ninh Kiều, vòng xoay trước UBND TP Cần Thơ, cầu Quang Trung… 

Cộng tác viên Phương Kiều nói rằng sau màn bắn pháo hoa, người ta đi dạo, chiêm ngắm 5 điểm nhấn đèn hoa của quận Ninh Kiều là Đại lộ Hòa Bình, đường Ba Mươi Tháng Tư, đường Lê Lợi, phía trước Nhà lồng chợ cổ và một đoạn đường Nguyễn Thái Học – Võ Văn Tần. Một số khác đi lễ ầu an, hạnh phúc, mua may bán đắt tại chùa Phật Học, chùa Khánh Quang trên đại lộ Hòa Bình và tại chùa Ông trên đường Hai Bà Trưng (Bến Ninh Kiều).

Đêm giao thừa! Những thời khắc giao thoa của đất trời, của cây cỏ lá hoa vẫn tinh khôi, vẫn xanh thắm một màu nguyên xuân như thế! Năm cũ qua đi và đem theo những nỗi buồn lo vào quá khứ, đón một năm mới với niềm tin sẽ nhiều may mắn, thành công.

Nhóm PV, CTV TBKTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới