Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chi phí thuế trong giá xăng có thể giảm thêm 1.100 đồng/lít từ 1-8

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Dự kiến, phần chi phí thuế trong giá xăng sẽ giảm 1.100 đồng một lít nếu kiến nghị giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn của Chính phủ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Giá xăng E5 RON 92 hiện ở mức 30.890 đồng một lít . Ảnh: Lê Vũ

Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Nghị quyết số 82 của Chính phủ thông qua Dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn đến cuối năm 2022.

Nghị quyết này dự kiến được cơ quan thường trực của Quốc hội cho ý kiến, thông qua theo quy trình một phiên họp.

Trước đó, Bộ Tài chính đã đề nghị giảm thuế bảo vệ môi trường về mức sàn. Cụ thể, thuế này với xăng sẽ giảm từ 2.000 đồng xuống 1.000 đồng một lít, tức là khi tới tay người tiêu dùng, giá xăng sẽ giảm tương ứng 1.100 đồng một lít do được giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng. Các loại dầu, mỡ khác dự kiến giảm 500-700 đồng một lít.

Riêng với dầu hoả, Bộ Tài chính giữ nguyên mức thuế bảo vệ môi trường 300 đồng một lít do đây là mức sàn trong khung thuế.

Sau giai đoạn này, từ năm 2023, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Để chính sách sớm đi vào cuộc sống, Bộ Tài chính đề nghị hiệu lực thi hành của nghị quyết áp dụng từ 1-8-2022.

Theo Bộ Tài chính, hiện các hoạt động kinh tế - xã hội đã chuyển về trạng thái như trước khi xảy ra dịch Covid-19. Do đó, sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn dự kiến năm 2022 tương đương như thời điểm trước khi xảy ra đại dịch là năm 2019.

Với dự kiến sản lượng tiêu thụ này, nếu áp dụng chính sách giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất, ước tính ngân sách nhà nước sẽ giảm thu bình quân 1.400 tỉ đồng một tháng, đã bao gồm cả phần giảm thuế giá trị gia tăng.

Cơ quan soạn thảo cũng đánh giá thuế bảo vệ môi trường là thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường, nên chi phí thuế bảo vệ môi trường sẽ được chuyển vào giá thành sản phẩm, hàng hóa. Vì vậy, người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế bảo vệ môi trường.

Với việc điều chỉnh giảm mức thuế suất này đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, chi phí thuế trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu có thể giảm xuống, từ đó có tác động ngay tới việc giảm giá bán lẻ xăng dầu.

Việc tăng, giảm giá xăng dầu nói chung sẽ tác động đến sản xuất và tiêu dùng trong nước. Đồng thời, sự thay đổi về giá của mặt hàng này sẽ kéo theo sự biến động nhất định về giá của các mặt hàng khác, thể hiện qua sự thay đổi của chỉ số CPI.

Do đó, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giúp làm giảm giá bán lẻ các mặt hàng này, từ đó góp phần hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, góp phần giảm giá thành sản phẩm và giảm lạm phát.

Bên cạnh giảm thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đã báo cáo, trình Thủ tướng việc giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng với xăng dầu.

Những giải pháp “hạ nhiệt” giá xăng dầu của Bộ Tài chính và Chính phủ được đưa ra trong bối cảnh giá xăng dầu đã qua 13 lần tăng giá từ đầu năm tới nay, khiến giá xăng RON 95-III hiện ở mức 32.760 đồng một lít, cao hơn 7.400 đồng so với thời điểm giữa tháng 1.

Giá xăng E5 RON 92 hiện ở mức 30.890 đồng một lít, cao hơn 7.700 đồng. Còn dầu diesel hiện ở mức 29.610 đồng một lít, cao hơn gần 11.400 đồng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới