Thứ Tư, 21/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Chi phí bồi thường tăng làm suy giảm lợi nhuận ngành bảo hiểm

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chi phí bồi thường bảo hiểm nhân thọ quý 3-2022 gia tăng so với cùng kỳ năm trước khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm giảm sút.

Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) ghi nhận doanh thu gần 980 tỉ đồng trong quý 3-2022, giảm 12% so với cùng kỳ 2021. Còn chi bồi thường ở mức 770 tỉ đồng, tăng hơn 100%. Sau ghi ghi nhận thêm hoa hồng và các khoản khác, tổng chi phí kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp đạt khoảng 1.150 tỉ đồng.

Chi phí cao hơn doanh thu khiến lợi nhuận gộp của PTI âm gần 170 tỉ đồng. Việc này cũng khiến doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 3 âm hơn 167 tỉ đồng.

Đây là quý thứ hai liên tiếp doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận âm. Trước đó, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm gần 223 tỉ đồng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần kinh doanh bảo hiểm hơn 3.831 tỉ đồng, tăng 8%. Doanh thu kinh doanh bất động sản là 7,4 tỉ đồng, giảm 77%. Doanh thu hoạt động tài chính là 115 tỉ đồng, giảm 21%.

Ngược lại, phí kinh doanh bảo hiểm đạt 4.091 tỉ đồng, tăng 25%. Chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí khác lần lượt đạt 183 tỉ đồng và 599 tỉ đồng, lần lượt tăng 22% và 68%.

Kết quả, PTI ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm hơn 347,8 tỉ đồng và là doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết có mức lỗ cao nhất.

Lý giải kết quả, lãnh đạo PTI cho biết việc phát sinh chi phí liên quan đến chương trình bảo hiểm “Vững Tâm an” với số tiền 327,3 tỉ đồng. Ngoài ra, số chi trả bồi thường tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2022, với mức 377,4 tỉ đồng – tăng 31% so với cùng giai đoạn năm 2021, cũng gây ảnh hưởng xấu tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chịu ảnh hưởng từ diễn biến tiêu cực trên thị trường chứng khoán và xu hướng gia tăng phí bồi thường bảo hiểm. Ảnh minh hoạ: DNCC.

Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (AIC) ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 3-2022 âm hơn 25 tỉ đồng trong bối cảnh lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm và đầu tư tài chính giảm mạnh, còn chi phí bồi thường bảo hiểm tăng đột biến.

Cụ thể, lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm của AIC chỉ ở mức 13,3 tỉ đồng trong quý 3-2022, giảm 74%. Còn lợi nhuận từ hoạt động tài chính là gần 6 tỉ đồng, giảm 72% do không còn được hoàn nhập chi phí đầu tư tài chính như cùng kỳ năm trước.

Ngược lại, chi phí bồi thường bảo hiểm ở mức 157 tỉ đồng, tăng 130%. Chi phí khác ở mức 304 tỉ đồng, tăng 54%. Chi phí dự phòng cũng ở mức 4,5 tỉ đồng, tăng 72%.

Với bối cảnh trên, AIC ghi nhận lợi nhuận quý 3-2022 âm hơn 25 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước ghi dương gần 10 tỉ đồng.

Lý giải nguyên nhân, lãnh đạo AIC cho biết trong tỷ lệ bồi thường của nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới quý 3-2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cùng kỳ năm trước, cả nước áp dụng các biện pháp giãn cách và phòng, chống dịch Covid-19 nên hoạt động đi lại và dịch vụ vận chuyển bị hạn chế giúp tỷ lệ bồi thường duy trì ở mức thấp.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán quý 3-2022 diễn biến không thuận lợi nên phần trích lập dự phòng tổn thất đầu tư chứng khoán tăng khiến lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm sâu.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận gộp từ kinh doanh bảo hiểm của AIC là gần 95 tỉ đồng, giảm 21%. Điều này khiến dẫn đến lợi nhuận ròng chỉ hơn 9 tỉ đồng – giảm 27%, dù lợi nhuận từ hoạt động tài chính đạt hơn 108 tỉ đồng – tăng 80%.

Không ghi nhận kết quả thua lỗ, nhưng lợi nhuận quý 3-2022 của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) tiếp tục giảm sút do lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm và chi phí quản lý tăng mạnh.

Cụ thể, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của BIC là gần 691 tỷ đồng, tăng 43% do doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng 33% và chi phí nhượng tái bảo hiểm giảm 5%. Tuy nhiên, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp lên tới 529 tỉ đồng, tăng 69% do tổng chi phí bồi thường tăng 99%, chi phí khác tăng 55%, dự phòng dao động lớn đều tăng 43%.

Điều này khiến lợi nhuận gộp của BIC chỉ đạt mức 161 tỷ đồng, giảm 5%.

Cũng trong quý 3-2022, BIC ghi nhận khoản lợi nhuận hơn 71 tỉ đồng từ hoạt động đầu tư tài chính, tăng 4%. Còn chi phí quản lý doanh nghiệp là gần 156 tỉ đồng, tăng 57%.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý 3 của doanh nghiệp chỉ còn gần 57 tỉ đồng, giảm 47%.

Cũng trong quý 3-2022, có hai doanh nghiệp bảo hiểm vẫn ghi nhận lợi nhuận trên 100 tỉ đồng là Tập đoàn Bảo Việt với hơn 408 tỉ đồng và Công ty cổ phần PVI với gần 275 tỉ đồng, lần lượt giảm 14% và 20%.

Với Bảo Việt, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm gốc hơn 10.748 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Phí nhượng tái bảo hiểm là gần 762 tỷ đồng, giảm 10%. Điều này giúp doanh thu phí bảo hiểm thuần tăng 13% so với cùng kỳ, đạt gần 9.899 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tiếp tục là gánh nặng với hơn 10.030 tỷ đồng, tăng 15% – cao hơn mức tăng của doanh thu phí bảo hiểm thuần khiến lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm chỉ còn hơn 18 tỉ đồng, giảm 93%.

Nhờ ghi nhận hơn 2.041 tỉ đồng lợi nhuận gộp từ hoạt động tài chính trong quý 3 nên lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Khác với các doanh nghiệp trên, có 3 doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng so với cùng kỳ là Bảo Minh (BMI), Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Bảo hiểm Bảo Long (BLI) với mức tăng lần lượt là 38%, 54% và 8%.

Yếu tố chính giúp lợi nhuận quý 3-2022 của MIC tăng mạnh là doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 59,32% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó tổng chi phí tăng thấp hơn.

Với BMI, khoản cổ tức nhận được từ Công ty Bảo hiểm Liên Hiệp giúp lợi nhuận quý 3 của doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng.

Thực tế, việc lợi nhuận quý của phần lớn doanh nghiệp bảo hiểm giảm sút so với cùng kỳ đã được các đơn vị phân tích dự báo từ trước.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo tỷ lệ bồi thường bảo hiểm sẽ tăng từ mức nền thấp. Theo đó, năm 2021 là giai đoạn thuận lợi với ngành bảo hiểm khi tỷ lệ bồi thường chỉ ở mức 43,8%, giảm 13,6% và là mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Với năm 2022, BVSC cho rằng các điều kiện thuận lợi không còn nên tỷ lệ bồi thường trong năm sẽ tăng trở lại, về mức trung bình là 53% – tăng 9,2%.

Công ty Chứng khoán SSI cũng dự báo lợi nhuận của hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm sẽ suy giảm ngay từ quý 2-2022 do tỷ lệ bồi thường tại các công ty bảo hiểm sẽ quay lại mức bình thường và lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu sẽ không còn thuận lợi như 2021.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới