(KTSG Online) – Chủ một khu du lịch ở Bến Tre khoe với tôi rằng dù khu du lịch của anh rất “xanh” nhưng hồi đầu tháng 4 này anh vẫn tham gia lớp tập huấn có nội dung kiểm kê khí nhà kính hướng tới giảm phát thải cho doanh nghiệp được tổ chức tại Bến Tre.
- Đối thoại: Bán tín chỉ carbon – dễ hay khó?
- Đã phân bổ 80% tiền bán tín chỉ carbon rừng cho 6 tỉnh Bắc Trung Bộ
- Bài toán cho nhà đầu tư rừng: chọn khai thác gỗ hay tín chỉ carbon?
Thực ra đây là một trong chuỗi hoạt động của chương trình "Nâng cao năng lực cho các đối tác địa phương về chuyển dịch năng lực góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 tại Bến Tre" thực hiện từ cuối năm ngoái đến tháng 6 năm nay. Không chỉ xứ dừa Bến Tre lo kiểm kê khí nhà kính mà dạo gần đây từ doanh nghiệp, bộ ngành và các địa phương hầu như cũng chạy đua với chữ “xanh”.
Mới hôm 22-4 tại TPHCM, Viện Nghiên cứu Phát triển và Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98 tổ chức tọa đàm khoa học chủ đề phát triển thị trường tín chỉ carbon tại TPHCM. Tọa đàm đặt ra nhiều vấn đề về thúc đẩy tăng trưởng xanh và thị trường tín chỉ carbon từ tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính của lĩnh vực công nghiệp, giao thông, thương mại, cũng như thát triển thị trường carbon tự nguyện từ Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, cho phép thành phố hình thành, phát triển thị trường tín chỉ carbon.
Còn cuối tuần trước, báo Tuổi Trẻ đã tổ chức hội thảo “Thị trường tín chỉ carbon - Động lực xây dựng Việt Nam Xanh” với nhiều thông tin bổ ích về phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời tờ báo này cũng ra mắt dự án “Việt Nam Xanh”, tức chuỗi hoạt động lan tỏa thông tin về kinh tế xanh kéo dài tới cuối năm với hy vọng lan tỏa thông tin đến cộng đồng về biến đổi khí hậu, phát triển thị trường tín chỉ carbon, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường.
Tưởng tín chỉ carbon hay phát triển xanh ở đâu xa, té ra rất gần khi ông bạn tôi có trang trại nuôi heo ở Đồng Nai điện thoại cho tôi hỏi thăm cách kiểm kê khí nhà kính của… trại heo. Thì ra bạn tôi đọc báo thấy thông tin Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 06/2002/NĐ-CP ngày 7-1-2022 của Chính phủ, quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Dự thảo này dự kiến bổ sung thêm các cơ sở chăn nuôi có quy mô lớn (nuôi hàng năm 1.000 con bò hoặc 3.000 con heo trở lên) vào danh mục doanh nghiệp bắt buộc kiểm kê khí nhà kính.
Thấy bạn lo lắng, tôi tìm kiếm doanh nghiệp tư vấn cho bạn thì mới biết hiện cả nước có cả chục doanh nghiệp đang tham gia tư vấn về phát triển xanh, giảm phát thải nhà kính và đặc biệt là tư vấn cho khách hàng là doanh nghiệp phát thải nằm trong diện bắt buộc phải kiểm kê khí nhà kính. Các doanh nghiệp tư vấn này phần lớn thành lập 5-6 năm trở lại đây và khách hàng chính là các doanh nghiệp phát thải lớn.
Tại điều 6 Nghị định 06 quy định các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính bao gồm các cơ sở có tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên; các cơ sở có tổng tiêu thụ năng lượng hàng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương và các cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hàng năm từ 65.000 tấn trở lên. Đồng thời Thủ tướng đã ra Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục 1.912 cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính 2 năm 1 lần. Sắp tới có thể bổ sung thêm hàng trăm cơ sở chăn nuôi quy mô lớn trên cả nước vào danh mục này nếu dự thảo sửa đổi nghị định được ban hành.
Ngoài ra, Chính phủ cũng khuyến khích doanh nghiệp ngoài danh mục tự nguyện kiểm kê khí nhà kính, như anh bạn chủ khu du lịch ở Bến Tre ở phần đầu bài viết, bởi có kiểm kê thì mới có căn cứ để tính toán giảm phát thải carbon, mới có khả năng mang ra bán tín chỉ carbon phần giảm phát thải.
Đừng tưởng chỉ doanh nghiệp hay nhà nghiên cứu giờ mới ùn ùn chạy đua với chữ “xanh”, mà trong tay tôi đang có thư mời tham gia lớp tập huấn cuối tuần này tại TPHCM về “công tác lãnh đạo về phát triển bền vững và tín chỉ carbon”, dành cho các nhà quản lý ở các tỉnh thành khu vực phía Nam.
Biết đâu thời gian ngắn tới, Hội Nhà báo TPHCM sẽ mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng đưa tin, viết bài về tín chỉ carbon, nếu có cũng không có gì lạ.
Nhiều hội nghị quốc tế đã cam kết mục tiêu xanh hóa, phát thải ròng về Zero. Nhưng bây giờ, rất nhiều động thái đang làm ngược lại. Điển hình là các đại gia công nghiệp, dầu mỏ, khai khoáng… trên phạm vi toàn cầu. Họ đang bảo vệ lợi ích vị kỷ bằng mọi giá. Xanh, trước hết phải bắt đầu từ tư duy. Sau đó phải tiến liên tục bằng hành động thực tiễn.