Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Che bớt mặt trời

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Tình trạng trái đất nóng lên do biến đổi khí hậu đang ngày càng gay gắt. Các đợt nắng nóng ở Ấn Độ và Pakistan làm nhiệt độ nhiều vùng lên đến 50 độ C, cộng với độ ẩm cao, đang gây nguy hiểm cho hàng triệu người. Các giải pháp giảm nhẹ hậu quả của biến đổi khí hậu dường như không còn kịp phát huy tác dụng, buộc các nhà khoa học phải nghĩ đến những biện pháp cực đoan hơn như “che bớt mặt trời” để giảm nhiệt độ trên trái đất!

Hiện nay các nước đang kết hợp ba giải pháp chống biến đổi khí hậu, bao gồm giảm mức khí thải, hút bớt khí carbon và tìm cách thích nghi với môi trường mới. Tuy nhiên, ngược lại với mục tiêu giảm bớt một nửa khí thải vào năm 2030 để chặn đứng mức tăng nhiệt độ chỉ thêm 1,5 độ C, hiện nay mức khí thải vẫn tăng đều. Công nghệ hút bớt khí carbon nghe thì hấp dẫn nhưng cần vài ba thập niên nữa mới có thể áp dụng trên quy mô lớn. Còn thích nghi thì nhiều nơi, dù muốn dù không, cũng phải làm nhưng rất tốn kém cả nhân lực và vật lực.

Vậy “che bớt mặt trời” là như thế nào, có khả thi không? Trước đây Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ chủ trương cần đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ này. Vào ngày 27-4 vừa qua, Hội đồng Quan hệ ngoại giao của Mỹ đã phát hành một báo cáo mang tên “Phản chiếu ánh nắng mặt trời để giảm rủi ro khí hậu”, tập trung vào tính khả thi của biện pháp này cũng như những yêu cầu đặt ra để có được một sự hợp tác quốc tế nhằm triển khai.

Gọi là “che bớt mặt trời” nhưng thực chất giải pháp này có nghĩa phát tán lên tầng bình lưu một số chất như sulfat hay canxit, có thể bằng máy bay đặc biệt hay các khinh khí cầu – gọi là phương pháp SAI (stratospheric aerosol injection). Hiệu quả của giải pháp này tương tự như khi các núi lửa hoạt động, phun vào bầu khí quyển nhiều chất, làm nhiệt độ trái đất giảm đi. Chẳng hạn vụ núi Pinatubo phun trào vào năm 1991 đã làm cho nhiệt độ trái đất giảm đến 0,6 độ C trong vòng 15 tháng sau đó. Phương pháp “che bớt mặt trời” thứ nhì là phun tinh thể muối biển vào các đám mây bay thấp bằng cách dùng các tàu biển để tạo hiệu ứng tương tự, gọi là MCB (marine cloud brightening).

Cả hai phương pháp này có cùng một mục đích, buộc một phần ánh nắng mặt trời phản chiếu ngược lại vào không gian thay vì tập trung lên trái đất – nhờ thế sẽ giảm đi nhiệt độ của trái đất một cách nhanh chóng. Các nhà khoa học nhấn mạnh giải pháp phản chiếu ánh nắng mặt trời không hẳn là một giải pháp đúng nghĩa vì nó không tác động lên thủ phạm gây biến đổi khí hậu là khí thải CO2 cũng như không giúp giảm khí carbon trong bầu khí quyển. Điều nó có thể làm được là cung cấp một phương cách khả thi về mặt công nghệ, có thể triển khai nhanh và tương đối rẻ tiền để làm chậm lại hay thậm chí đảo ngược quá trình trái đất đang nóng dần lên và các hệ quả của quá trình này. Nhờ vậy nhân loại sẽ có thêm thời gian để đẩy mạnh các biện pháp căn cơ hơn như giảm khí thải trên quy mô lớn toàn cầu.

Gọi là tương đối rẻ tiền là bởi, theo tờ The Hill, các mô hình tính toán cho thấy dùng biện pháp SAI sẽ tốn chừng 10 tỉ đô la mỗi năm, một con số rất nhỏ so với chi phí đến 275.000 tỉ đô la để giảm khí thải carbon toàn cầu đến năm 2050. Lịch sử cho thấy loài người từng trải qua một giai đoạn trái đất lạnh hẳn đi trong khoảng thời gian từ năm 1200-1850 bởi nhiều lý do, trong đó lý do quan trọng nhất là hàng loạt núi lửa bùng lên hoạt động mạnh làm bầu trời bị che khuất phần nào, làm giảm nhiệt độ mặt đất.

Tuy nhiên cũng có nhiều tiếng nói phản đối phương pháp “che bớt mặt trời” này. Lý do đầu tiên họ đưa ra là vì nó dễ làm, dễ có hiệu quả nên nhiều nước, nhiều doanh nghiệp sẽ xem đây là liều thuốc tiên, chữa dứt biến đổi khí hậu nên khỏi cần lo nghĩ gì thêm về chuyện giảm khí thải trong sản xuất. Nó tương tự chuyện cho bệnh nhân uống thuốc giảm đau để chữa triệu chứng mà không điều trị căn nguyên gây bệnh. Cũng có những tiếng nói phản đối dựa vào các vấn đề kỹ thuật như họ lo ngại một sự can thiệp như thế có thể dẫn đến những hệ quả không thể lường trước như phá vỡ sự cân bằng của thiên nhiên, phá vỡ quy luật mưa gió một cách khó lường.

Tiếng nói chung của nhiều nhà khoa học là thế giới cần nghiên cứu nhanh, nghiên cứu kỹ giải pháp “che bớt mặt trời” khi tình hình ngày càng cấp bách chứ không thể bình chân như vại. Giải pháp này có thể có những rủi ro nhưng chúng là ngắn hạn và có thể đảo ngược. Trong khi đó, người dân ở nhiều nơi vẫn đang chống chọi với nắng nóng như thiêu đốt, các cơn lũ lụt ngập đến mái nhà và các đám cháy rừng lan rộng khắp nơi.

1 BÌNH LUẬN

  1. Bàn tay không che nổi mặt trời ! Người xưa đã nói vậy, để chỉ ra những gì khuất tất, không đàng hoàng, minh bạch, không thể giấu diếm mãi được. Biến đổi khí hậu tiêu cực, thực chất là do con người là tác nhân chính. Nếu muốn thay đổi, trước hết nhân loại phải tự thay đổi chính mình. Đó là con đường duy nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới