(KTSG Online) - Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang được phân chia thành 3 gói thầu, trong đó hai gói thầu xây lắp thi công toàn tuyến và tư vấn giám sát được áp dụng theo hình thức chỉ định thầu. Các gói thầu được triển khai trong quí 4-2022, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.
- Đề nghị gia hạn hoàn thành toàn bộ cao tốc Cam Lộ – La Sơn đến quí 1-2023
- Đề xuất bố trí hơn 7.000 tỉ đồng vốn nước ngoài cho cao tốc Hà Nội – Hải Phòng
Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành quyết định hôm 7-11 phê duyệt bổ sung kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang được phân chia thành 3 gói thầu. Trong đó, đáng chú ý nhất là gói thầu xây lắp thi công xây dựng toàn tuyến (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) tới tổng giá trị 7.966 tỉ đồng. Phương thức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu này được áp dụng theo hình thức chỉ định thầu, thời gian thực hiện trong 1.020 ngày.
Hai gói thầu còn lại gồm gói tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình, giá trị 37 tỉ đồng, được áp dụng theo hình thức chỉ định thầu; bảo hiểm công trình xây lắp, giá trị 31 tỉ đồng, lựa chọn nhà thầu theo hình thức đầu thầu rộng rãi trong nước qua mạng.
Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau (thường hay gọi là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài hơn 37 km, có điểm đầu giao với tuyến nối đường Nam Sông Hậu - QL 1 (thuộc quận Cái Răng, TP Cần Thơ), điểm cuối giao với điểm đầu dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau (thuộc huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang). Tổng mức đầu tư hơn 10.370 tỉ đồng.
Dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài hơn 73 km, điểm đầu kết nối vào điểm cuối dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, điểm cuối giao với đường hành lang ven biển phía Nam (thuộc huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau). Tổng mức đầu tư cho công trình là hơn 17.150 tỉ đồng.
Các dự án được Bộ Giao thông Vận tải giao cho Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư. Riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tách thành các tiểu dự án, do UBND TP Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau tổ chức thực hiện.
Theo Bộ Giao thông Vận tải