Chủ Nhật, 4/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chênh lệch mức sống ở châu Á  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chênh lệch mức sống ở châu Á  

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố công trình nghiên cứu về chênh lệch mức sống giữa các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Điểm mới của công trình này là thực hiện sự so sánh mức độ phồn vinh của các nền kinh tế không chỉ thông qua chỉ số GDP bình quân đầu người có tính chất danh nghĩa như cách làm thông thường - vốn có nhiều khuyết điểm vì phụ thuộc nhiều vào cơ chế tỷ giá - mà tính toán theo sức mua tương đương (PPP - purchasing power parity).    

Phương thức tính toán theo PPP không phải là mới nhưng theo giới kinh tế, nó thật hơn so với phương thức GDP danh nghĩa. Được khởi xướng bởi tuần báo The Economist (Anh), lúc đầu có tên gọi là Big Mac Index – so sánh giá cả của một chiếc bánh hamburger ở nhiều thành phố khác nhau để xác định sức mua của đồng tiền ở các nơi khác nhau – nhằm làm sáng tỏ mức sống thực của các thành phố đó. Về sau Big Mac Index được các nhà kinh tế học phát triển thành PPP, bao gồm nhiều chỉ số khác nhau, và áp dụng trên phạm vi rộng để so sánh hiện trạng của các nền kinh tế trên các mặt tổng sản lượng, tiêu dùng, đầu tư, giá cả... loại trừ được tác động không mong muốn của cơ chế tỷ giá hối đoái. Một hiện tượng thường thấy là một mặt hàng nào đó ở các nước khác nhau lại có giá cả rất khác nhau. Loại bỏ các yếu tố tỷ giá, thuế, PPP xác định giá trị thật của đồng tiền quy chiếu lên sản phẩm đó, từ đó tính ra sức mua tương đương giữa các đồng tiền, các nền kinh tế một cách tương đối chính xác, có thể nói là chính xác hơn nhiều so với cách tính GDP theo tỷ giá thông thường.

Hiện nay Chương trình so sánh quốc tế (ICP - international comparison program) - một dự án thống kê toàn cầu do Ngân hàng Thế giới (WB) tiến hành theo khuyến cáo của Ủy ban Thống kê Liên hiệp quốc - đã sử dụng PPP để thực hiện sự so sánh quốc tế về thành quả kinh tế của 146 nền kinh tế trên toàn cầu. Mục tiêu của sự so sánh này là xếp hạng trình độ phát triển, mức độ phồn vinh và triển vọng tương lai của các nền kinh tế, từ đó đề xuất những giải pháp phát triển.  

ADB là nhà điều phối của ICP châu Á-Thái Bình Dương - khu vực có hơn một nửa dân số thế giới sinh sống. Công trình nghiên cứu vừa công bố của ADB khảo sát mức sống của người dân ở 23 nền kinh tế khu vực, theo 4 mặt tổng sản lượng quốc gia thực (real GDP), mức sống của người dân tính theo sức mua của đồng tiền, tỷ trọng và xu hướng đầu tư phát triển và mức giá cả. Hai nước Myanmar và Afghanistan không tham gia cuộc nghiên cứu này. Hàn Quốc và Nhật Bản được nghiên cứu trong một công trình khác liên quan đến các nước công nghiệp phát triển (OECD). Đáng chú ý đây là lần đầu tiên kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ - chiếm 64% tổng sản lượng của khu vực - được đem ra so sánh. Đồng đô la Hồng Kông (HK$) được các tác giả nghiên cứu chọn làm đồng tiền căn bản để tính toán sức mua tương đương của các đồng tiền khác...  

 Công trình có nhan đề “Chương trình so sánh quốc tế (ICP) ở châu Á-Thái Bình Dương năm 2005: sức mua tương đương và chi tiêu thật” được công bố hôm thứ Hai (10-12) là khá đồ sộ và cẩn trọng; tuy nhiên những khó khăn trong việc thu thập dữ liệu và ước tính giá cả của nhiều thành phần cấu thành rổ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của các nền kinh tế đã đặt ra nhiều thách thức cho việc sử dụng thước đo PPP. Vì thế ông Ifzal Ali, nhà kinh tế trưởng của ADB, đề nghị việc diễn dịch các dữ liệu và kết quả trong công trình nghiên cứu này cần hết sức thận trọng.  

Nhận định đầu tiên của các tác giả công trình là có một sự cách biệt rất lớn về thu nhập bình quân đầu người giữa các nền kinh tế trong khu vực.  

1. Chỉ số quan trọng nhất để biết độ chênh lệch giàu nghèo của các nền kinh tế là so sánh tổng sản lượng quốc gia (GDP) bình quân đầu người.

Bảng 1a: Chỉ số GDP bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương. (bình quân khu vực châu Á=100)

Brunei là nước có GDP bình quân đầu người cao nhất, cao gấp13 lần mức GDP bình quân của khu vực và cao gấp 40 lần Nepal là nước có vị trí thấp nhất.

Tuy nhiên cần lưu ý GDP bình quân đầu người trong công trình nghiên cứu này đã được điều chỉnh theo sức mua tương đương chứ không phải là thu nhập danh nghĩa tính theo cách lấy tổng sản lượng (danh nghĩa) chia cho số dân.

Việt Nam xếp thứ 18/23 nước, về GDP bình quân đầu người, với mức sản lượng bình quân mỗi người trong một năm, tính theo sức mua tương đương, là 12.185 HK$, cao hơn Ấn Độ, Lào, Campuchia, Bangladesh và Nepal nhưng thấp hơn các nước còn lại, đặc biệt là thấp hơn mức bình quân khu vực châu Á (20.432 HK$).

Bảng 1b: So sánh chỉ số GDP bình quân đầu người khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong các nước thành viên ASEAN, chỉ có 4 nước có thu nhập đầu người cao hơn mức bình quân của khu vực châu Á là Brunei, Singapore, Malaysia và Thái Lan. Việt Nam xếp thứ 7, sau 4 nước trên và hai nước Indonesia, Philippines.  (xem bảng 1a&b) 

2. Chỉ số so sánh thứ hai - và cũng là chỉ số cốt lõi - để nhận ra độ chênh lệch về mức sống là chỉ số tiêu dùng thật sự của người dân. ADB sử dụng khái niệm Actual Final Consumption Expenditute (AFCE) để thể hiện chỉ số này (xem bảng 2).

Được coi là biện pháp đáng tin hơn cả, AFCE được xây dựng trên một khối lượng dữ kiện khổng lổ về giá cả của hàng loạt sản phẩm và dịch vụ tạo thành GDP. Ở khu vực châu Á, các nước tham gia so sánh đã gửi bảng giá của khoảng 800 sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng trong gia đình và ngoài gia đình thời điểm cuối năm 2005 đầu năm 2006 để làm cơ sở tính toán AFCE.

Với AFCE, người dân ở các nước có GDP bình quân đầu người khác nhau có thể hưởng thụ mức sống ngang nhau do sức mua của đồng tiền mỗi nơi một khác. Một lon nước ngọt Coca-Cola chẳng hạn, ở Nhật Bản có giá tương đương 3 đô la Mỹ song ở Việt Nam chỉ có giá khoảng 6.000 đồng, tương đương 0,4 đô la, bằng 1/7 so với ở Nhật. Suy rộng ra, một gia đình Việt Nam có thể có mức sống tương đương một gia đình Nhật Bản có thu nhập cao gấp 7 lần do chênh lệch về sức mua tương đương giữa hai nền kinh tế.

Một yếu tố quan trọng khác mà các phương pháp so sánh trước đây bỏ qua là sự khác nhau giữa thu nhập bình quân đầu người (danh nghĩa) và thu nhập thực tế thể hiện qua khả năng tiêu dùng của người dân. Ở các nước có nguồn tài nguyên dầu mỏ phong phú (như Brunei), nền kinh tế thiên về xuất khẩu (như Trung Quốc) hoặc thiên về dịch vụ du lịch (như Macau) thành quả kinh tế không được phân chia hết cho người dân, cho nên có sự chênh lệch lớn giữa GDP bình quân đầu người và mức sống của người dân.

Trong nghiên cứu của ADB chẳng hạn, Trung Quốc có chỉ số GDP bình quân đầu người cao gấp đôi Ấn Độ nhưng nếu tính theo khả năng tiêu dùng thật sự của người dân thì sự chênh lệch không còn xa. Người dân Trung Quốc có GDP đầu người cao vì kinh tế Trung Quốc có tổng sản lượng lớn hàng thứ ba thế giới và dựa chủ yếu vào xuất khẩu song phần mà người dân thực sự thụ hưởng thì rất nhỏ; chỉ vào khoảng 11.109 HK$ trong tổng số 23.267 HK$. Ngược lại, nền kinh tế Ấn Độ chú trọng tiêu dùng nội địa, có mức tiêu dùng thật khá cao, đạt 9.293 HK$/người/năm trong khi thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức 12.090 HK$, thấp hơn cả Việt Nam. Tính theo chỉ số AFCE, Trung Quốc xếp vị trí 16/23 nước trong khi Ấn Độ xếp thứ 18/23.

Bảng 2: So sánh mức sống giữa các nền kinh tế bằng chỉ số AFCE

Nếu lấy chỉ số AFCE bình quân toàn châu Á là 100 điểm thì Trung Quốc chỉ đạt 87 điểm, Ấn Độ 72 điểm và Việt Nam 65 điểm, xếp thứ 19/23. Lưu ý rằng AFCE không chỉ bao gồm chi tiêu mà mỗi người dân bỏ ra mà cả những khoản chi tiêu mà nhà nước “bao cấp” thông qua các hình thức trợ giá, nhất là trong y tế, giáo dục.

Chỉ số AFCE cho thấy so với người Trung Quốc, người Việt Nam “chịu chi” hơn, thu nhập chỉ bằng một nửa nhưng tiêu dùng thì đến 3/4; song so với người Ấn Độ thì người Việt tằn tiện hơn một chút. Cũng có thể có một cách giải thích khác là người Ấn và người Việt được hưởng tỷ lệ hơn người Trung Quốc trong thành quả kinh tế của đất nước.

Việt Nam không chỉ có GDP bình quân đầu người thấp mà mức sống cũng thấp; xếp thứ 19/23 về AFCE với mức chi tiêu bình quân 8.362 HK$/người/năm. Tính theo chỉ số này, người Việt chỉ khá giả hơn một chút so với người Campuchia, Lào, Bangladesh và Nepal.

Nghiên cứu chỉ số AFCE cho thấy sự bất bình đẳng rất lớn trong mức sống của các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản và Hàn Quốc). Nền kinh tế có mức tiêu thụ (hay mức sống) cao nhất ở châu Á là Hồng Kông, với chỉ số AFCE cao gấp 10 lần mức bình quân khu vực, gấp 22 lần nước Nepal cuối bảng; tiếp theo là Đài Loan và Singapore. Brunei mặc dù có GDP bình quân đầu người cao nhất nhờ xuất khẩu dầu mỏ song mức sống của người dân lại không cao như 3 lãnh thổ kể trên. Vì thế, ông Ifzal Ali, nhà kinh tế trưởng của ADB, nhận xét: “Bản nghiên cứu cho thấy những thách thức về tăng tưởng và phát triển mà các nền kinh tế trong khu vực phải đối mặt. Khu vực này còn phải đi một chặng đường dài trước khi có thể hài lòng về thành tựu kinh tế của mình.”  

3. Về phương diện hình thành tổng vốn cố định, các nhà nghiên cứu đưa ra chỉ số GFCF (Gross Fixed Capital Formation) đo lường mức đầu tư vào hạ tầng, từ đó xác định tiềm năng tăng trưởng tương lai của một nền kinh tế. GFCF theo dõi sự đầu tư vào nhà ở và các yếu tố khác như đường sá, dinh thự, cầu cống, đường sắt, mạng lưới điện, trang bị máy móc cho nền kinh tế v.v... Nghiên cứu cho thấy các nền kinh tế giàu có thì đầu tư nhiều hơn, tính theo bình quân đầu người, so với các nước nghèo.

Về phương diện này, Việt Nam có vị trí cao hơn, xếp thứ 15/23 tuy mức đầu tư tính theo đầu người của Việt Nam (3,232 HK$) vẫn còn thấp hơn mức bình quân khu vực (5.299 HK$). Nếu đặt chỉ số đầu tư GFCF bình quân của khu vực châu Á là 100 điểm thì Việt Nam chỉ đạt 61 điểm, cao hơn nhiều nước lân cận như Indonesia (60 điểm), Ấn Độ (48 điểm), Philippines (36 điểm) v.v. Dẫn đầu bảng về đầu tư tạo thành vốn cố định là Singapore với 996 điểm, cuối bảng là Campuchia với 14 điểm.

Kết quả so sánh sự hình thành vốn cố định GFCF có ý nghĩa như một lời cảnh báo cho các nước nghèo, chậm phát triển nhưng lại không quan tâm đầu tư cho tương lai. Các nước trong “tốp dưới” của ASEAN như Campuchia, Lào, Việt Nam, Indonesia, Philippines có tỷ lệ đầu tư thấp hơn nhiều so với các nước “tốp trên” như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei... cho nên khả năng tốp dưới đuổi kịp tốp trên để tiến tới một cộng đồng kinh tế ASEAN có trình độ phát triển đồng đều là rất khó xảy ra nếu không có những đột phá về chính sách.

Trong cơ cấu đầu tư chuẩn bị cho tăng trưởng kinh tế tương lai, người Việt quan tâm nhiều đến xây dựng nhà cửa (73 điểm), hơn là trang bị máy móc cho nền kinh tế (41 điểm). Điều này ngược hẳn với các nước có nền kinh tế phát triển nhưng vẫn ra sức đổi mới công nghệ để tăng sức cạnh tranh mà Singapore, Hồng Kông là điển hình. Singapore có điểm đầu tư GFCF cao nhất khu vực (996 điểm) nhưng đáng chú ý là cơ cấu đầu tư vào thiết bị của Singapore rất lớn (1.830 điểm), còn đầu tư vào xây dựng lại nhỏ (587 điểm); Hồng Kông có điểm GFCF đứng thứ ba khu vực (801 điểm) nhưng đầu tư chủ yếu vào thiết bị máy móc (1.740 điểm), rất ít đầu tư vào xây dựng (383 điểm).

Cũng có thể giải thích rằng Singapore, Hồng Kông, Macau, Đài Loan... là những vùng lãnh thổ có diện tích tự nhiên nhỏ bé, cơ sở hạ tầng đã khá hoàn chỉnh nên nhu cầu xây dựng không cao như các nước có lãnh thổ rộng lớn và hạ tầng còn bất cập. Tuy vậy, để bắt kịp các nước đi trước, các nước đang phát triển như Việt Nam không có con đường nào khác hơn là đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.  

Bảng 3: So sánh chỉ số giá cả PLI.

4. Cuối cùng là chỉ số giá cả nhằm xác định nơi nào có mức sống dễ chịu nhất, vật giá rẻ nhất. Chỉ số giá cả PLI (Price Level Index) là tỷ lệ giữa sức mua tương đương của đồng tiền so với tỷ giá hối đoái trên thị trường tài chính. Theo tỷ giá tại thời điểm nghiên cứu, một HK$ đổi được 2.039,12 đồng Việt Nam, nhưng tính theo sức mua tương đương thì một HK$ chỉ bằng 829 đồng Việt Nam.

Nếu chỉ số PLI bình quân của khu vực châu Á là 100 điểm thì Việt Nam là 73 điểm, nghĩa là giá cả bình quân ở Việt Nam chỉ bằng 3/4 mức giá bình quân của khu vực và là nơi “dễ sống” thứ hai ở châu Á, chỉ kém hơn Lào (chỉ số PLI=69).

Ngược lại đảo quốc Fiji là nơi đắt đỏ nhất (PLI=208), tiếp theo là Hồng Kông (180), Macau (162), Singapore (159) và Đài Loan (103). Với chỉ số PLI=103, Trung Quốc là nơi có mức giá cao hơn mức bình quân khu vực, ngược với Ấn Độ (PLI=82).  

Cảm nhận đầu tiên từ nghiên cứu của ADB là nước ta vẫn còn rất nghèo, sản lượng bình quân đầu người, mức sống, tỷ trọng đầu tư phát triển... đều dưới mức bình quân của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tuy vậy, điều an ủi là chỉ số giá cả còn thấp khiến cho cuộc sống không đến nỗi quá căng thẳng so với những nước khác và tỷ suất đầu tư cao hơn nhiều nước cho ta một hy vọng vào sự tăng trưởng trong tương lai.  

HUỲNH HOA (theo adb.org)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới