(KTSG Online) – Dù châu Âu đã lấp đầy kho dự trữ khí đốt tự nhiên cho mùa đông này, nhưng các doanh nghiệp trong khu vực vẫn sốt sắng tìm kiếm năng lượng cho những năm tới khi rủi ro thiếu hụt nguồn cung được dự báo kéo dài dai dẳng. Vấn đề gây khó khăn hiện nay là họ không chắc chắn về mức thiếu hụt khi mà châu Âu đang tăng tốc các nỗ lực loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy công suất năng lượng tái tạo.
- Nhà máy sản xuất LNG trên biển có thể là chìa khóa cho khủng hoảng năng lượng
- Tàu chở LNG ùn ứ ở châu Âu, khiến giá khí đốt giảm mạnh
Đàm phán mua khí đốt trong 5-10 năm tới
Các kho trữ khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) đã đầy khoảng 95%. Nhiều nhà phân tích tin rằng lục địa này có thể tránh được thảm họa thiếu năng lượng vào mùa đông. Nhưng việc mua khí đốt cho mùa đông sắp tới được dự đoán sẽ khó khăn hơn đối với các nước châu Âu vì họ gần như bị Nga cắt đứt hoàn toàn nguồn cung và sự cạnh tranh trên toàn cầu đối với các lô hàng khí đốt hóa lỏng (LNG) đang gia tăng.
Sẽ có rất ít LNG bổ sung được tung ra thị trường cho đến khoảng năm 2026, khi các dự án LNG ở Mỹ và Qatar đi vào hoạt động. Điều này có nghĩa là châu Âu có thể sẽ cạnh tranh quyết liệt để giành nguồn cung khan hiếm trong vài năm tới.
Một số doanh nghiệp ở Đức, cỗ máy sản xuất của châu Âu, đang lo lắng vì họ không chắc chắn có đủ năng lượng trong nửa sau của thập niên này. Các doanh nghiệp Đức bao gồm Tập đoàn hóa chất BASF và Công ty năng lượng Uniper đã tổ chức các cuộc đàm phán trong những tuần gần đây với các nhà xuất khẩu LNG của Mỹ và những nơi khác về các thỏa thuận cung cấp LNG sau năm 2024.
Sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, một số doanh nghiệp châu Âu đã ký hợp đồng mua LNG của Mỹ. Giờ đây, họ nhận thấy rằng châu Âu sẽ cần nhiều khí đốt hơn nữa trong nhiều năm tới.
Các nguồn tin cho hay các cuộc đàm phán mua LNG cho thấy mối lo ngại về an ninh năng lượng của doanh nghiệp châu Âu đang tăng lên. Nhưng tình hình hiện tại rất phức tạp vì trong khi nhiều doanh nghiệp ở châu Âu muốn tìm kiếm các thỏa thuận cung cấp khí đốt từ 5 -10 năm, một số doanh nghiệp và quan chức chính phủ trong khu vực không muốn ký hợp đồng mua khí đốt dài hạn.
Đức và các nước châu Âu khác đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng nhằm giảm đáng kể mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Do vậy, một số doanh nghiệp lo rằng họ có thể phải trả tiền cho các lô hàng LNG không còn cần thiết trong tương lai.
EU đề xuất cơ chế mua chung
Các quan chức EU đã đề xuất cơ chế mua chung của doanh nghiệp châu Âu để điều phối các cuộc đàm phán về thỏa thuận mua chung khí đốt, giúp tránh được sự cạnh tranh mua, gây bất lợi cho các doanh nghiệp trong khu vực.
Hồi tháng 10, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner đã bày tỏ sự ủng hộ đối với ý tưởng này. Nhưng một số lãnh đạo doanh nghiệp và quan chức chính phủ còn hoài nghi tính hiệu quả của chương trình như vậy vì sự phức tạp của thị trường khí đốt và nhu cầu khác nhau giữa các nước và một số doanh nghiệp.
“Chúng tôi không hoàn toàn tin tưởng vào những lợi ích và lợi thế có thể đạt được bằng cách gộp việc mua khí đốt ở cấp độ châu Âu”, người phát ngôn của Công ty năng lượng RWE của Đức, nói.
Người phát ngôn này cho biết RWE đang kêu gọi chính phủ hỗ trợ các hợp đồng mua khí đốt dài hạn. Hồi tháng 5, RWE đã ký một thỏa thuận 15 năm không ràng buộc với Sempra Infrastructure, nhà xuất khẩu LNG của Mỹ.
Các nước khác gồm Pháp và Anh cũng đang đối mặt với các mối đe dọa về tình trạng thiếu điện. Đầu năm nay, một công ty con của Tập đoàn hóa chất Ineos Group của Anh đã ký thỏa thuận mua LNG không ràng buộc với Sempra Infrastructure và Công ty năng lượng PGNiG ở Ba Lan.
Người phát ngôn của chính phủ Anh cho biết Anh đang làm việc với các nhà cung cấp trong nước và quốc tế để tìm kiếm các hợp đồng có thể giúp tăng cường nguồn cung năng lượng.
Trong tháng này, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo châu Âu có nguy cơ không thể đáp ứng được nhu cầu năng lượng của mình vào năm tới. IEA kêu gọi khu vực này hành động nhiều hơn để tiết kiệm lượng khí đốt hiện có và nhanh chóng chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo khác. Theo ước tính của IEA, mức thiếu hụt khí đốt của châu Âu vào mùa hè năm 2023 có thể lên tới 30 tỉ mét khối.
Xung đột với tham vọng khí hậu
Các thỏa thuận mua khí đốt dài hạn đang vấp phải sự phản đối chính trị vì một số người cho rằng chúng có thể làm hỏng các mục tiêu khí hậu nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
Jill Duggan, Giám đốc điều hành khu vực châu Âu tại Quỹ Bảo vệ môi trường, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Mỹ, nói: “Thật khó để biết chúng tương thích với các kế hoạch phi carbon hóa như thế nào”.
Các quan chức Đức dự đoán nhu cầu khí đốt của nước này sẽ đạt đỉnh vào khoảng năm 2030, sau đó nhiên liệu này dần nhường chỗ cho năng lượng tái tạo.
Sự xung đột giữa nhu cầu năng lượng trước mắt và tham vọng khí hậu lâu dài của châu Âu đang tạo ra một thị trường phức tạp cho người mua LNG ở châu Âu cũng như người bán LNG ở Mỹ. Các nhà phát triển dự án sản xuất LNG cần ký hợp đồng dài hạn với khách hàng, giúp họ dễ dàng huy động vốn cho các nhà máy trị giá hàng tỉ đô la Mỹ để chuyển đổi khí thành chất lỏng để xuất khẩu.
Một lựa chọn đang được các công ty châu Âu xem xét là ký các thỏa thuận mua LNG dài hạn của Mỹ và bán lại một phần LNG này ở thị trường nước ngoài trong những năm sau đó, điều mà hầu hết các hợp đồng LNG của Mỹ cho phép.
Một lựa chọn khác đang được thảo luận là khuyến khích các bên mua đầu tư trực tiếp vào các dự án LNG và ký hợp đồng mua LNG ngắn hạn, cho phép họ bán cổ phần sau này.
Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng cách khác giữa người mua và người bán. Các khách hàng châu Âu muốn đàm phán giá thấp hơn từ các nhà xuất khẩu LNG của Mỹ sau khi họ đã thu được lợi nhuận lớn từ cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu.
Trong khi đó, các nhà xuất khẩu LNG của Mỹ cho rằng khách hàng châu Âu đã không tính đến tác động của lạm phát và chi phí vận chuyển cũng như rủi ro tài chính mà họ đang gánh chịu. Họ cảnh báo giá LNG dự kiến sẽ tăng trở lại trong những tháng tới và năm tới.
Những bất đồng về tính cấp bách của tình trạng thiếu khí đốt tiềm tàng là một vấn đề nan giải. Một số quan chức Đức cảm thấy ít áp lực hơn trong việc cần phải đạt được các thỏa thuận cung cấp khí đốt trước cuối năm nay, với lý do giá đang giảm hơn và khối lượng khí đốt dự trữ cao hơn dự kiến. Nhưng một số lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu lo rằng vùng đệm khí đốt dự trữ chỉ là tạm thời và việc thiếu ý chí chính trị sẽ gây rủi ro thiếu năng lượng cho các mùa đông trong tương lai.
Theo WSJ