Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chi tiêu cho y tế đạt 23,3 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Báo cáo của Vietnam Report về thị trường chăm sóc sức khỏe và ngành dược Việt Nam năm 2022 cho biết, hơn 42% số doanh nghiệp trong ngành nhận định ngành dược sẽ phát triển trong năm tới. Theo đó, dự kiến đến năm 2025, tổng chi tiêu cho ngành y tế đạt 23,3 tỉ đô la Mỹ.

Người dân đi mua thuốc tại một quầy thuốc trên địa bàn TPHCM. Ảnh minh hoạ: M.T

Vietnam Report thực hiện khảo sát gần 90% số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phẩm trên cả nước về thị trường chăm sóc sức khỏe và ngành dược năm 2022. Kết quả, gần 80% số doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng chi tiêu cho y tế của Việt Nam từ năm 2017 đến năm 2021 tăng từ 16,1 tỉ đô la Mỹ lên 20 tỉ đô la Mỹ. Dự kiến năm 2025, tổng chi tiêu cho y tế sẽ đạt 23,3 tỉ đô la Mỹ và đạt 33,8 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030. Chi tiêu cho dược phẩm cũng tăng hơn 6,6 tỉ đô la Mỹ trong năm 2021.

Về lĩnh vực điều trị, nhóm sản phẩm tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng và nhóm hỗ trợ điều trị ung thư chiếm 85,7% và có xu hướng tăng nhanh trong năm tới.

Báo cáo cho biết thêm, hơn 42% số doanh nghiệp trong ngành nhận định ngành dược sẽ phát triển trong thời gian tới. Bên cạnh đó, QVIA dự báo đến năm 2025, thị trường dược phẩm toàn cầu được thiết lập trị giá 1,7 ngàn tỉ đô la Mỹ (theo giá nhà sản xuất). Còn Fitch Solutions ước tính doanh thu từ dược phẩm trong nước sẽ đạt trên 7,5 tỉ đô la mỹ.

Theo nhận định của các chuyên gia, đại dịch Covid-19 đã tạo ra chuyển dịch nhanh hơn trong cơ cấu doanh thu ngành dược phẩm như chuyển sang mua thuốc điều trị; gia tăng tiêu dùng đối với các sản phẩm vitamin hay thực phẩm chức năng; nhà thuốc theo mô hình hiện đại giành được thị phần từ các hiệu thuốc truyền thống…

Tuy nhiên, theo khảo sát, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dược đang gặp nhiều thách thức. Nhất là rủi ro từ chuỗi cung ứng, chi phí hậu cần gia tăng (chiếm 92,9%); cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành; sự leo thang chi phí nguyên liệu thô và sức ép từ tỷ giá gia tăng.

Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp chọn cách tiến hành nghiên cứu thị trường, sản xuất ra các loại thuốc phù hợp với nhu cầu, kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào; đầu tư nhà máy đạt chuẩn quốc tế; tăng chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới