Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chỉ còn 15 năm để Việt Nam chuẩn bị cho thời kỳ dân số già

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Một vấn đề đang đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam là tốc độ già hóa dân số tăng nhanh trong khi nguồn lực kinh tế của đất nước hạn chế và hệ thống an sinh xã hội vẫn còn thấp.

Tại hội thảo kỹ thuật “Cuộc sống độc lập khi về già và an sinh xã hội cho người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam”, vấn đề già hóa dân số được nhắc đến như là một thách thức rất lớn không chỉ đối với cả quốc gia và cả với mỗi cá nhân.

Theo TS. Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng nhưng xu hướng già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh. Theo dự báo, thời gian “quá độ” từ già hóa dân số sang dân số già chỉ còn khoảng hơn 15 năm, tức đến năm 2036. Với tốc độ này, ước tính vào năm 2050, dân số già tại Việt Nam sẽ có 29,2 triệu người từ 60 tuổi trở lên, hoặc 21,7 triệu người từ 65 tuổi trở lên.

Các diễn giả trao đổi tại hội thảo về già hóa dân số. Ảnh: DNCC.

Vấn đề già hóa dân số được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây, nổi lên như là một thách thức lớn khi tốc độ già hóa nhanh trong khi nguồn lực của đất nước hạn chế và hệ thống an sinh xã hội vẫn còn thấp. Ước tính chỉ mới có 33,2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, khoảng 45,5% người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng hoặc trợ cấp xã hội hằng tháng.

Báo cáo kết quả nghiên cứu “Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già” được  PGS.TS. Giang Thanh Long, Đại học Kinh tế quốc dân, trình bày tại hội thảo cho thấy lát cắt khác về nhóm tuổi 30-44. Đây được cho là nhóm tuổi quan trọng vì đang tăng về số lượng và tỷ lệ trong tổng dân số, đồng thời cũng là nhóm dân số có thu nhập bình quân đầu người cao nhất và chuẩn bị “về già” trong khoảng thời gian “quá độ” sắp tới.

Khảo sát cho thấy có 28,23% người được hỏi dự định sẽ nghỉ hưu đúng tuổi quy định, 17% sẽ nghỉ hưu trước tuổi hoặc sau tuổi quy định và 38,93% dự kiến nghỉ hưu ở độ tuổi từ 55 đến dưới tuổi quy định. Đáng chú ý là có hơn một nửa số người ở thành thị có dự định nghỉ hưu sớm ở độ tuổi 45-55 tuổi. Những mối quan tâm khi nghỉ hưu là sức khỏe (lựa chọn hàng đầu với 81,5%), tiếp theo là tài chính (12,8%) và sự tham gia các hoạt động xã hội (5,8%).

Tuy nghỉ hưu sớm hơn quy định nhưng mức độ sẵn sàng cho cuộc sống khi về già theo các khía cạnh tài chính, sức khỏe và sự tham gia các hoạt động xã hội là chưa cao, theo đánh giá của nhóm nghiên cứu. Chỉ có 28,4% người tham gia khảo sát cho biết có lên kế hoạch để sống độc lập khi về già.

Bên cạnh đó, khảo sát này cũng cho biết có khoảng 37,42% đối tượng nghiên cứu trong khảo sát hiện có đang tham gia BHXH. Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện ở khu vực nông thôn cao gần gấp đôi so với khu vực thành thị.

Theo ông Long, các lý do phổ biến là vì người lao động không đủ khả năng đóng góp, không biết về BHXH Việt Nam, không quan tâm đến BHXH hoặc vì làm tự do nên không tham gia.

Bà Trần Bích Thủy, Giám đốc quốc gia - Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi quốc tế tại Việt Nam (Helpage International), đánh giá kết quả báo cáo này cho thấy đây là thời điểm mà Việt Nam cần phải chuẩn bị và hành động nhiều hơn cho xã hội “đang già” cả về khía cạnh xã hội lẫn cá nhân, giữa hai lựa chọn trong tương lai là "già có thành tựu" hay "gánh nặng kinh tế".

Tại hội thảo, các diễn giả cũng nêu lên những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt, từ vấn đề chính sách cho người cao tuổi, chế độ an sinh xã hội cho người lao động và người nghỉ hưu, nhận thức của người dân, dịch vụ y tế, đảm bảo an ninh thu nhập,...

Ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, cho biết trong những năm gần đây, nhà nước ban hành nhiều chính sách liên quan, cải thiện cuộc sống của người cao tuổi nhưng chưa có chính sách cụ thể để triển khai. Do đó, vấn đề việc làm cho người cao tuổi vẫn đang còn bỏ ngỏ, lãng phí lớn nguồn lực.

Hiện Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ cũng như xây dựng các chương trình và đề án liên quan nhằm thích ứng với giá hóa dân số. Các chuyên gia cũng cho biết hiện chính phủ đang trong quá trình sửa đổi Luật Dân số, Luật Việc làm, Luật BHXH...

1 BÌNH LUẬN

  1. “Chưa giàu đã già” là chắc rồi. Nhưng hiện thực bây giờ vẫn đang là “Đến già vẫn mãi khổ”. Một chiến lược an sinh xã hội tốt thì mới tạo lập nền tảng phát triển lâu bền cho đất nước. Kính lão đắc thọ, chưa bao giờ sai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới