Thứ tư, 1/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chênh lệch kỳ hạn và câu chuyện phát triển tín dụng của các ngân hàng

Triệu Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tình trạng chênh lệch kỳ hạn giữa nguồn vốn đầu vào và vốn đầu ra mở rộng hơn, khiến tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng thương mại tư nhân cao hơn quy định, đã ảnh hưởng thế nào đến tăng trưởng tín dụng?

Mảng khách hàng cá nhân ở một số ngân hàng vẫn ghi nhận tăng trưởng nhưng chậm hơn so với năm trước. Ảnh: LÊ VŨ

Từ câu chuyện chênh lệch kỳ hạn

Theo dữ liệu cập nhật gần nhất từ trang web của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của toàn hệ thống đến cuối tháng 9-2023 là 28,39%, cận kề ngưỡng quy định mới 30% có hiệu lực từ đầu tháng 10-2023. Đáng chú ý là tỷ lệ này ở nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) gốc Nhà nước chỉ quanh 24%, nhóm NHTM tư nhân vẫn ở mức rất cao - lên đến 39%, cho thấy khả năng không ít ngân hàng trong số này vẫn chưa kịp kéo tỷ lệ này về dưới ngưỡng quy định mới.

Xu hướng đi lên vượt quy định ở tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở nhóm NHTM tư nhân từng được phân tích trong bài viết “Phía sau diễn biến tăng vọt của tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn” trên KTSG cách đây hai tháng(*). Nhìn ở góc độ ảnh hưởng lớn hơn, tình trạng chênh lệch kỳ hạn giữa nguồn vốn đầu vào và vốn đầu ra mở rộng hơn cũng đang kìm hãm tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng.

Việc không giữ được tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn buộc nhiều ngân hàng phải tìm cách kéo tỷ lệ này xuống dưới mức quy định, trước khi nghĩ đến việc cho vay mới, đặc biệt là ở các khoản cho vay trung và dài hạn.

Một số ngân hàng có thể lựa chọn chỉ tập trung cho vay ngắn hạn, nhưng rõ ràng khi vòng quay vốn cho vay ngắn như vậy, với các sản phẩm tín dụng ngắn hạn được tái tục liên tiếp, khách hàng cứ vay rồi lại trả trong khoảng thời gian không quá 12 tháng, tín dụng cũng khó có thể duy trì tăng trưởng cao như những năm trước đây.

Nợ xấu của ngành ngân hàng chưa dừng lại, có khả năng Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ sẽ được kéo dài thời gian thực hiện, điều này sẽ tiếp tục gây áp lực lên tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của nhiều ngân hàng, đồng nghĩa với khả năng phát triển tín dụng mới cũng sẽ có nhiều hạn chế.

Mới đây Thống đốc NHNN cho biết tính đến tháng 10-2023, theo báo cáo, doanh số cho vay của hệ thống đạt 17,6 triệu tỉ đồng, cao hơn cả năm 2021 (17,4 triệu tỉ đồng). Còn khoảng nửa tháng nữa là kết thúc năm 2023, khả năng con số này có thể đạt trên 19 triệu tỉ đồng. Đó là con số lớn nhưng tín dụng đến cuối tháng 11 chỉ tăng 9,15%, chứng tỏ hệ thống ngân hàng vẫn cấp vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn. Điều này cho thấy vướng mắc ở đây là tín dụng cho vay trung và dài hạn khó khăn, chủ yếu do yếu tố khách quan.

Cũng theo thông tin từ Thống đốc NHNN, tín dụng của các nước trên thế giới đều tăng chậm chứ không riêng Việt Nam do tổng cầu thế giới giảm. Cũng như các nước trên thế giới, giải bài toán vốn trung và dài hạn tại Việt Nam cần thận trọng để làm sao huy động vốn ngắn hạn chỉ cho vay ngắn hạn, đảm bảo khả năng chi trả khi người dân rút tiền. Theo Thống đốc NHNN, nếu ngân hàng tập trung cho vay dài hạn đến khi người dân rút tiền lại phải đối mặt rủi ro thanh khoản. Các ngân hàng phải cân đối tính khả thi của dự án, khả năng thu hồi nợ cũng như giải quyết vấn đề vướng mắc pháp lý để cho vay khách hàng.

Đến nhu cầu của khách hàng

Nếu ở góc độ ngân hàng là từ việc nguồn vốn trung và dài hạn không đủ để đảm bảo cho các mục tiêu phát triển kinh doanh nên đã phần nào ảnh hưởng lên tăng trưởng tín dụng, thì từ phía khách hàng có thể thấy nhu cầu vay vốn trung và dài hạn thời gian qua cũng rất thấp. Đối với doanh nghiệp, nhu cầu vốn trung và dài hạn thường phục vụ cho các chiến lược đầu tư dự án mới, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng với triển vọng nền kinh tế chưa sáng sủa, đầu ra sản phẩm không mấy chắc chắn, các doanh nghiệp khó có động lực vay vốn đầu tư thêm.

Trong khi đó, kênh hấp thụ vốn trung và dài hạn mạnh mẽ trong nhiều năm qua là thị trường bất động sản vẫn đang tiềm ẩn rủi ro cao, nên nhu cầu vay mua nhà đất cũng suy giảm so với trước. Các dự án của các công ty bất động sản theo đó cũng bị đình trệ vì đầu ra sản phẩm không đảm bảo, bên cạnh tình trạng pháp lý gặp nhiều vấn đề, nên muốn vay thêm để triển khai dự án mới cũng khó. Ngoài ra, tình trạng rủi ro của một số “ông lớn” bất động sản gần đây càng khiến các ngân hàng phải dè chừng.

Theo báo cáo cập nhật mới đây, Công ty Chứng khoán KB (KBSV) cho biết đang có xu hướng dịch chuyển cho vay từ nhóm khách hàng cá nhân sang nhóm khách hàng doanh nghiệp ở một số ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ lớn. Cụ thể, theo chia sẻ của một số ngân hàng, mảng khách hàng cá nhân vẫn ghi nhận tăng trưởng nhưng chậm hơn so với năm trước.

Dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 1,53%, là mức thấp nhất trong năm năm gần đây, trong khi nhu cầu từ nhóm khách hàng doanh nghiệp nhiều hơn. Dù vậy, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp chủ yếu vẫn để duy trì vốn lưu động hơn là mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Cần biết rằng vay để bổ sung vốn lưu động cũng thường là các khoản vay có kỳ hạn ngắn.

Ngoài ra, tín dụng trung và dài hạn của các ngân hàng thông qua đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận giảm mạnh từ đầu năm đến nay, bởi các vi phạm liên quan đến tập đoàn Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới niềm tin của nhà đầu tư. Số dư trái phiếu doanh nghiệp tại các ngân hàng cũng giảm đáng kể từ đầu năm đến nay, bởi lượng phát hành mới từ các doanh nghiệp bất động sản hạn chế và các doanh nghiệp tích cực mua lại trái phiếu trước hạn.

Nợ xấu của ngành ngân hàng chưa dừng lại, có khả năng Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ sẽ được kéo dài thời gian thực hiện, điều này sẽ tiếp tục gây áp lực lên tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của nhiều ngân hàng trong thời gian tới, đồng nghĩa với khả năng phát triển tín dụng mới cũng sẽ có nhiều hạn chế.

Để khắc phục vấn đề này, các ngân hàng phải tiếp tục tăng mạnh nguồn vốn trung và dài hạn, thông qua việc tăng vốn điều lệ cũng như tích cực phát hành giấy tờ có giá, trái phiếu kỳ hạn dài. Thực tế những tháng cuối năm cũng chứng kiến một số ngân hàng đẩy mạnh tăng vốn điều lệ theo kế hoạch đã đặt ra. Đối với việc phát hành trái phiếu, báo cáo tháng 11 của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy ngành ngân hàng tiếp tục dẫn đầu về số lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp, với tổng giá trị hơn 120.000 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 48,6%.

(*) https://thesaigontimes.vn/phia-sau-dien-bien-tang-vot-cua-ty-le-su-dung-von-ngan-han-cho-vay-trung-dai-han/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới