(KTSG Online) - Theo Tổng cục Thống kê, quí đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng ở 54 địa phương và giảm ở 9 địa phương.
Theo đó, những địa phương có chỉ số IIP tăng cao như Trà Vinh tăng 102,7%; Khánh Hòa tăng 37%; Bắc Giang tăng 23,9%; Thanh Hoá tăng 20%; Hà Nam tăng 17,2%; Quảng Ninh tăng 14%. Ngược lại, chỉ số này giảm mạnh ở một số địa phương gồm Sơn La, Lai Châu, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Khoảng thời gian này, giá trị tăng thêm toàn ngành ước tính tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,98%. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,97%. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải. Riêng ngành khai khoáng giảm 5,84% so với cùng kỳ.
Một số ngành công nghiệp tăng hai con số so với cùng kỳ năm trước như sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 28,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 25,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 24,8%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 21,7%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 18,1%; sản xuất kim loại tăng 16,6%; dệt tăng 14,6%. Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của ngành sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm so với cùng kỳ.
Theo Tổng cục Thống kê, quí 1-2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.537,6 ngàn tỉ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng ở một số địa phương như Quảng Ninh tăng 9,8%; Hải Phòng tăng 9,7%; Khánh Hòa và Long An cùng tăng 9,1%; Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ cùng tăng 7%; Đà Nẵng tăng 5,9%; TPHCM tăng 5,8%; Hà Nội tăng 4,7%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Còn doanh thu du lịch lữ hành tăng 46,3% so với cùng kỳ năm trước.