Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chỉ số giá thực phẩm toàn cầu tăng tháng thứ hai liên tiếp

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chỉ số giá thực phẩm toàn cầu của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FFPI) tăng tháng thứ hai liên tiếp. Trong tháng vừa qua, mức tăng của giá thịt, dầu ăn và ngũ cốc lấn át mức giảm của giá đường và bơ sữa. Dù vậy, các tổ chức khác bao gồm Ngân hàng thế giới (WB) dự báo, giá lương thực toàn cầu sẽ giảm trong năm nay nhờ nguồn cung dồi dào.

Chỉ số giá thực phẩm toàn cầu của FAO đã tăng hai tháng liên tiếp nhưng vẫn đang thấp hơn 7,4% so với một năm trước. Ảnh: xalqqazeti.az

Chỉ số FFPI, theo dõi các mặt hàng thực phẩm được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu, tăng lên mức 119,1 điểm từ 118,8 điểm trong tháng 3, theo báo cáo của FAO hôm 3-5.

Đây là tháng thứ hai liên tiếp chỉ số này tăng điểm nhưng vẫn đang thấp hơn 7,4% so với một năm trước. Chỉ số FFPI chạm mức thấp nhất trong 3 năm hồi tháng 2 khi giá cả thực phẩm tiếp tục suy yếu từ mức đỉnh được thiết lập vào tháng 3-2022 ngay sau cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Trong tháng 4, giá thịt chứng kiến mức tăng mạnh nhất, tăng 1,6% so với tháng trước. FAO cho biết, giá thịt gia cầm, thịt bò và thịt cừu đều tăng cao cao hơn. Trong khi đó, giá thịt heo giảm nhẹ do nhu cầu suy yếu ở Tây Âu và từ các nước nhập khẩu hàng đầu, đặc biệt là Trung Quốc.

Do giá bắp tăng mạnh, chỉ số dõi giá ngũ cốc của FAO nhích lên trong tháng trước, chấm dứt đợt giảm kéo dài 3 tháng. Chỉ số giá dầu thực vật tăng lên mức cao nhất trong 13 tháng do giá dầu hướng dương và dầu hạt cải tăng mạnh.

Chỉ số giá đường giảm mạnh 4,4% so với tháng 3 và xuống mức thấp hơn 14,7% so với mức cùng kỳ năm trước trong bối cảnh triển vọng nguồn cung toàn cầu cải thiện. Chỉ số giá bơ sữa cũng giảm xuống trong tháng trước, chấm dứt chuỗi 6 tháng tăng liên tiếp.

Trong một báo cáo riêng về nguồn cung ngũ cốc, FAO nâng ước tính sản lượng ngũ cốc thế giới niên vụ 2023-2024 lên 2,846 tỉ tấn từ mức 2,841 tỉ tấn dự kiến vào tháng trước. Con số này cao hơn 1,2% (tương đương 35,1 triệu tấn) so với niên vụ trước.

FAO ước tính, sản lượng gạo (đã xay xát) toàn cầu niên vụ 2023-2024 sẽ đạt kỷ lục mới là 529,2 triệu tấn, cao hơn 0,7% so với niên vụ trước.  Bên cạnh đó, FAO cũng nâng nhẹ dự báo về sản lượng bắp và lúa mì toàn cầu.

Đối với niên vụ sắp tới, FAO hạ dự báo sản lượng lúa mì toàn cầu xuống còn 791 triệu tấn từ mức 796 triệu tấn dự báo trong tháng trước. Điều chỉnh này nhằm phản ánh diện tích trồng lúa mì ở Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh hơn dự kiến trước đây. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh, triển vọng sản lượng lúa mì năm 2024 vẫn cao hơn khoảng 0,5% so với mức của năm trước.

Trong báo cáo cập nhật an ninh lương thực toàn cầu công bố cuối tháng trước, Ngân hàng Thế giới (WB) lưu ý, lạm phát giá lương thực tiếp tục là mối lo ngại trên toàn cầu.

Tính đến hôm 29-4, chỉ số giá hàng hóa nông nghiệp và ngũ cốc của WB tăng 1% so với báo cáo trước đó vào hôm 11-4. Tính trên cơ sở hàng năm, giá bắp giảm 34% và giá lúa mì giảm 17%, nhưng giá gạo cao hơn 24%. Nhìn chung, giá cả ba mặt hàng ngũ cốc này đều đang cao hơn so với năm 2020, với giá gạo cao hơn đến 47%.

Theo WB, 57% số các nước thu nhập thấp và 13% số nước thu nhập cao chứng kiến lạm phát lương thực tăng hơn 5% so với một năm trước. Tình trạng đói nghiêm trọng vẫn tồn tại dai dẳng ở 59 nước và vùng lãnh thổ. Ở nhóm nước này, trung bình cứ 5 người, có 1 người cần hỗ trợ thực phẩm khẩn cấp.

Cũng theo WB, trong 4 năm liên tiếp, tỷ lệ người dân trên thế giới đối mặt với tình trạng mất an ninh thực phẩm nghiêm trọng vẫn ở mức cao chiếm gần 22%, cao hơn đáng kể so với mức trước Covid-19.

Trong một báo cáo khác về cập nhật triển vọng thị trường hàng hóa, phát hành tháng trước, WB dự báo, giá cả các mặt hàng nông nghiệp sẽ dịu lại trong năm nay và năm tới nhờ nguồn cung tăng lên và các điều kiện thời tiết khô hạn El Nino giảm bớt. WB nhận định, giá cả hàng hóa lương thực toàn cầu sẽ giảm 6% trong năm 2024 và giảm tiếp 4% trong năm 2025.

Báo cáo gần đây của Công ty tư vấn Oxford Economics cũng nhận định, giá hàng hóa lương thực sẽ giảm trong năm nay nhờ nguồn cung dồi dào, đặc biệt là lúa mì và bắp.  Các vụ mùa bội thu của bắp và lúa mì trong những tháng vừa qua đã kéo dài đà giảm giá của hai mặt hàng này. Nông dân trên thế giới đã mở rộng sản xuất lúa mì và bắp sau khi giá tăng mạnh do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine.

“Dự báo cơ bản của chúng tôi là giá hàng hóa lương thực sẽ giảm hàng năm trong năm nay, giúp giảm áp lực lên giá bán lẻ”, báo cáo của Oxford Economics cho biết.

Nhà kinh tế Kiran Ahmed của Oxford Economics dự báo giá lương thực toàn cầu sẽ giảm 5,6% trong năm 2024 sau khi giảm 9% trong năm ngoái.

Tuy nhiên, báo cáo của Oxford Economics, lưu ý, giá lương thực đã gần chạm đáy và có thể tăng dần lên trong nửa cuối năm 2024.

Theo Ahmed, sau một thời gian ngừng mua, chờ giá lúa mì giảm hơn nửa, các khách hàng ở châu Phi và châu Á sẽ quay trở lại thị trường và có thể thúc đẩy sự phục hồi về giá. Ngoài ra, giá gạo vẫn ở mức cao cũng có thể khuyến khích Ấn Độ duy trì các biện pháp hạn chế xuất khẩu.

Theo Reuters, Worldbank.org, CNBC

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới