(KTSG Online) - Giá nhiên liệu tăng vọt trong năm nay và chi phí sạc pin rẻ hơn đã giúp chi phí sở hữu và vận hành xe điện hiện giảm về thấp hơn so với xe chạy xăng hoặc dầu diesel ở hầu hết các quốc gia châu Âu, theo dữ liệu từ nhà cung cấp dịch vụ cho thuê ô tô LeasePlan (Hà Lan).
- Giá pin xe điện lần đầu tiên tăng trong hơn một thập niên
- Startup Hà Lan sản xuất xe điện năng lượng mặt trời đầu tiên của thế giới
Giá bán xe điện ở châu Âu vẫn đắt hơn so với các mẫu xe động cơ truyền thống nhưng có chi phí vận hành thấp hơn nhờ ít phải bảo trì hơn và sử dụng năng lượng rẻ hơn.
Ngành công nghiệp ô tô xem thời điểm xe điện trở nên rẻ như các mẫu xe chạy xăng khi tính đến sở hữu, vận hành và bảo dưỡng, hay còn gọi là “tổng chi phí sở hữu”, là cột mốc quan trọng có thể kích hoạt sự chuyển đổi rộng rãi sang các phương tiện chạy bằng pin.
LeasePlan, công ty có 1,9 triệu xe đang cho các doanh nghiệp thuê đã so sánh chi phí vận hành và giá cho thuê các xe của mình theo phân khúc ở 22 nước châu Âu. Báo cáo của LeasePlan cho biết, xe điện ở hầu hết mọi phân khúc và các nước châu Âu giờ đây có tổng chi phí sở hữu ngang bằng hoặc rẻ hơn so với xe chạy bằng xăng hoặc dầu diesel.
Theo đó, chi phí của một chiếc xe gia đình tiêu chuẩn, chẳng hạn như Ford Kuga hoặc Škoda Enyaq chạy điện đang ở mức ngang bằng hoặc thấp hơn so với xe chạy xăng cùng phân khúc ở 19 trong số 22 nước châu Âu, bao gồm Anh, Pháp, Đức và Hà Lan. Riêng ở Ba Lan, Ý và Cộng hòa Czech, xe điện vẫn còn đắt hơn đáng kể.
Trong số những mẫu xe nhỏ hơn, chẳng hạn như Renault Megane hoặc Kia Nero, chi phí mua và vận hành ở Anh là 919 euro/tháng đối với xe điện, 941 euro /tháng đối với xe động cơ diesel và 954 euro / tháng đối với xe chạy xăng.
Những chiếc xe tương tự ở Pháp có chi phí mua và vận hành là 735 euro/tháng đối với xe điện, so với 904 euro/tháng và 868 euro/tháng đối với xe chạy diesel và xăng tương ứng.
Trong khi chi phí tiếp nhiên liệu xăng và dầu diesel vẫn tương tự nhau ở hầu hết các nước châu Âu, chi phí sạc lại pin xe điện lại rất khác nhau. Thông thường, sạc tại nhà qua đêm trong vài giờ là một giải pháp thay thế rẻ hơn so với việc sử dụng trạm sạc nhanh công cộng, vốn tính phí cao hơn.
Đối với các tính toán chi phí sạc xe điện, LeasePlan căn cứ vào thói quen sạc hiện tại của khách hàng sử dụng xe điện của công ty này, với 65% sạc tại nhà, 20% tại nơi làm việc và 15% tại trạm sạc công cộng.
LeasePlan phát hiện, chi phí sạc chiếm tới 15% chi phí sở hữu và vận hành một chiếc xe điện trong khi chi phí tiếp nhiên liệu cho xe động cơ diesel là chiếm 28% tổng chi phí sở hữu. “Bất chấp lạm phát giá năng lượng, chi phí nhiên liệu đối với xe điện vẫn thấp hơn đáng kể so với xe chạy xăng và dầu diesel”, theo báo cáo của LeasePlan.
Tuy nhiên, giá pin lithium-ion, loại pin sử dụng phổ biến ở xe điện đang tăng trở lại sau một thời gian dài giảm liên tục. Điều này có thể là rào cản cho nỗ lực phổ cập các mẫu xe điện với giá cả phải chăng.
Giá cả các kim loại pin bao gồm lithium, cobalt và nickel tăng vọt và chi phí cao hơn của các linh kiện khác đã đẩy giá pin lithium-ion lên tới 151 đô la Mỹ/kWh trong năm nay, tăng 7% so với một năm trước. Đây là mức tăng đầu tiên kể từ khi Công ty tài chính năng lượng mới Bloomberg (BloombergNEF) bắt đầu thực hiện cuộc khảo sát giá pin lithium-ion hàng năm vào năm 2010.
Trong một diễn biến khác, các nhà sản xuất ô tô vừa cảnh báo giá của nhiều loại xe điện được sản xuất hoặc bán ở Anh và châu Âu có thể tăng 10% hoặc hơn từ năm 2024 sau khi Brussels cho biết là sẽ không gia hạn miễn thuế, điều đã nhất trí trong thỏa thuận thương mại Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu - EU).
Hiệp định hợp tác và thương mại Anh-EU (TCA) tạm thời miễn trừ xe điện khỏi các quy tắc quy định rằng xe phải được sản xuất chủ yếu ở Anh hoặc ở EU để đủ điều kiện hưởng chế độ hạn ngạch, thuế quan bằng 0 của EU, vì hiện tại, một tỷ lệ lớn pin xe điện ở châu Âu được nhập khẩu từ châu Á. Thời hạn cuối được miễn trừ là ngày 31-12-2023.
Các tổ chức thương mại đại diện cho các hãng xe ở Anh và EU đang yêu cầu gia hạn miễn trừ quy tắc xuất xứ này vì không có đủ pin và các nguyên liệu cho pin được sản xuất ở châu Âu. Nếu London và Brussels không đồng ý thay đổi, nhiều mẫu xe điện xuất khẩu qua lại giữa Anh và các nước châu Âu sẽ chịu mức thuế 10%, làm tăng giá bán xe điện đến người tiêu dùng.
Theo Financial Times
Chi phí sở hữu chỉ là chuyện nhỏ. Chi phí bảo vệ môi trường mới là chuyện lớn. Nghĩa là, người sở hữu xe trong tương lai không chỉ là phương tiện di chuyển, mà còn là phương tiện có sứ mệnh đóng góp vào xu thế thay đổi hiện trạng cuộc sống nhân loại trên phạm vi toàn cầu.
Nói hay không bằng làm thật. Nếu không đủ khả năng tài lực tài trợ trực tiếp cho người sử dụng xe điện như Mỹ, châu Âu… thì ít nhất ta cũng nên có một chính sách ưu đãi rõ ràng cho nhà sản xuất và người sử dụng xe điện, vì mục tiêu phi carbon 2050. Tưởng đích 2050 là xa lắm, thật ra bắt đầu ngay từ bây giờ gần như là đã muộn rồi!