(KTSG Online) - Khảo sát mới đây cho biết chi phí đầu vào tăng nhanh nhất trong gần 11 năm qua, đi cùng đó là chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất trong tháng 3 giảm vì đại dịch Covid-19 và chiến tranh tại Ukraine.
Theo báo cáo chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global công bố ngày 1-4, tốc độ tăng chi phí đầu vào đã nhanh hơn và đạt mức tăng nhanh nhất trong gần 11 năm.
Theo đó, có hơn nửa số người trả lời khảo sát cho biết giá cả đầu vào của họ đã tăng so với tháng trước, và nguyên nhân được nhắc tới là chi phí dầu và khí đốt tăng. Giá nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển tăng cũng được nhắc đến.
Chi phí đầu vào tăng được cho là vì cuộc chiến tại Ukraine. "Ảnh hưởng dễ nhận thấy nhất cho các công ty Việt Nam trong tháng 3 là về giá cả. Chi phí đầu vào đã tăng mạnh nhất trong gần 11 năm khi chi phí mua dầu và khí đốt tăng sau khi chiến tranh nổ ra. Điều này đã làm tiêu tan hy vọng rằng áp lực lạm phát có thể dịu đi trong những tháng tới”, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global, bình luận.
Một yếu tố ảnh hưởng đến chi phí còn vì thời gian giao hàng của nhà cung cấp trong tháng 3 bị kéo dài, với mức độ cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Các yếu tố ảnh hưởng bao gồm đại dịch Covid-19, sự thiếu hụt lao động và những hạn chế tại biên giới với Trung Quốc, chiến tranh ở Ukraine.
Điều đáng chú ý là để bù đắp, các nhà sản xuất đã tăng nhanh hơn giá bán hàng. Trên thực tế, tốc độ tăng giá là nhanh nhất kể từ tháng 11 năm ngoái khi mức cao của mười năm rưỡi được ghi nhận.
Báo cáo cũng cho biết chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã giảm từ 54,3 điểm của tháng 2 còn 51,7 điểm trong tháng 3. Mặc dù nhìn chung các điều kiện kinh doanh đang tốt lên, mức độ cải thiện kỳ này là ít đáng kể nhất trong thời kỳ tăng trưởng kéo dài sáu tháng gần đây, báo cáo này bình luận.
Ngoài ra, dịch bệnh bùng phát được đánh giá là đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới lĩnh vực sản xuất, đẩy sản lượng lùi trở lại vùng suy giảm. Điều này chủ yếu là do tình trạng thiếu hụt lao động, khi có nhiều công nhân nghỉ làm vì nhiễm bệnh khiến các nhà máy không thể duy trì khối lượng sản xuất.
Số lượng việc làm giảm lần đầu tiên trong bốn tháng, trong khi sản lượng đã giảm lần đầu tiên trong sáu tháng. Áp lực lạm phát cũng đã góp phần làm giảm sản lượng, nhưng tuy nhiên mức giảm chỉ là nhẹ khi một số công ty đã tăng sản lượng tương ứng với mức tăng của số lượng đơn đặt hàng mới.
Những lo lắng về áp lực lạm phát đã làm giảm kỳ vọng về tương lai, cũng như niềm tin kinh doanh đã giảm thành mức thấp nhất trong sáu tháng. Tuy nhiên, các công ty vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới dựa trên hy vọng rằng đại dịch sẽ suy yếu và số lượng đơn đặt hàng mới sẽ tăng.