Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chi phí đắt đỏ khiến chuyển đổi xanh bế tắc

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nhà đầu tư và người tiêu dùng đang phản đối chi phí đắt đỏ để thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo. Điều này cho thấy bài toán kinh tế khó khăn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Nhà máy lắp ráp xe bán tải điện F-150 Lightning của hãng Ford ở bang Michigan, Mỹ. Gần đây, Ford giảm công suất của nhà máy này do nhu cầu suy yếu. Ảnh: CNBC

Hiện thực không như kỳ vọng

Trong vài năm qua, Washington và Phố Wall mơ tưởng rằng nỗ lực đưa phát thải carbon ròng về zero (Net Zero) có thể là một cơ hội kinh tế.

“Khi tôi nghĩ đến biến đổi khí hậu, tôi nghĩ đến việc làm”, Tổng thống Joe Biden nói trong một bài phát biểu hồi tháng 7 năm ngoái.

Khi các nhà đầu tư ở Phố Wall nghe đến năng lượng xanh, họ nhìn thấy lợi nhuận. Khi Ford Motor tung ra phiên bản chạy điện của mẫu xe thể thao Mustang và mẫu xe bán tải F-150 Lightning, giá trị thị trường của hãng lần đầu tiên cán mức 100 tỉ đô la Mỹ.

Năm nay, sự mơ tưởng đó đã kết thúc. Với nhu cầu xe điện tăng trưởng không như mong đợi, các hãng xe hàng đầu của Mỹ đang thu hẹp các tham vọng sản xuất điện. Nhiều nhà phát triển điện gió ngoài khơi đã hủy bỏ các dự án. Chỉ số theo dõi cổ phiếu năng lượng sạch toàn cầu của S&P giảm 30% trong năm nay. Vốn hóa thị trường của Ford giảm xuống còn 42 tỉ đô la.

Điều này không có nghĩa là quá trình hướng tới mục tiêu Net Zero đã kết thúc. Trong tuần này, hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc, diễn ra ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) với trọng tâm là tìm các giải pháp chống biến đổi khí hậu. Trong khi đó, công suất lượng tái tạo tiếp tục mở rộng ở nhiều nước. Xét về dài hạn, kinh tế toàn cầu toàn sẽ được hưởng lợi khi nhiệt độ trái đất bớt nóng hơn.

Nhưng về cơ bản, bài toàn kinh tế của chiến lược Net Zero vẫn còn mù mịt. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ trả tiền cho mục tiêu đó? Và trong năm nay, giới đầu tư cũng như người tiêu dùng đã quyết định rằng bên chi trả không phải là họ.

Không phải tất cả mọi khoản đầu tư đều tốt cho tăng trưởng. Chuyển đổi công nghệ tạo ra những cú sốc cung tích cực. Khi một công nghệ mới, hiệu quả hơn xuất hiện, dòng tiền đầu tư tất yếu sẽ hướng về công nghệ mới này vì nó mang lại lợi nhuận.

Ngược lại, quá trình chuyển đổi xanh được thúc đẩy bởi chính sách công. Trong một báo cáo nghiên cứu hồi năm ngoái, Pisani-Ferry, nhà kinh tế học người Pháp, lưu ý quá trình chuyển đổi xanh liên quan các khoản đầu tư vốn khổng lồ ngày nay để thay thế mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trong tương lai. Những khoản đầu tư này thúc đẩy nhu cầu các sản phẩm xanh, nhưng gây tốn kém cho các hộ các gia đình nếu họ không được chính phủ hỗ trợ. Pisani-Ferry ước tính, nếu mua một chiếc xe điện,  một gia đình trung lưu ở Pháp sẽ chi tới120% thu nhập khả dụng hàng năm. Và nếu thuế tăng với người dân để trả cho những khoản đầu tư đó, các gia đình sẽ trở nên tồi tệ hơn về mặt tài chính.

“Sẽ là mù quáng đáng kinh ngạc nếu không nhận ra rằng biến đổi khí hậu đang diễn ra, và sẽ ngày càng trở nên gây thiệt hại nghiêm trọng. Và sẽ vô cùng khinh suất khi cho rằng hành động khẩn cấp để bảo vệ khí hậu sẽ không gây kém kinh tế cho đến năm 2030”, Pisani-Ferry viết.

Đánh thuế carbon hay trợ cấp ?

Cách hiệu quả nhất để chuyển hướng tiêu dùng và đầu tư từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch là đánh thuế thuế carbon bằng hệ thống giao dịch khí thải. Châu Âu đã áp dụng một hệ thống như vậy cùng với các mục tiêu nghiêm ngặt hơn bao giờ hết, đặc biệt là sau khi Nga bóp nghẹt nguồn cung khí đốt sang khu vực này sau cuộc xung đột với Ukraine. Nhưng khi chi phí tăng lên, công chúng đã bày tỏ bất mãn, thể hiện qua cuộc biểu tình “áo vàng” ở Pháp năm 2018 nhằm phản đối kế hoạch tăng thuế xăng dầu hay việc đảng Tự do cực hữu, vốn muốn loại bỏ mọi quy định về khí hậu, giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ở Hà Lan vào tuần trước.

Các nhà lãnh đạo Mỹ không áp đặt bất kỳ khoản thuế hoặc phí liên bang nào đối với carbon. Giải pháp của Tổng thống Joe Biden là không yêu cầu người tiêu dùng trả tiền cho quá trình chuyển đổi xanh, thay vào đó, sử dụng ngân sách để khuyến khích đầu tư.Theo một số ước tính, Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ sẽ rót khoảng 1 nghìn tỉ đô la trợ cấp và ưu đãi vào xe điện, năng lượng tái tạo, và các công nghệ không phát thải khác.

Trợ cấp có thể đóng một vai trò quan trọng bằng cách cho phép năng lượng xanh có thời gian để mở rộng quy mô và đổi mới cho đến khi có thể cạnh tranh với nhiên liệu hóa thạch. Nhưng IRA bị suy yếu do đặt ra các điều kiện trợ cấp đòi hỏi sản phẩm xanh phải được xuất tại Mỹ và chính IRA thúc đẩy nhu cầu, dẫn đến lạm phát công nghệ xanh.

Chương trình đầu tư xanh của ông Biden được thiết kế vào thời kỳ trước đại dịch Covid-19 khi lãi suất thấp. Theo ngân hàng đầu tư Lazard, trong nhiều năm, chi phí đầu tư năng lượng gió và mặt trời giảm mạnh, nhưng bắt đầu tăng mạnh kể từ năm 2021. Lãi suất tăng đã ảnh hưởng đến các dự án điện gió và năng lượng mặt trời ngoài khơi.

Nhiều nhà phát triển điện gió không còn khả năng cung cấp điện một cách kinh tế theo mức giá đã thỏa thuận trước đó. Orsted (Đan Mạch), nhà phát triển năng lượng gió lớn nhất thế giới, chấp nhận tổn thất 4 tỉ đô la vào đầu tháng 11 để rút khỏi hai dự án điện gió ở ngoài khơi của bang New Jersey (Mỹ). Vốn hóa của công ty này hiện thấp hơn 75% so với đầu năm 2021.

Công ty nghiên cứu ClearView Energy Partners ước tính, khoảng 30% công suất gió ngoài khơi đã ký kết hợp đồng cung cấp điện với các bang ở Mỹ bị hủy bỏ và 25% công suất khác có thể phải đấu thầu lại.

Nhà phân tích Timothy Fox của ClearView lưu ý rằng, khi ký hợp đồng mua năng lượng sạch, các cơ quan quản lý dịch vụ công phải cân nhắc chi phí tiền điện của người tiêu dùng.

Sức hấp dẫn của đầu tư xe điện đang giảm

Sức hấp dẫn tài chính của xe điện cũng đang giảm dần. Tesla đã chứng minh rằng sản xuất xe điện có thể mang lại lợi nhuận, nhưng cho đến nay Tesla có vẻ như là một ngoại lệ. Tesla đã chiếm được phần lớn nhu cầu của những đón nhận sớm xe điện. Đây là nhóm người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận các vấn đề về chi phí và sạc pin của xe điện để bảo vệ môi trường. Đối với hầu hết tài xế, sự đánh đổi vẫn này vẫn không hiệu quả kinh tế ngay cả khi có trợ cấp.

IRA đã thúc đẩy sự bùng nổ của các nhà máy sản xuất xe điện và pin. Nhưng để quá trình chuyển đổi xanh thành công đòi hỏi các nhà máy đó phải có lãi và các nhà sản xuất ở thủ phủ xe hơi Detroit của Mỹ vẫn đang thua lỗ trên mỗi chiếc xe điện mà họ bán ra.

Xe điện cuối cùng sẽ cần ít lao động hơn và do đó chi phí chế tạo sẽ rẻ hơn so với xe chạy xăng. Nhưng cũng như người tiêu dùng và nhà đầu tư, công nhân ô tô không sẵn sàng chi trả cho quá trình chuyển đổi xanh. Trong cuộc đình công gần đây, công đoàn ngành ô tô Mỹ United Auto Workers yêu cầu hãng xe Ford, General Motors và Stellantis (công ty mẹ của hãng Chrysler) tăng lương ít nhất 25% trong 4 năm tới. Điều này càng khiến các hãng này khó kiếm tiền từ xe điện.

Trong một báo cáo trong tuần này, các nhà phân tích ô tô của ngân hàng Morgan Stanley ước tính, trung bình một công ty phi tài chính trong chỉ số S&P 500 (theo dõi cổ phiếu 500 lớn của Mỹ) đầu tư cũng như nghiên cứu và phát triển với số tiền tương đương vốn hóa của họ trong khoảng thời gian 50 năm. General Motors và Ford chi tiêu vốn hóa của họ lần lượt trong vòng 1,9 và 2,6 năm. Theo các nhà phân tích, mức đầu tư quá lớn trong thời gian ngắn như vậy là không bền vững.

Quá trình chuyển đổi xanh vẫn rất quan trọng, nhưng con đường của phía trước sẽ đầy chông gai cho đến khi có ai đó đồng ý trả tiền cho nỗ lực này.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới