Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Châu Á thiếu tàu chuyên dụng để lắp đặt điện gió xa bờ

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các nước châu Á dựa vào các trang trại điện gió ở ngoài khơi để đáp ứng các mục tiêu năng lượng sạch nhưng họ đang đối mặt với tình trạng thiếu tàu chuyên dụng để lắp đặt các tuốc-bin khổng lồ trên biển.

Nhu cầu tàu lắp đặt tuốc-bin ở các dự án điện gió xa bờ tại châu Á trong những năm tới sẽ rất lớn, dẫn đến nguồn cung loại tàu chuyên dụng này thiếu hụt. Ảnh: Kongsberg

Các chuyên gia hàng hải cho biết khi các nước bước vào cuộc chạy đua phát triển năng lượng gió trong thập niên tới, các công ty đóng tàu không thể sản xuất các tàu lắp đặt tuốc-bin đủ nhanh để theo kịp nhu cầu. Tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn khi các cánh quạt của tuốc-bin điện gió ngày càng thiết kế dài hơn và cần những con tàu lớn hơn để xử lý chúng.

Sean Lee, Giám đốc điều hành của Công ty đóng tàu Marco Polo Marine (Singapore), nói: “Nhu cầu tàu chuyên dụng phục vụ cho các dự án điện gió xa bờ ở Đài Loan và Hàn Quốc sẽ tăng cao. Ngày càng có nhiều dự án mới xuất hiện bao gồm một loạt dự án ở Nhật Bản sẽ triển khai từ năm 2028”.

Lắp đặt tuốc-bin dưới đáy biển là một quy trình phức tạp, đòi hỏi một số loại tàu được thiết kế đặc biệt cho công việc. Các tàu lắp đặt tuốc-bin phải được trang bị những cần cẩu khổng lồ, có khả năng nâng các vật nặng có trọng lượng tương đương những cây củ tùng đại thụ (một trong những loài thực vật sống lâu đời nhất trên thế giới). Trong khi đó, các tàu dịch vụ điện gió, hay còn gọi là tàu CSOV, phải có cầu tàu (lối đi từ boong lái đến mũi tàu) có thể điều chỉnh, cho phép các kỹ thuật viên tiếp cận các cánh của tuốc-bin gió. Tàu CSOV được thiết kế để chuyên chở công nhân, thiết bị phục vụ sửa chữa, bảo dưỡng các tuốc-bin gió ngoài khơi.

Ngoại trừ Trung Quốc, hiện chỉ có khoảng 10 tàu lắp đặt tuốc-bin và vài chục tàu CSOV đang hoạt động trên toàn thế giới, theo hãng môi giới tàu biển Clarksons. Theo ước tính của Clarksons, đến năm 2030, nhu cầu đối với tàu lắp đặt tuốc-bin sẽ vượt quá nguồn cung khoảng 15 tàu, trong khi chênh lệch giữa cầu và cung đối với tàu CSOV sẽ tăng lên hơn 145 tàu từ 30 tàu hiện tại.

Theo Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), Trung Quốc có 84 tàu lắp đặt tuốc-bin gió. Nhưng phần lớn trong số đó chỉ có thể xử lý các tuốc-bin nhỏ. Nhiều tàu lắp đặt tuốc-bin của Trung Quốc được hoán cải từ các tàu dịch vụ dầu khí, vì vậy, không có khả năng đáp ứng các thông số kỹ thuật ở châu Âu hoặc các nơi khác ở châu Á.

Thị trường lắp đặt điện gió nổi xa bờ (dựa vào cấu trúc nổi thay vì cấu trúc cố định) trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng tích lũy lên 27,6 GW vào năm 2035 từ mức chỉ 0,1 GW hiện tại, theo dự báo BloombergNEF. Con đó cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc nhưng lĩnh vực này phải giải quyết các vấn đề chuỗi cung ứng và các vấn đề khác.

Luisa Amorim, nhà phân tích tại BNEF, nói: “Nếu việc đầu tư mới vào các tàu lắp đặt điện gió xa bờ bị trì hoãn, điều này có thể ảnh hưởng đến tiến độ phát triển các trang trại điện gió trên toàn cầu. Nguồn cung tàu hiện tại không đủ để đáp ứng nhu cầu về tàu lắp đặt tuốc-bin gió xa bờ và nền móng cố định dưới đáy biển”.

Sự thiếu hụt tàu hỗ trợ các dự án điện gió sẽ tác động lớn đến châu Á vì GWEC dự đoán lục địa này sẽ vượt châu Âu để trở thành khu vực có nhiều công trình điện gió xa bờ mới nhất cho đến năm 2026. Việc thiếu tàu có thể cản trở nỗ lực của các nước nhằm đa dạng hóa khỏi các nhiên liệu hóa thạch.

Bahzad Ayoub, nhà phân tích cấp cao của Công ty tư vấn năng lượng Westwood Global Energy Group, nói: “Khả năng thiếu tàu hỗ trợ lắp đặt điện gió xa bờ có thể xảy ra từ năm 2025 cho đến cuối thập niên này khi nhiều nước bắt đầu triển khai các trang trại gió xa bờ của họ để đáp ứng các mục tiêu quốc gia vào năm 2030”.

Theo Sean Lee, Giám đốc điều hành của Marco Polo Marine, nhiều tàu lắp đặt tuốc-bin hiện có đã được triển khai tới châu Âu. Ông nói để lấp đầy khoảng trống ở châu Á, các tàu kéo và tàu hỗ trợ đang phục vụ các giàn khoan dầu ở Đông Nam Á đang được hoán cải để phục vụ các dự án điện gió xa bờ.

Nhưng sử dụng tàu dịch vụ dầu khí không phải là một giải pháp lâu dài và đội tàu được hoán cải chức năng hiện tại có thể sớm trở nên lỗi thời khi kích thước tuốc-bin tăng lên gần bằng chiều cao của Tháp Eiffel.

Dự án điện gió nổi xa bờ lớn nhất thế giới ở Na Uy sử dụng các tuốc-bin có đường kính cánh quạt hơn 160 mét. Khi công nghệ tiến bộ, các trang trại điện gió xa bờ trong tương lai có thể sử dụng các tuốc-bin có đường kính cánh quạt dài đến 275 mét vào năm 2030, theo GWEC.

Nhà phân tích Bahzad Ayoub cho biết các tuốc-bin lớn hơn có nghĩa là chiều cao nâng cần thiết và công suất của các cần cẩu của tàu lắp đặt tuốc-bin phải tăng lên.

Các công ty đóng tàu đang chạy đua để lấp đầy khoảng trống. Marco Polo Marine sẽ đóng một tàu CSOV, sẽ được Vestas Wind Systems, nhà sản xuất và lắp đặt tuốc-bin điện gió của Đan Mạch, thuê để phục vụ dự án điện gió xa bờ tại Đài Loan. Cadeler, công ty dịch vụ điện gió xa bờ của Đan Mạch, đã đặt hàng bốn tàu lắp đặt tuốc-bin cho giai đoạn 2024-2026 từ Cosco Heavy Industries (Trung Quốc). Trong khi đó, Maersk Supply Service đã đặt đóng một tàu lắp đặt tuốc-bin từ Sembcorp Marine để giao cho Mỹ vào năm 2025.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới