Chủ Nhật, 30/06/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Châu Âu chia rẽ vì thương mại với Trung Quốc

Lạc Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Các nước châu Âu đang có sự chia rẽ sâu sắc trong việc xử lý mối quan hệ thương mại với Trung Quốc. Điều này sẽ đặt châu Âu trước nhiều thách thức trong bối cảnh tình hình tại Mỹ và Trung Quốc đang có nhiều thay đổi.

Châu Âu chia rẽ…

Sau một mùa đông kéo dài vì lập trường thân thiện với Nga, châu Âu, Trung Quốc giờ đây đang tận hưởng một mùa xuân ngoại giao.

Hồi tháng 4-2024, một phái đoàn doanh nghiệp lớn đã tháp tùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong chuyến đi tới Trung Quốc, chuyến thăm thứ hai của ông kể từ khi nhậm chức. Ở chiều ngược lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã tới một số nước châu Âu vào đầu tháng 5-2024, mang về nhiều thỏa thuận hợp tác.

Nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn đang nghi ngờ Bắc Kinh. Bên cạnh những cáo buộc Trung Quốc đang ủng hộ Nga trong cuộc xung đột Ukraine, giới chức châu Âu đặc biệt quan tâm đến một vấn đề kinh tế: tình trạng dư thừa năng lực công nghiệp của Trung Quốc, đặc biệt là các sản phẩm năng lượng sạch, từ xe điện cho tới pin mặt trời.

Trong chuyến đi tới Trung Quốc mới đây, Thủ tướng Đức Scholz đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc giải quyết vấn đề dư thừa năng lực sản xuất. Trước đó, giới chức Mỹ cũng đã đưa ra những cảnh báo tương tự, để rồi quyết định tăng thuế lên số hàng hóa trị giá 18 tỉ đô la Mỹ của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Scholz tỏ ra hoài nghi đối với khả năng áp thuế, cũng như cuộc điều tra đang diễn ra của Ủy ban châu Âu (EC) về trợ cấp của Trung Quốc cho ngành xe điện. Ông lo ngại rằng điều này sẽ dẫn đến các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh nhằm vào các nhà sản xuất ô tô châu Âu, đặc biệt là Đức, đang hoạt động tại Trung Quốc.

Trong khi EC thúc đẩy một chính sách kinh tế và thương mại chặt chẽ hơn, một số quốc gia thành viên như Hungary lại đang đi ngược lại các nỗ lực này vì lợi ích ngắn hạn của riêng mình. Đây sẽ là điều mà châu Âu cần thay đổi để tiếng nói của mình trở nên có trọng lượng hơn.

Chia sẻ quan điểm trên, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cũng cho rằng một động thái áp thuế lên xe điện Trung Quốc như Mỹ đã làm có thể tác động tiêu cực đến thương mại toàn cầu, và không phải là một ý tưởng hợp lý. Một quốc gia khác là Hungary thậm chí còn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc.

Ngược lại, nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu khác của châu Âu lại ủng hộ quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch EC Ursula Von der Leyen đã kêu gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc đảm bảo thương mại cân bằng hơn.

Trái ngược với Thủ tướng Đức Scholz, Tổng thống Pháp Macron là người ủng hộ mạnh mẽ đường lối cứng rắn đối với các hoạt động thương mại của Trung Quốc. Chính ông là người đã thúc đẩy cuộc điều tra bom tấn nhằm vào các chính sách trợ cấp cho lĩnh vực xe điện của Trung Quốc – biểu tượng cho mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Brussels và Bắc Kinh. “Châu Âu ngày nay có thị trường cởi mở nhất thế giới… nhưng chúng tôi muốn có khả năng bảo vệ nó”, ông Macron cho biết trong một tuyên bố.

Còn theo bà Von der Leyen, mối quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc đang bị tổn thương do sự tiếp cận thị trường không bình đẳng và những biện pháp trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc. “Châu Âu sẽ không dao động trong việc đưa ra những quyết định cứng rắn cần thiết để bảo vệ thị trường của mình”.

Nguy cơ châu Âu mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc

Sự chia rẽ trong quan điểm giữa các nhà lãnh đạo châu Âu diễn ra trong bối cảnh một yếu tố khác định hình quan hệ châu Âu – Trung Quốc đang dần xuất hiện: cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11-2024.

Sức ép lên châu Âu sẽ đặc biệt lớn trong trường hợp người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng là cựu Tổng thống Donald Trump. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đã không mấy hài lòng đối với các thương vụ kinh doanh lớn giữa châu Âu với Trung Quốc, trong khi lục địa già vẫn đang phải dựa vào chiếc ô an ninh của Mỹ.

Và theo trang Foreign Policy, khả năng ông Trump quay trở lại Nhà Trắng có thể dẫn đến một cuộc thương chiến mới giữa Mỹ và châu Âu; nó cũng có thể gây tổn hại cho mối quan hệ đồng minh và thiêu rụi những hạt giống đầu tiên của chính sách phối hợp xuyên Đại Tây Dương đối với Trung Quốc.

Trong trường hợp xấu nhất, ông Trump sẽ sử dụng đòn bẩy của mình đối với Ukraine và vai trò của Mỹ đối với an ninh châu Âu để buộc Brussels phải sử dụng một chính sách đối kháng quyết liệt hơn với Trung Quốc.

Đối với một số nhà lãnh đạo và cử tri châu Âu, triển vọng cựu Tổng thống Donald Trump nắm quyền trở lại là đủ để làm lý do cho việc xích lại gần Trung Quốc, bất chấp những cam kết công khai của giới chức châu Âu trong thời gian qua về việc “giảm thiểu rủi ro” từ sự phụ thuộc quá nhiều vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đây có thể là phương án đề phòng trường hợp chính sách thương mại và an ninh của Mỹ chống lại châu Âu.

Việc áp dụng chính sách cũ: tiếp tục phòng bị nước đôi và xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh sẽ trở thành một gánh nặng đối với châu Âu. Đó là một chiến lược sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Washington, dù cho Tổng thống Mỹ có là Donald Trump hay Joe Biden.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, các nước châu Âu không nên dựa vào triển vọng bất định của cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ, để tin tưởng rằng, họ vẫn có thể duy trì hoạt động kinh doanh như bình thường với Trung Quốc. Bởi lẽ chính sách cũ của châu Âu đối với Trung Quốc rốt cuộc đều sẽ không mang lại hiệu quả bất kể ông chủ Nhà Trắng là ai.

Các nguồn tin từ Washington Post cho thấy, nếu ông Trump quay trở lại, ông sẽ triển khai chính sách thương mại diều hâu hơn nữa đối với Trung Quốc, đồng thời cố gắng áp đặt suy nghĩ của mình lên châu Âu.

Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp Tổng thống Joe Biden tiếp tục giành chiến thắng, tình hình cũng sẽ không có quá nhiều khác biệt. Bởi từ năm 2016, lập trường diều hâu đối với Trung Quốc đã là một vấn đề nhận được sự đồng thuận của lưỡng đảng tại Mỹ.

Trên thực tế, Tổng thống Joe Biden đã không đảo ngược các biện pháp thuế quan của cựu Tổng thống Donald Trump. Và dù ông đã lựa chọn một trọng tâm khác trong việc cạnh tranh với Trung Quốc ở một số lĩnh vực trọng điểm, nhưng quyết định chuyển hướng theo chủ nghĩa bảo hộ trong chính sách kinh tế của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ còn được duy trì.

Trong bối cảnh đó, việc áp dụng chính sách cũ: tiếp tục phòng bị nước đôi và xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh sẽ trở thành một gánh nặng đối với châu Âu. Đó là một chiến lược sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Washington, dù cho Tổng thống Mỹ có là Donald Trump hay Joe Biden.

Bên cạnh đó, thời kỳ Trung Quốc chỉ là một nhà máy sản xuất giá rẻ cho các công ty lớn ở châu Âu hiện đã kết thúc. Trung Quốc giờ đây đã trở thành một đối thủ cạnh tranh kinh tế và chiến lược đáng gờm của châu Âu. Các chính sách công nghiệp định hướng xuất khẩu của Trung Quốc đã tạo ra một thị trường nội địa có tính cạnh tranh cao và đẩy giá hàng hóa xuống thấp, tạo ra một chu kỳ dư thừa năng lực sản xuất.

Việc Trung Quốc liên tục áp dụng các biện pháp trợ cấp ngầm và công khai không chỉ làm giảm lợi nhuận mà các công ty châu Âu tạo ra ở Trung Quốc, mà còn giảm cả thị phần của các công ty đó ở quê nhà. Ví dụ rõ nét nhất chính là sự thất thế của các hãng xe Đức trước các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc, dù ở bất kỳ thị trường nào, Trung Quốc hay châu Âu.

Do vậy, có thể thấy, ngay cả khi ông Trump quay trở lại Nhà Trắng, những động lực gây chia rẽ giữa châu Âu và Trung Quốc sẽ không biến mất. Trong trường hợp xấu nhất, châu Âu sẽ nhận thấy mình đang bị mắc kẹt giữa các nhà lãnh đạo có quan điểm cứng rắn nhất của cả Mỹ và Trung Quốc.

Châu Âu sẽ cần một chính sách thương mại mới với Trung Quốc

Theo Foreign Policy, để chuẩn bị cho kịch bản này, các nhà hoạch định chính sách châu Âu cần một chính sách mới với Trung Quốc, kết hợp sự cấp bách của việc bảo vệ quan hệ xuyên Đại Tây Dương với một quan điểm thực tế hơn về Trung Quốc.

Trong đó, về thương mại, châu Âu nên chống lại áp lực từ Chính phủ Mỹ trong việc áp dụng chính sách diều hâu với Trung Quốc. Việc Brussels để quan hệ của mình với Bắc Kinh bị Washington chi phối sẽ là một hành động thiếu khôn ngoan, và có thể phải trả giá đắt.

Nhưng châu Âu cũng không nên để sự phụ thuộc kinh tế quá mức vào Trung Quốc ảnh hưởng đến an ninh kinh tế dài hạn và sức bền của lục địa già. Trong bối cảnh các cơ hội kinh doanh tại Trung Quốc đang thay đổi, những doanh nghiệp châu Âu coi trọng việc duy trì các lợi ích kinh tế hiện có với Trung Quốc cũng cần phải thay đổi theo.

Châu Âu nên thực hiện việc “giảm thiểu rủi ro” một cách nghiêm túc vì lợi ích của chính họ, và tích cực định hình mức độ tiếp xúc và mức độ liên kết theo ngành với Trung Quốc. Trong các lĩnh vực mới nổi như điện toán lượng tử và công nghệ vũ trụ, nơi mối liên kết vẫn còn khá yếu và nguy cơ an ninh lớn hơn lợi ích kinh tế, việc giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc sẽ dễ thực hiện hơn nhiều. Cơ chế phân phối lại chuỗi cung ứng toàn cầu đang nổi lên cũng sẽ là một cơ hội để châu Âu cải thiện sức bền của nền kinh tế trước những cú sốc bên trong và bên ngoài.

EC và các quốc gia thành viên cũng nên chọn lọc hơn trong cam kết kinh tế với Trung Quốc và không nên ngại đưa ra những quyết định gây tranh cãi. Để đạt được mục tiêu này, châu Âu cần áp dụng tư duy “bù trừ” để đảm bảo tính cân bằng trong sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế với Trung Quốc trên toàn bộ các lĩnh vực quan trọng, thay vì chỉ tập trung vào một số ít ngành công nghiệp.

Trong trường hợp ông Trump quay trở lại Nhà Trắng với những triển vọng chính sách khó lường, châu Âu cần tận dụng đòn bẩy của chính mình đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ hiệu quả nếu châu Âu nói chuyện với Trung Quốc bằng một tiếng nói thống nhất, thay vì chia rẽ như hiện nay. Chẳng hạn như trong khi EC thúc đẩy một chính sách kinh tế và thương mại chặt chẽ hơn, một số quốc gia thành viên như Hungary lại đang đi ngược lại các nỗ lực này vì lợi ích ngắn hạn của riêng mình. Đây sẽ là điều mà châu Âu cần thay đổi để tiếng nói của mình trở nên có trọng lượng hơn.

Theo Foreign Policy, SCMP, Washington Post, Reuters, Bloomberg, New York Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới