Châu Á đón Tết 2021 với thưởng ít, xài chi ly và cảnh giác với dịch
Ricky Hồ
(TBKTSG Online) - Giá thực phẩm gia tăng ở Singapore, cho dù giá vài món giảm nhưng sức mua người dân yếu hơn. Hơn 80% người Đài Loan đang chờ tiền thưởng những ngày cận Tết và mọi người rất e ngại câu hỏi “Tết này có thưởng không?”.
Các khuyến khích và kêu gọi công nhân không về quê ăn Tết có thể làm tiêu dùng dịp Tết ở Trung Quốc giảm mạnh, ảnh hưởng đến đà hồi phục kinh tế được kỳ vọng trên 8% trong năm nay.
Câu hỏi đáng ngại nhất trong dịp Tết này ở châu Á là “Tết này có thưởng không?”. Ảnh: Flickr |
Singapore: sức mua chậm hẳn
Các nhà bán sỉ Singapore nói giá bào ngư đã giảm 5-30% trong dịp trước Tết, nhưng sức mua chậm bởi người dân chi ít hơn và nguồn cung quá dồi dào từ Trung Quốc – theo The Sunday Times. Chẳng hạn, giá một lon bào ngư 180g Yoshihama của Nhật Bản đã giảm từ 28 đô la Singapore xuống còn 20 đô la Singapore. Giá một lon 180 nhãn Crown Brand từ Trung Quốc đã giảm còn 12-13 đô la trong tuần này, so với con số 21 đô la Tết năm ngoái.
Andrew Goh, Giám đốc điều hành công ty bán sỉ hải sản khô De Cheng Xin Xing Trading, nói rằng thông thường giá bào ngư được chuộng ở giá 20-30 đô la/lon. “Do ảnh hưởng của dịch, nhiều người đã chọn bào ngư rẻ hơn và giá dưới 10 đô la mỗi lon”, ông nói.
Tại chợ bán sỉ Victoria Wholesale Centre, các nhà buôn nói khách mua giờ đây nói bào ngư là món xa xỉ, bởi nhiều người trong số họ mất việc hay bị giảm lương. Họ cũng cho rằng giá bào ngư giảm do nguồn cung từ Trung Quốc tăng vọt và đổ dồn về các nước châu Á do những thay đổi trong ngành vận tải biển.
Nhưng chỉ còn vài ngày nữa là Tết. Giá các mặt hàng thực phẩm ở đảo quốc này tăng nhanh chóng bởi nhu cầu cao và điều kiện thời tiết bất lợi. Ông Hong Wei En, Chủ tịch Tổng hội thương lái cá Singapore, nói rằng giá cá chim đã tăng từ 30 đô la/kg trong tháng rồi lên 45 đô la/kg trong tuần rồi, trong khi giá cá mú đỏ cũng tăng từ 20 đô la lên 30 đô la mỗi ký.
Rau tần ô, bắp cải và cà chua cũng tăng giá 30-50% so với tháng trước. Phó Tổng thư ký Hiệp hội xuất nhập khẩu rau quả Singapore Jerry Tan cho biết: “Tần ô là loại rau phải có trong nồi lẩu đoàn viên cuối năm. Nguồn cung dù tăng nhưng giá vẫn không thể giảm”.
Ông cho biết rằng nhiệt độ lạnh ở Cao nguyên Cameron, vựa rau chính của Singapore ở đất nước láng giềng Malaysia, đã khiến cà chua không đậu trái. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng mất mùa bắp cải, khiến hàng đến Singapore hiếm. Tại chợ Sheng Siong, giá rau cải tăng 10-15% do thời tiết xấu và phí vận tải cao hơn.
Trong khi đó, các chuỗi siêu thị như FairPrice và Dairy Farm nhấn mạnh không xảy ra thiếu hàng hoặc giá thực phẩm gia tăng do tắt nghẽn vì chính sách xét nghiệm bắt buộc với tài xế xe tải từ Malaysia ở cửa khẩu Causeway. “Chúng tôi đã đa dạng hóa chiến lược cung ứng và luôn sẵn kế hoạch giảm thiểu rủi ro và bảo đảm hàng hóa luôn đầy kệ”, một phát ngôn viên của Dairy Farm phát biểu.
Người làm công ăn lương Đài Loan đang sốt ruột chờ tiền thưởng. Mức thưởng trung bình trong năm nay theo khảo sát là 1,18 tháng lương. Ảnh: CAN |
Đài Loan: hơn 80% nhân viên đang trông chờ thưởng Tết
Tết đang đến, gia đình đoàn viên, bạn bè tụ họp. Và thường những câu hỏi rất riêng tư sẽ được tung ra trong dịp này. Vậy, người Đài Loan sợ nhất những câu hỏi thuộc loại nào?
Một khảo sát của ngân hàng việc làm yes123 công bố trong tuần này cho thấy: Ba câu hỏi đáng ngại nhất sẽ là “Tết này có thưởng không?”, “Lương bao nhiêu và đủ không?” và “Làm ở đâu và công việc gì?”. Kế đến mới là các câu hỏi liên quan đến yêu đương và cưới xin.
Người phát ngôn yes123 Yang Chong-bin đã gửi thông điệp trước Tết: “Tôi mong rằng các bậc lớn tuổi và phụ huynh ở Đài Loan không tạo áp lực quá lớn với con cháu về vấn đề nghề nghiệp và kế hoạch hôn nhân. Khuyến khích hơn là la rầy, đưa ra đề nghị hơn là mệnh lệnh”.
Khảo sát của yes123 hồi tháng 12 năm ngoái cho thấy: 56% người làm công ở Đài Loan chờ đợi sẽ có thưởng vào Tết này, mức thấp nhất trong 8 năm qua. Hơn một tuần trước Tết, khoảng 82,2% nhân viên được yes123 khảo sát nói rằng họ vẫn chưa nhận được phong bao đỏ hay tiền vào tài khoản. yes123 cũng cho biết 28% công ty chỉ có thể trả thưởng Tết vào ngày cuối cùng trong năm.
Theo khảo sát do ngân hàng việc làm 1111 công bố cuối tháng 1 dựa trên 858 mẫu trả lời qua điện thoại, 86% các công ty ở Đài Loan sẽ thưởng cho nhân viên trước dịp Tết. Con số này tăng nhẹ so với mức 82,3% của năm ngoái. Lĩnh vực công nghệ (IT) tương đối ăn nền làm ra, nên mức thưởng là 1,42 tháng lương. Trong khi mảng dịch vụ chỉ 0,9 tháng lương. |
Người ăn lương ở Đài Loan đang nóng ruột chờ tiền thưởng cuối năm trong những ngày giáp Tết. Khoản thưởng Tết năm nay tương đương 1,18 tháng lương trung bình và đây là mức thấp nhất trong 8 năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Khoảng 30% số công ty tham gia khảo sát sẽ không thưởng tiền mặt, trong đó 43,7% nói là do doanh số giảm và 37,5% nói họ đang chật vật tìm kiếm lợi nhuận – theo trang Newtalk.
Bà Vivi Huang, đại diện của ngân hàng việc làm 1111, nói rằng lợi nhuận của giới doanh nghiệp trong năm 2020 có “sự phân cực rất lớn”. Tài chính và mảng công nghệ truyền thông và thông tin có được con đường lợi nhuận tươi sáng, trong khi mảng dịch vụ và nhà hàng khách sạn rất u buồn.
Các hạn chế đi lại Tết 2021 ở Trung Quốc dự báo có thể tụt nhu cầu mua sắm cuối năm vốn đóng góp đến 40% GDP nước này. Ảnh: Caixin |
Trung Quốc có thể bỏ áp đặt chỉ tiêu tăng trưởng
Các nhà phân tích cho rằng các biện pháp khống chế dịch bùng phát ở nhiều địa phương có thể khiến chi tiêu dịp Tết này suy giảm, làm giảm tốc độ hồi phục kinh tế ở Trung Quốc trong năm nay.
Các địa phương đang kêu gọi công nhân không về quê bằng các khoản thưởng tiền mặt. Chính quyền thành phố Hợp Phì ở tỉnh An Huy sẽ trợ cấp mỗi công nhân ở lại 2.000 nhân dân tệ, tức 308 đô la Mỹ. Các chương trình tương tự cũng được các thành phố như Thiên Kinh, Thượng Hải và Hàng Châu noi theo.
Riêng Thẩm Quyến lại kết hợp với đợt thử nghiệm tiền số, tặng 100.000 vé số trúng 200 nhân dân tệ tiền điện tử cho công nhân nhập cư nếu họ ở lại Thẩm Quyến, không về quê. Thành phố Tô Châu gần Thượng Hải lại ưu tiên xét cho nhập hộ khẩu dành cho những ngườ nhập cư không về quê dịp Tết.
Nhưng những nỗ lực này có thể tạo áp lực, làm suy giảm mức chi tiêu cho Tết, vốn chiếm đến 40% GDP của nền kinh tế đứng thứ hai thế giới. Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia cảnh báo rằng mức ảnh hưởng này sẽ lan ra nhiều lĩnh vực. Ngành du lịch và khách sạn nhà hàng sẽ chịu nhiều tổn thất nhất bởi ít nhất 10% thu nhập hàng năm phụ thuộc vào mấy ngày Tết.
Theo trang đặt vé ly.com, giá vé máy bay trước Tết Nguyên đán trung bình khoảng 700 nhân dân tệ, thấp hơn các năm trước. Giá vé Bắc Kinh – Thượng Hải thậm chí còn rẻ hơn vé tàu cao tốc trong mấy tuần qua.
Hãng môi giới chứng khoán Haitong Securities đã dự báo doanh thu bán lẻ sẽ tăng 39% trong tháng 1 và tháng 2 năm nay, bật tăng từ vùng âm của năm 2020.
Nhưng các giới hạn đi lại hiện nay đã buộc hãng này hạ dự báo xuống còn 25%. Hồ Nam và An Huy là các tỉnh chịu nhiều thiệt hại nhất do lượng công nhân nhập cư cao hơn các nơi khác. Nỗ lực hạn chế đi lại có thể mang lại mức độ lạc quan nào đó kể từ sau tháng 2 khi công nhân ở đô thị và các trung tâm sản xuất có thể tái khởi động sản xuất nhanh hơn sau dịp lễ - theo lời của một quan chức chính phủ Trung Quốc.
Nhưng triển vọng này sẽ không tươi sáng mấy khi nhu cầu chi tiêu mất cơ hội hay đà tăng và các nhà kho vẫn chất đầy hàng chưa bán được – Nikkei Asia viết.
Với nền kinh tế đã hoạt động trở lại bình thường so với phần lớn thế giới, Trung Quốc đang mong đợi sẽ đạt tốc độ tăng trưởng vượt bậc trong năm nay. Giới lãnh đạo nước này hồi cuối năm đã đặt ra mục tiêu tăng GDP là trên 8% trong năm 2021. Riêng Viện Khoa học xã hội Trung Hoa dự báo con số này đạt đến 19% trong quí đầu năm nay.
Nhưng triển vọng có thể trở thành màu xám với các hạn chế đi lại hiện nay. Chính phủ trung ương có thể bỏ việc áp đặt các mục tiêu tăng trưởng trong cuộc họp Quốc vụ viện vào tháng 3 sắp tới, tương tự như đã làm trong năm rồi – theo South China Morning Post.
Một nhà kinh tế học tại Viện Khoa học xã hội đã kêu gọi không nên công bố các mục tiêu phát triển trong năm nay và năm tới. Ông nói các chỉ số kinh tế có thể biến đổi “kinh khủng” do những đợt bùng phát mới và cả đợt bật tăng so với năm 2020.
Tết Nguyên đán là dịp di cư lớn nhất hàng năm trong lịch sử thế giới với gần 3 tỉ chuyến đi được thực hiện trong các năm trước đây ở Trung Quốc. Năm ngoái, dịch Covid-19 bùng phát đã khiến số chuyến đi này giảm xuống còn 50%. Năm nay, Bộ Giao thông nước này ước đoán sẽ có 1,15 tỉ chuyến đi trong dịp Tết, thấp hơn 20% so với năm ngoái. Đây cũng là con số thấp kỷ lục kể từ khi chính phủ bắt đầu công bố các thống kê này từ năm 2003. Các khuyến cáo và mạnh hơn là cấm đoán khiến số chuyến đi sẽ thấp hơn nữa. Hiện số chuyến đi bằng đường bộ, đường sắt, hàng không và tàu thủy đã thấp hơn 50% so với năm ngoái – trang Caixin cho biết. |