Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài đang nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế

Bùi Trinh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào dòng vốn FDI và điều đáng nói là doanh nghiệp FDI càng phát triển thì dòng tiền chi trả sở hữu ra nước ngoài càng tăng mạnh, do họ làm ăn hiệu quả hơn.

Sau “đổi mới”, năm 1987 Việt Nam ban hành luật đầu tư nước ngoài để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Xem xét cơ cấu vốn đầu tư từ năm 2010-2021 cho thấy, vốn đầu tư của khu vực nhà nước giảm hơn 10 điểm phần trăm (từ 34,9% năm 2010 còn 24,7% năm 2021); khu vực ngoài nhà nước tăng từ 44,6% năm 2010 lên 59,5% năm 2021 và khu vực FDI giảm từ 20,5% năm 2010 xuống còn 15,8% năm 2021

Tuy tỷ lệ vốn đầu tư của khu vực FDI trong nền kinh tế giảm nhưng tốc độ tăng trưởng của nhóm này vẫn cao nhất trong các khu vực sở hữu của nền kinh tế. Tăng trưởng bình quân hàng năm về giá trị tăng thêm của khu vực FDI là 7,95%, cao hơn khá nhiều so với tăng trưởng bình quân chung của cả nước (5,88%).

Tính toán hiệu quả đầu tư thông qua hệ số ICOR cho ba nhóm trong giai đoạn 2010-2015 và 2016-2021 cho thấy giai đoạn 2016-2021 hiệu quả đầu tư kém hơn giai đoạn 2010-2015. Hệ số ICOR giai đoạn 2010-2015 là 7 thì giai đoạn 2016-2021 là 9,1. Đáng chú ý là khu vực kinh tế nhà nước có hệ số ICOR tăng từ 13,03 giai đoạn 2010-2015 lên 17,8 trong 2016-2021; hiệu quả đầu tư của kinh tế ngoài nhà nước cũng giảm sút, với hệ số ICOR từ 6,2 giai đoạn 2010-2015 lên 9,4 trong 2016-2021; chỉ có khu vực FDI có hiệu quả đầu tư giảm nhẹ khi hệ số ICOR chỉ tăng nhẹ từ 6 lên 6,5. Như vậy, về hiệu quả sử dụng vốn của ba thành phần kinh tế thì khu vực FDI là có hiệu quả.

Thực tế cho thấy tỷ trọng xuất, nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp FDI ngày càng lấn lướt khu vực kinh tế trong nước. Nếu năm 2010 xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 54,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thì đến năm 2021 tỷ lệ này là 73,4% và tỷ lệ nhập khẩu hàng hóa trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ 43,6% năm 2010 đã tăng lên 65,64% năm 2021. Tình hình này hầu như sẽ không thay đổi trong nhiều năm nữa. Nền kinh tế Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế của FDI trong một tương lai không xa.

Số liệu cũng cho thấy nền kinh tế trong nước luôn nhập siêu và doanh nghiệp FDI luôn xuất siêu, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa dương là do khu vực FDI xuất siêu quá nhiều mang lại (hình 1). Năm 2021 doanh nghiệp FDI xuất siêu trên 28 tỉ đô la thì khoảng 65% trong số đó được chuyển về nước thông qua chi trả sở hữu.

Đồng hành với thành tích xuất khẩu của khu vực FDI là luồng tiền chảy ra thông qua chi trả sở hữu cũng tăng mạnh. Nếu GDP theo giá thực tế năm 2021 so với 2010 tăng 3,1 lần thì chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài năm 2021 so với 2010 tăng khoảng 5,1 lần.

Như vậy, tuy khu vực có vốn FDI đóng góp cao vào tăng trưởng, nhưng lại góp phần không nhỏ làm luồng tiền chảy ra nước ngoài thuần túy tăng nhanh hơn tăng trưởng GDP khá nhiều khi chuyển lợi nhuận về nước.

Cụ thể, trong giai đoạn 2010-2021, tăng trưởng bình quân GDP theo giá hiện hành là 10,8% trong khi tăng trưởng về luồng tiền chảy ra nước ngoài thuần gần 16%, từ đó làm tỷ lệ GNI (tổng thu nhập quốc gia) so với GDP (tổng sản phẩm trong nước) giảm từ 97% năm 2010 xuống còn 94,9% năm 2021.

Theo số liệu của statista.com cho thấy tăng trưởng GDP bình quân theo giá hiện hành giai đoạn 2010-2021 là 10,8%, tăng trưởng về đầu tư bình quân trong giai đoạn này là 10%, trong khi đó tăng trưởng về tiết kiệm bình quân theo giá hiện hành ở giai đoạn này chỉ khoảng 7,9%.

Tiết kiệm nhỏ hơn đầu tư cho thấy nền kinh tế phải phụ thuộc vào chuyển nhượng vốn của khu vực FDI và vay mượn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng. Cần nhìn nhận rằng nền kinh tế Việt Nam ngày càng bị bào mòn nguồn lực, năm 2010 tỷ lệ tiết kiệm so với tích lũy là 82,05%, đến năm 2021 tỷ lệ này chỉ còn 68,2%. Do đó, có thể thấy hiệu quả sử dụng vốn và tiết kiệm của nền kinh tế là tối quan trọng. Vay nợ nhưng sử dụng vốn không hiệu quả đến lúc nào đó không thể tránh khỏi sự sụp đổ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới