Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chi ngân sách phục hồi kinh tế sao cho hiệu quả?

TS. Võ Đình Trí

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Quy mô các gói hỗ trợ kinh tế sắp tới của Việt Nam được dự báo là lớn nhưng cho đến nay vẫn chưa biết là bao nhiêu. Tuy vậy, kinh nghiệm của một số nền kinh tế đã chuyển sang giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19 cho thấy không chỉ liều lượng quan trọng mà chất lượng của từng chính sách cụ thể cũng quan trọng không kém. Bởi vì, hiệu ứng số nhân (multiplier) của từng chính sách cụ thể là khác nhau và việc tái phân bổ lại nguồn lực có ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng.

Cần nhiều và lấy từ đâu?

Để phục hồi kinh tế, trụ cột chính là chính sách tài khóa và trong đó là chi tiêu của Chính phủ. Và để ước tính ra được một con số tương đối về lượng vốn cần thiết hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và người dân, chúng ta cần biết được đặc trưng của nền kinh tế thông qua hàm sản xuất (producion function) cũng như mối tương quan giữa chi tiêu, đầu tư, xuất-nhập khẩu với GDP.

Đã có một số ước tính cho rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 là 3%, thì nhu cầu vốn gia tăng của năm là khoảng 36 tỉ đô la Mỹ. Từ đây, dựa vào số vốn đã dùng, và khả năng mà khu vực doanh nghiệp có thể bỏ ra để tính phần còn lại là chi tiêu của Chính phủ. Ví dụ số vốn đã tăng cho đến cuối quí 3 là 30 tỉ đô la Mỹ và doanh nghiệp không có khả năng bỏ thêm vốn thì Chính phủ chi 6 tỉ đô la Mỹ cho nền kinh tế trong thời gian còn lại.

Với việc vaccine được triển khai rộng, các hoạt động kinh tế dần nối lại thì rất hy vọng sang năm 2022, kinh tế Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi. Lúc này, chi tiêu của Chính phủ cũng là quan trọng trong việc tạo động lực cho doanh nghiệp lấy đà tăng trưởng trở lại. Mà muốn vậy, chi tiêu này phải hướng vào cả doanh nghiệp và người dân.

Tình hình chung của kinh tế thế giới là để chống chọi với dịch bệnh và hỗ trợ nền kinh tế, nợ công của các chính phủ đều tăng cao đột biến. Trong trường hợp của Việt Nam, dư địa của nợ công vẫn còn ở mức khoảng 10-15% GDP nên hoàn toàn có thể sử dụng. Với GDP đã được tính lại của năm 2020 là 425 tỉ đô la Mỹ, thì 10% cũng là một con số đáng kể 42,5 tỉ đô la Mỹ. Và nguồn vay dĩ nhiên chủ yếu vẫn là trái phiếu, công trái nhưng có thể tính đến phương án vay trên thị trường quốc tế, hoặc phát hành dưới dạng ngoại tệ trong nước.

Chất lượng chi ngân sách

Trong giai đoạn kinh tế phục hồi, bởi vì mỗi chính sách có hiệu ứng số nhân khác nhau nên việc tái phân bổ nguồn lực, cần ưu tiên cho những ngành có đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng. Kinh nghiệm ở một số nước châu Âu cho thấy chi ngân sách để hỗ trợ lương, bảo lãnh vay sẽ ít phát huy tác dụng hơn khi kinh tế đã chuyển qua giai đoạn phục hồi.

Thay vào đó, đầu tư công và hỗ trợ cho các doanh nghiệp đã trụ được nhưng vẫn có rủi ro mất thanh khoản do hiệu ứng domino là những chính sách cần ưu tiên vì đóng góp nhiều vào tăng trưởng. Riêng về đầu tư công, nhiều nước đã tranh thủ cơ hội này để đầu tư vào những ngành/lĩnh vực có triển vọng như chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, nền kinh tế số hóa.

Mức độ tiết kiệm của người dân ở Việt Nam khá cao và một lượng vốn lớn vẫn chưa đưa vào lưu thông trong nền kinh tế. Để khơi thông dòng vốn này, cần phát triển thêm các thị trường, các kênh truyền dẫn vốn mới.

Việc tái phân bổ lại nguồn lực, ưu tiên cho những ngành có đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng trong giai đoạn phục hồi cũng có nhiều thách thức vì đòi hỏi quá trình này phải minh bạch, dựa trên các luận cứ rõ ràng, vì nếu không rất dễ xảy ra lợi ích nhóm.

Ngoài ra, chất lượng chi ngân sách còn bị quan ngại nhiều ở khía cạnh thất thoát, tham nhũng. Ngay cả ở những nước phát triển, sau các gói chi ngân sách khổng lồ để hỗ trợ nền kinh tế trong lúc đại dịch, khi nền kinh tế bắt đầu chuyển sang giai đoạn phục hồi, việc hậu kiểm các khoản hỗ trợ cũng bắt đầu dưới áp lực của những người đóng thuế.

Nhưng hiệu quả của chi ngân sách cũng là kết quả của nhiều yếu tố khác. Bên cạnh quy mô chi ngân sách, đúng đối tượng có nhiều đóng góp cho tăng trưởng thì vấn đề kịp thời cũng là một biến số quan trọng. Đầu tư công là quan trọng trong việc phục hồi nền kinh tế nhưng nếu tiến độ giải ngân bị chậm thì cơ hội phục hồi hoặc hiệu quả của một đồng vốn chi ra sẽ bị giảm.

Cần có sự cộng hưởng

Trong giai đoạn kinh tế hồi phục, đầu tư công được coi là một chính sách tài khóa mang lại hiệu quả cao nhất cho tăng trưởng. Tuy vậy, nguồn chi của Chính phủ sẽ phát huy được hiệu quả khi có sự cộng hưởng từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài. Một trong các mô hình được sử dụng nhiều là đối ứng đầu tư, ví dụ Chính phủ bỏ ra một đồng thì tư nhân bỏ ra hai đồng, và lợi ích nghiêng về phía tư nhân để họ có động lực bỏ vốn ra đầu tư.

Không như nhiều nền kinh tế khác, mức độ tiết kiệm của người dân ở Việt Nam khá cao và một lượng vốn lớn vẫn chưa đưa vào lưu thông trong nền kinh tế. Do đó, để khơi thông dòng vốn này, cần phát triển thêm các thị trường, các kênh truyền dẫn vốn mới. Lấy ví dụ như việc phát triển thị trường vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) thông qua một chỉ số chứng khoán dành cho nhóm doanh nghiệp này, có những ưu đãi về thuế đối với nhà đầu tư, thì sẽ có một lượng vốn đổ vào cho nhóm doanh nghiệp này.

Hay như phát triển các kênh cung cấp vốn cho doanh nghiệp thông qua dịch vụ bao thanh toán (factoring), cho thuê tài chính (leasing) vì những kênh này đã có nhưng chưa thực sự phát huy vai trò của mình. Việc phát triển mạnh hơn các hình thức quỹ đầu tư, quỹ tín thác cũng là những kênh thu hút vốn từ dân chúng hay các nhà đầu tư nước ngoài.

Như vậy, về dư địa tài khóa và các nguồn lực khác hoàn toàn có thể đủ để đáp ứng cho tiến trình phục hồi của nền kinh tế. Vấn đề khó với Việt Nam là xác định được những lĩnh vực, những doanh nghiệp có đóng góp nhiều vào tăng trưởng lúc này. Bên cạnh đó là việc triển khai các chính sách kịp thời, tránh thất thoát. Mà muốn vậy, việc cải cách thể chế kinh tế để sự tương tác với chính sách tài khóa được hài hòa, nhịp nhàng là không thể xem nhẹ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới