Chatbot Việt Nam được rót vốn nửa triệu đô la
Vân Ly
(TBKTSG Online) - Ngày 6-4, NextTech Group và Quỹ hỗ trợ Khởi nghiệp Next100 đã công bố khoản đầu tư trị giá 500.000 đô la Mỹ vào Công ty cổ phần Công nghệ Chatbot Việt Nam với sản phẩm Bot Bán Hàng.
Giao diện phần mềm Bot Bán Hàng. Ảnh: Chatbot Việt Nam |
Bot Bán Hàng là nền tảng giải pháp cho nhà quảng cáo và bán hàng tại Việt Nam, với mục tiêu hỗ trợ các cửa hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ tối ưu thời gian kinh doanh và vận hành đạt hiệu quả trên mạng xã hội Facebook.
Thành lập từ cuối năm 2017, Công ty cổ phần Công nghệ Chatbot với sản phẩm Bot Bán Hàng là một trong những nền tảng chatbot “Made in Vietnam” đầu tiên chuyên cung cấp giải pháp về nhắn tin chuyên nghiệp cho doanh nghiệp và nhà kinh doanh online trên các nền tảng OTT như Messenger, Zalo, Whatsapp… Dựa trên nền tảng quản lý bán hàng tự động, Bot Bán Hàng tích hợp nhiều tính năng giúp tối ưu hóa hoạt động quản lý nội bộ và chuỗi cung ứng của các đơn vị, doanh nghiệp.
Startup này trong thời gian qua đã nhận được nhiều giải thưởng như: Giải thưởng dự án xuất sắc nhất hạng mục E-Business của WSIS Prize 2019 được tổ chức bởi Liên minh Viễn thông quốc tế tại Thụy Sĩ, giải ASEAN Rice Bowl Startup Awards 2019 với danh hiệu “People’s Choice Award” cùng nhiều giải thưởng trong và ngoài nước khác.
Theo đội ngũ sáng lập, đã có gần 15.000 tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp cài đặt sử dụng ứng dụng này, trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ, VTC, Cốc Cốc, Vinmart, VnPay, VinID, Grab, ViettelPost... Lượng người sử dụng ứng dụng là hơn 10 triệu, từ 5 quốc gia và vùng lãnh thổ (Việt Nam, Đài Loan, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản).
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch của NextTech-Group cho rằng, phát triển chatbot là một trong những xu hướng khởi nghiệp tại Việt Nam và trên toàn cầu từ năm 2017, cùng với công nghệ chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)... và trở thành một công cụ thiết yếu trong kinh doanh trực tuyến. Chatbot sẽ sớm tạo ra hệ sinh thái kết nối cộng đồng người sử dụng và mang đến thay đổi cho bức tranh công nghệ và thương mại trên toàn thế giới. Đặc biệt là trong giai đoạn các doanh nghiệp cần quyết liệt chuyển đổi số sau khi chịu những tác động tiêu cực của dịch Covid-19.