(KTSG Online) – Nguồn cung dầu diesel ở châu Á dự kiến tăng vọt trong năm 2024 nhờ các nhà máy lọc dầu mới đi vào vận hành ở Trung Đông và xuất khẩu mạnh mẽ từ Trung Quốc. Các nhà phân tích và nguồn tin thương mại nhận định, nguồn cung diesel có khả năng vượt xa tốc độ tăng trưởng nhu cầu của khu vực trong năm mới.
- Thiếu dầu diesel làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu
- Thế giới chật vật sản xuất dầu diesel để đáp ứng đủ nhu cầu
Kết quả của nguồn cung dồi dào là giá dầu diesel dự kiến giảm, khiến các máy lọc dầu châu Á đối mặt năm thứ hai liên tiếp biên lợi nhuận sụt giảm ở mảng kinh doanh nhiên liệu sử dụng trong ô tô, xe tải và máy phát điện.
Trong năm 2022, tỷ suất lợi nhuận trung bình từ dầu diesel tăng vọt lên mức cao nhất lịch sử là 45 đô la Mỹ/thùng do nguồn cung từ Nga, nhà xuất khẩu hàng đầu, bị gián đoạn và lượng tồn kho diesel toàn cầu giảm xuống mức thấp kỷ lục. Biên lợi nhuận của dầu diesel giảm gần 50% vào năm 2023 sau khi Bắc Kinh cho phép xuất khẩu nhiều nhiên liệu hơn và các nhà máy lọc dầu trên khắp thế giới tăng sản lượng.
Theo dự báo từ các công ty tư vấn Rystad Energy, Sparta Commodities và FGE, trong năm 2024, với các nguồn cung bổ sung, tỷ suất lợi nhuận trung bình của dầu diesel, có thể giảm 23% xuống còn khoảng 18 đô la/thùng.
Nguồn cung diesel ở châu Á, trong đó có Trung Đông, dự kiến tăng khoảng 3,8% hàng năm vào năm 2024, theo ước tính tính của hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie. Được biết, châu Á chiếm khoảng một nửa nguồn cung dầu diesel của thế giới
“Biên lợi nhuận của dầu diesel, không chỉ ở châu Âu mà trên toàn cầu, chứng kiến xu hướng giảm kể từ tháng 10-2023, và có khả năng giảm thêm trong năm 2024”, nhà phân tích James Noel-Beswick của Sparta Commodities nhận định.
Các nhà phân tích cho biết, biên lợi nhuận của dầu diesel có khả năng giảm ngay cả khi châu Á, dẫn đầu là Ấn Độ, vẫn là động lực thúc đẩy nhu cầu diesel toàn cầu vào năm 2024 thông qua lĩnh vực vận tải và xây dựng. Rystad Energy dự báo, nhu cầu cầu diesel của khu vực tăng khoảng 3% vào năm 2024, cao hơn mức tăng trưởng khoảng 1% trên toàn cầu. Nhưng nhà phân tích Shenglan Niu của Rystad Energy cho biết, mức tăng trưởng nhu cầu diesel 260.000 thùng/ngày của châu Á chủ yếu là đến từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Nguồn cung dầu diesel từ Trung Đông sẽ tăng khi các hai nhà máy lọc dầu mới, Al-Zour của Kuwait và Duqm của Oman, tăng sản lượng và xuất khẩu. Theo FGE, sản lượng diesel trung bình hàng tháng ở Trung Đông dự kiến tăng lên 3,12 triệu thùng/ngày vào năm 2024 so với 3,04 triệu thùng/ngày vào năm 2023, trong khi tăng trưởng nhu cầu hàng năm của khu vực này có thể không thay đổi.
Dù hầu hết dầu diesel xuất khẩu của Trung Đông có xu hướng tới châu Âu, Noel-Beswick của Sparta lưu ý, có những lo ngại về sự xói mòn nhu cầu ở phương Tây, có thể dẫn đến nhiều thùng dầu diesel hơn được vận chuyển về phía đông. Singapore, Malaysia và Pakistan có thể là những điểm đến cho hàng xuất khẩu của Trung Đông, theo nhà phân tích Serena Huang của Vortexa.
“Điều này có nghĩa là sẽ có nhiều cạnh tranh hơn với các thùng dầu diesel ở châu Á, làm siết chặt biên lợi nhuận của nhiên liệu này nếu nếu nhu cầu chậm lại”, bà nói.
Theo người phát ngôn của Tập đoàn hóa dầu Formosa (Đài Loan), xuất khẩu của Trung Đông tăng lên trong những năm tới và điều đó sẽ khiến dầu diesel giảm giá. Ông nói thêm, trong bối cảnh nguồn cung cao hơn, các nhà máy lọc dầu châu Á sẽ phải giảm sản lượng hoặc bán diesel với giá thấp hơn.
Các nguồn thương mại dự báo, trong bối cảnh chịu lệnh trừng phạt của phương Tây, các thùng dầu diesel giá thấp của Nga sẽ tiếp tục hướng tới Mỹ Latin, Thổ Nhĩ Kỳ và châu Phi trong năm tới, chứ không phải châu Á.
Trong khi đó, xuất khẩu diesel của Trung Quốc có thể tăng trong nửa đầu năm 2024 khi thị trường kỳ vọng Bắc Kinh sẽ cấp thêm hạn ngạch, cho phép các nhà máy lọc dầu xuất khẩu nguồn cung diesel dư thừa để tận dụng giá cao hơn ở nước ngoài. Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, xuất khẩu dầu diesel có thể tăng hơn 19% vào năm 2023 so với năm trước. Kỳ vọng xuất khẩu tăng cao cũng xuất hiện trong bối cảnh có nhiều dự báo khác nhau về mức tiêu thụ dầu diesel nội địa của Trung Quốc.
Theo ước tính từ ba nguồn thương mại từ FGE, Energy Aspects và Rystad Energy, nhu cầu dầu diesel của Trung Quốc dự kiến không thay đổi hoặc tăng tới 4% tùy thuộc vào tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, hai nhà máy lọc dầu mới, Ninh Ba Daxie và Shandong Yulong Petrochemical của tập đoàn dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC), dự kiến tăng sản lượng dầu diesel khoảng 150.000 thùng/ngày trong nửa cuối năm tới.
Theo Reuters