(KTSG Online) - Giá pin lithium-ion sử dụng ở xe điện được dự báo sẽ tăng trong năm 2022 sau một thập niên giảm mạnh do nguồn cung nguyên liệu thô sản xuất pin bao gồm lithium không theo kịp với nhu cầu đang tăng bùng nổ trong bối cảnh các hãng xe tăng tốc chuyển đổi sang xe điện.
Giá lithium tăng 5 lần chỉ trong một năm
Trong khi các công ty khai khoáng trên toàn cầu chạy đụa tăng sản lượng các nguyên liệu khai thác các mỏ hiện có và phát triển các nguồn cung cấp mới, giá lithium cacbonat kết thúc năm 2021 ở mức cao kỷ lục. Tại Trung Quốc, nước sản xuất pin lớn nhất, giá lithium cacbonat đạt mức 261.500 nhân dân tệ (hơn 41.000 đô la)/tấn vào cuối năm ngoái, cao hơn 5 lần so với đầu năm.
Các nguyên liệu khác được sử dụng trong cực âm, bộ phận đắt tiền nhất của pin xe điện cũng đang tăng. Giá cobalt đã tăng gấp đôi kể từ tháng 1 năm ngoái lên mức 70.208 đô la/tấn, trong khi đó, giá nickel tăng 15%. lên mức 20.045 đô la/tấn.
Đà tăng giá đó đang làm xói mòn những thành tựu về công nghệ và hiệu quả của pin xe điện trong những năm gần đây khi các hãng xe và nhà sản xuất pin đã hợp tác chặt chẽ để để phát triển pin hiệu suất cao, tuổi thọ cao trong khi cố gắng giảm chi phí. Các nguyên liệu pin đắt đỏ hơn cũng đe dọa cản trở các kế hoạch chuyển đổi sang xe điện đầy tham vọng của ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu.
Theo Công ty tài chính năng lượng mới Bloomberg (Bloomberg NEF), doanh số bán xe điện toàn cầu ước tính đạt 5,6 triệu xe trong năm 2021, tăng mạnh so với 3,1 triệu xe vào năm 2020, nhờ doanh số bán hàng tăng nhanh ở Trung Quốc. Tăng trưởng nhu cầu hơn nữa vào năm 2022 sẽ khiến nguồn cung lithium thiếu hụt trong năm nay do nhu cầu sử dụng nguyên liệu này vượt quá năng lực sản xuất và làm cạn kiệt các kho dự trữ lithium, theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Market Intelligence hồi tháng 12.
Báo cáo cho biết, nguồn cung lithium cacbonat được dự báo sẽ tăng lên 636.000 tấn trong năm nay, tăng từ mức ước tính 497.000 tấn vào năm 2021 Nhưng nhu cầu sẽ tăng cao hơn nữa, lên mức 641.000 tấn, từ mức ước tính 504.000 tấn trong năm ngoái.
Gavin Montgomery, Giám đốc bộ phận nghiên cứu nguyên liệu sản xuất pin tại Công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, nhận định giá lithium khó có thể giảm như trong các chu kỳ trước. Ông nói: “Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới về giá lithium trong vài năm tới vì sự tăng trưởng nhu cầu sẽ rất mạnh mẽ”.
Trong ngắn hạn, nguồn cung lithium sẽ bị hạn chế. Các công ty khai khoáng ở Úc đã đóng cửa các mỏ khai thác lithium trong năm 2020 vì giá bán thấp. Khi đại dịch Covid-19 kéo dài, các công ty này gặp khó khăn trong việc bố trí lại công nhân và đưa hoạt động sản xuất trở lại mức trước đại dịch.
Trong khi đó, hoạt động của các công ty chế biến quặng lithium của Trung Quốc bị kìm hãm bởi các quy định hạn chế sử dụng điện được đưa ra đột ngột vào mùa thu năm ngoái. Mặc dù các hạn chế này đã được nới lỏng, họ dường như vẫn đang gặp khó khăn để bắt kịp nhu cầu.
Đối với cobalt, tình trạng gián đoạn vận chuyển do đại dịch và việc đóng cửa biên giới ở châu Phi là nguyên nhân khiến giá nguyên liệu này tăng vọt. Sự xuất hiện của biến thể Omicron gây thêm những gián đoạn mới trong tuyến đường thương mại quan trọng từ Cộng hòa Dân chủ Congo, nước sản xuất cobalt lớn nhất thế giới, qua cảng Durban của Nam Phi rồi đến Trung Quốc.
Một thương nhân kinh doanh lithium ở Nhật Bản dự báo giá lithium sẽ duy trì ở mức cao hiện tại. Ông nói: "Dựa vào mục tiêu sản xuất xe điện của các hãng xe hiện nay, chúng tôi hoài nghi về khả năng cung cấp đủ các nguyên liệu thô cho pin xe điện". Ông cho biết thêm, các công nghệ mới như pin lithium-ion thể rắn sẽ cần lượng lithium lớn hơn.
Theo Bloomberg NEF, chi phí cho các bộ pin lithium-ion ở mức 1.200 đô la/kWh vào năm 2010 nhưng giảm mạnh xuống 132 đô la vào năm 2021. Tuy nhiên, công ty này ước tính chi phí trung bình có thể tăng lên 135 đô la/kWh vào năm 2022. Các nguyên liệu sử dụng ở cực âm thường chiếm khoảng 30% tổng chi phí của bộ pin lithium-ion.
Ưu thế cho những hãng xe bảo đảm nguồn cung lithium
Áp lực ngày bảo đảm nguồn cung nguyên liệu thô cho pin lithium-ion ngày càng gia tăng khi ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang động cơ điện. Hai hãng xe khổng lồ của Đức, Volkswagen và BMW đang đặt mục tiêu một nửa doanh số bán xe của họ là xe điện vào năm 2030.
Hãng Ford (Mỹ) dự kiến 40% doanh số bán xe của họ trên toàn cầu sẽ là xe điện vào cuối thập niên này. Trong một sự chuyển hướng đáng ngạc nhiên, hồi cuối năm ngoái, hãng xe Toyota (Nhật Bản), vốn thận trọng với xu hướng xe điện, cho biết đặt mục tiêu bán 3,5 triệu xe điện vào năm 2030.
Các nhà sản xuất pin đang chạy đua để tăng nguồn cung, bao gồm CATL của Trung Quốc, nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới. Trung Quốc đóng góp hơn 65% sản lượng pin toàn cầu và hơn một nửa sản lượng lithium. Sự thống trị thị trường đó khiến nhiều lãnh đạo trong ngành công nghiệp xe hơi lo lắng vào thời điểm các căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung leo thang.
Năm 2020, hãng xe điện Tesla (Mỹ) đã giành được quyền khai thác lithium từ các mỏ đất sét ở bang Nevada. Đây là ví dụ cho thấy các hãng xe đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc hoặc loại bỏ bên cung cấp lithium thứ ba.
Cũng trong năm đó, Tập đoàn khai khoáng Managem ở Morocco đã ký một thỏa thuận cung cấp cobalt cho BMW có thời hạn 5 năm, trị giá 113 triệu đô la.
Tháng 12 năm ngoái, Vulcan Energy Resources, công ty khai thác lithium của Đức và Úc, đã ký thỏa thuận cung cấp lithium sạch (được sản xuất theo quy trình thân thiện với môi trường) cho các nhà máy sản xuất pin của hãng xe Volkswagen.
Trong cùng tháng, Volkswagen thông báo sẽ thành lập một liên doanh với Công ty công nghệ vật liệu Umicore của Bỉ để nâng cao năng lực sản xuất các nguyên liệu tiền chất và cực âm của pin xe điện ở châu Âu.
Toyota cho biết đã bảo đảm bảo đủ nguồn cung nguyên liệu pin, bao gồm cả lithium, để đáp ứng nhu cầu pin xe điện đến năm 2030 thông qua mối quan hệ hợp tác với Công ty thương mại Toyota Tsusho, nơi Toyota nắm 20% cổ phần.
Sanshiro Fukao, học giả cấp cao tại Viện nghiên cứu Itochu (Nhật Bản), cho biết các hãng xe xem các nguyên liệu thô là quân cờ mặc cả trong các cuộc đàm phán với các nhà sản xuất pin. Nếu không nắm trong tay các nguồn cung nguyên liệu thô, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc mua pin đắt tiền từ các nhà sản xuất này.
Fukao dự báo việc tìm nguồn cung nguyên liệu cho pin có thể sớm trở thành vấn đề đối với nhiều hãng xe giống như tình trạng chật vật của họ để tìm nguồn cung chip bán dẫn trong suốt năm qua. Ông cho rằng các hãng xe có thể không thể sản xuất xe điện với số lượng như mục tiêu ban đầu do thiếu các nguyên liệu sản xuất pin.
Ông kết luận: “Việc liệu họ có thể đảm bảo nguồn nguyên liệu thô ngay từ bây giờ hay không sẽ quyết định liệu họ có thể chiếm ưu thế so với các đối thủ trong 10 năm tới hay không”.
Theo Nikkei Asia Review