(KTSG) - Các không gian “chia sẻ hay sống chung” (co-living) cho phép các cư dân sống và làm việc chung trong một tòa nhà đang xuất hiện khắp các nước châu Á, đáp ứng nhu cầu của những nhân tài trẻ tuổi phải làm việc và di chuyển liên tục.
Co-living bắt đầu thu hút sự quan tâm của công chúng và nhà đầu tư chỉ trong hai năm Covid khi nhiều người phải từ bỏ chuyện làm việc tại văn phòng, chuyển sang làm việc từ xa. Thị trường hiện nay dường như là sự hội tụ của các yếu tố, gồm xu hướng làm việc từ xa ngày gia tăng, giá thuê nhà ở các thành phố lớn tăng và thế hệ trẻ đang tìm cách tránh bị ràng buộc quá nhiều khi ở chung với cha mẹ hay người thân.
Không gian lưỡng dụng
Ascott, chi nhánh đầu tư của tập đoàn CapitaLand ở Singapore, mới khai trương không gian co-living mới với thương hiệu lyf vào tháng 4 rồi tại one-north - phức hợp văn phòng và trung tâm nghiên cứu ngay trong nội ô của Singapore.
Địa điểm này nhắm đến thế hệ thiên niên kỷ và Gen Z (sinh năm 1995-2012). Hơn 320 căn hộ của lyf có gam màu đậm chủ đạo và các thiết kế hiện đại. Khu sảnh đợi và các phòng giặt cũng tương tự như vậy. Nơi đây thường tổ chức các sự kiện để khuyến khích cư dân giao lưu, và cả phòng lab được trang bị công nghệ thực tế ảo.
Mô hình cho thuê không gian co-living tại một nơi trong vài ngày, hoặc vài tuần, hoặc vài tháng đang thu hút các lao động trẻ và nhiều khách đi công tác bởi họ chuộng phong cách sống linh hoạt, không gò bó so với các hợp đồng thuê dài hạn thông thường.
Khi các tập đoàn phải cạnh tranh xuyên biên giới để tìm kiếm nhân tài, những kiểu lưu trú như thế này đang là nơi thu hút của những cư dân “du mục số” - digital nomad - tức những người làm việc từ xa và thường xuyên di chuyển.
Các địa điểm lưu trú co-living thường có kết nối Internet mạnh hơn so với kiểu ở trọ hay khách sạn truyền thống bởi đây là yếu tố cần và đủ cho những công việc trực tuyến. Các nơi này cũng cần có các tiện ích chung như nhà bếp hay phòng gym hay khu giặt ủi… Và trái ngược với khách sạn hay cả nhà trọ cấp cao, tương tác giữa các cư dân là một yếu tố hấp dẫn của co-living.
Ascott có 17 khu chung cư như vậy với hơn 3.200 căn hộ tại chín quốc gia và dự kiến sẽ mở thêm những cơ sở khác trong năm nay tại Bangkok ở Thái Lan, Kuala Lumpur ở Malaysia, Manila và Cebu ở Philippines, Bắc Kinh và Tây An ở Trung Quốc, và TPHCM trong năm nay. Công ty đặt mục tiêu đạt 150 bất động sản với 30.000 căn vào năm 2030.
Bên cạnh các cơ sở lyf, Ascott có hơn 70.000 căn hộ khách sạn và căn hộ dịch vụ trên toàn thế giới với 13 thương hiệu khác nhau. Các cơ sở lưu trú của tập đoàn mẹ CapitaLand bị lỗ 532,8 triệu đô la Singapore trước thuế, lãi suất và khấu hao (EBITDA) trong năm 2020 do ảnh hưởng Covid-19. Việc kinh doanh dường như đã phục hồi trong năm ngoái với lợi nhuận hơn 600 triệu đô la, chiếm gần 30% thu nhập EBITDA của CapitaLand Investment.
Tập trung vào đầu tư vào co-living của CapitaLand Investment nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về không gian lưỡng dụng: vừa là nhà ở, vừa là nơi làm việc.
CEO Kevin Goh của mảng lưu trú thuộc CapitaLand Investment nói: “Dịch bệnh đã thúc đẩy phong cách sống và làm việc mới. Chúng tôi thấy nhiều du mục số hơn, và những người tự khởi nghiệp thích làm việc từ xa. Họ mong muốn có những trải nghiệm mới và cả cơ hội kết nối”.
Các nhà đầu tư đã chú ý đến thị trường tiềm năng mới. Hmlet, một công ty lớn chuyên khai thác phân khúc co-living chính có trụ sở tại Singapore, cho biết hồi tháng trước rằng họ đã hợp nhất với hãng Habyt ở châu Âu. Hiện có 1.200 căn hộ ở Singapore, Hồng Kông và Nhật Bản, Hmlet dự định tăng gần gấp đôi con số này lên 2.300 ở châu Á - Thái Bình Dương vào cuối năm nay. Thương vụ này sẽ mở rộng mạng lưới của Habyt tới 20 thành phố trên 10 quốc gia.
Chính sách mở cửa biên giới của nhiều nước trong thời gian qua đang thổi thêm sức sống cho các dự án “sống chung”. CEO Giselle Makarachvil của Hmlet cho biết người nước ngoài chưa có thẻ thường trú luôn là phân khúc cốt lõi của thị trường mục tiêu. Bà xem đây là chuyện thuận buồm xuôi gió mới của Hmlet để xem xét kế hoạch mở rộng ra ngoài ba thị trường chính ở châu Á - Thái Bình Dương.
“Sống chung” đang bén rễ tại Việt Nam
Một số nhà kinh doanh tại TPHCM đã bắt đầu ký gửi các căn hộ được đầu tư tươm tất trên các nền tảng Agoda, Booking.com hay các nền tảng cho thuê khác từ nhiều năm qua. Trong hai năm bị ảnh hưởng Covid-19, mô hình này càng phát triển và được số hóa tương tự trào lưu co-living trên thế giới.
Việc thực hiện đăng ký tạm trú thực hiện qua app mà không cần tiếp tân, việc mở cửa và ra vào được kiểm soát bằng thẻ từ và camera không cần đến bảo vệ. Các cơ sở này cũng gia tăng lợi nhuận bằng cách tiết kiệm tiền dọn phòng: chỉ dọn mỗi 2-3 ngày dù rằng tiền lưu trú tính ngang nhau mỗi ngày. Cái thiếu của các mô hình tại Việt Nam là kết nối Internet quá tệ và chỉ là nơi để ngủ, không tạo cơ hội giao lưu.
Cuối năm 2021, với sự hợp tác của Công ty TNHH Đầu tư Tháp Lụa Đà Nẵng, Ascott đã khai trương cơ sở lyf tại Đà Nẵng với 259 căn hộ cao cấp 1-2 phòng ngủ.
Trước đó, đầu năm 2021, Beta Group của Việt Nam đã khai trương khu “sống chung” A.Plus Home đầu tiên tại Hoàng Cầu, Hà Nội với 35 căn hộ studio cho hai người với tiền thuê khoảng 5,5 triệu đồng mỗi tháng ở, có đầy đủ nhà bếp, phòng tắm riêng, giặt ủi, thu gom rác…. Hiện A.Plus Home đã mở rộng với nhiều địa điểm tại Hà Nội và TPHCM với các phòng, căn hộ có giá khác nhau. Đầu năm nay, Beta Group đã thành công trong vòng gọi vốn hạt giống trị giá 2 triệu đô la Mỹ.
Sức hút và thách thức của “sống chung”
Hợp đồng linh hoạt và giá cả tương đối phải chăng là những yếu tố giúp co-living có được sức hút, đặc biệt là ở các thành phố lớn.
Trista, sinh viên đến từ tỉnh Quảng Đông ở Trung Quốc, ở tại một cơ sở lyf ở trung tâm Singapore từ bảy tháng qua. Ở chung căn hộ với ba người bạn khác giúp Trista giảm chi phí hàng tháng xuống còn 1.250 đô la Singapore. Đây là khoản tiết kiệm lớn cho anh sinh viên này trong bối cảnh giá thuê nhà đang gia tăng chóng mặt ở Singapore - một trong những thành phố được xem là đắt đỏ nhất thế giới.
Các nhà điều hành không gian sống chung giảm thiểu chi phí bằng cách xử lý thủ tục giấy tờ qua ứng dụng, thanh toán không tiền mặt và dọn phòng cứ mỗi 3-7 ngày một lần.
Trái ngược với cơ sở lưu trú truyền thống, không gian co-living không yêu cầu đặt cọc hoặc hoa hồng môi giới (tiền cò). Điều này thích hợp cho những ai đang muốn ở thử để xem có phù hợp với chỗ ở mới hay không, rồi mới tính chuyện ở lâu hơn. Đây là trường hợp của Terry Tai đến từ Thái Lan. Anh đang ở ngắn hạn tại một cơ sở lyf ở Singapore. “Cuối cùng thì tôi cũng đang nghĩ đến việc chuyển đến Singapore”, Tai nói.
Desmond Sim, CEO hãng tư vấn bất động sản Edmund Tie tại Singapore, nhận xét rằng mô hình “sống chung” thế này đang phổ biến như là đặc tính của thế hệ mới.
“Giới trẻ thuộc thế hệ thiên niên kỷ hay Gen Z không thích nợ tiền ngân hàng khi mua nhà”, Sim nói với Nikkei Asia. Ông cũng lưu ý rằng nhiều người trẻ được thừa kế căn nhà ở ngoại ô từ cha mẹ hay ông bà. “Nhưng về cơ bản, giới trẻ thích ở chung cư ở nội thành. Mọi thứ đều tiện”.
Nhưng mô hình kinh doanh quá mới này đang gặp một số thách thức. Khó có thể tìm đất cho các dự án co-living hoặc khó thuyết phục các hãng phát triển bất động sản truyền thống tham gia bởi họ dường như chưa hiểu hết về mô hình “sống chung”.
Tuy vậy, thị trường vẫn còn chỗ trống cho những ai muốn tham gia. Nhưng càng về sau, biên lợi nhuận càng mỏng. Nhưng co-living vẫn mang lại động lực cho những nhà kinh doanh hiện tại mở rộng quy mô. Bởi đây là cách họ tích lũy kinh nghiệm và xây dựng thương hiệu của mình.