(KTSG Online) - Chị hàng xóm của tôi than thở: “Giá xăng đã giảm cả nửa tháng rồi mà các loại thực phẩm heo, gà, tôm, cá… các loại rau củ như khoai lang, cải thảo, bí xanh… vẫn không giảm. Giá leo thang hơn tháng nay và cứ ở lỳ vậy, chỉ khổ người dân”.
Tôi xách giỏ vào siêu thị xem giá có ổn định hơn ngoài chợ không, và cũng hoa mắt vì đến dầu ăn, nước mắm, bánh trái đều tăng giá. Giá thịt lợn tăng từ 21-28% trong một tháng qua, nhiều người tiêu dùng lo lắng khi mặt hàng thiết yếu này, nếu so với trước dịch, đã tăng tới 57,2%.
Hỏi chị nhân viên quản lý siêu thị, chị bảo hiện nguồn cung giảm so với trước, do giá xăng đắt làm chi phí vận chuyển, nguyên liệu, các dịch vụ khác tăng, các siêu thị phải cơ cấu nguồn hàng nhập tồn nên chưa thể giảm giá vào lúc này.
Tôi thì thấy vô lý quá, nhưng không mua cũng không được. Hàng thiết yếu thời điểm dịch năm ngoái, cao gấp 2-3 lần, còn chịu đựng được, nên đành bấm bụng chọn lựa mua những thực phẩm cần thiết nhất cho một tuần.
Thực tế, đà tăng giá và lạm phát của Việt Nam tuy có “độ trễ” so với thế giới song đã hiện hữu trong chi tiêu hàng ngày của người dân từ 2 tháng nay.
Chính phủ đã có sự chủ động, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, y tế...) trong khi những mặt hàng này đang tăng giá khá mạnh (13% từ đầu năm).
Việc điều tiết giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý cũng được tiến hành thận trọng, đồng bộ (chưa được tăng giá điện, một số chi phí dịch vụ y tế, giáo dục...). Khâu phối hợp chính sách (nhất là giữa chính sách tài khóa, tiền tệ, giá cả) nhịp nhàng, hiệu quả hơn.
Ấy vậy mà giá các mặt hàng thiết yếu vẫn chưa giảm?!
Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng nếu giá hàng hóa leo thang, thiết lập mặt bằng mới và không chịu giảm sẽ để lại nhiều hệ lụy vô cùng nguy hiểm(1).
Giá hàng hóa cao tạo áp lực về lạm phát và ảnh hưởng không nhỏ đến sức mua của người dân. Sau 2 năm dịch bệnh, phần lớn người dân có tâm lý cắt giảm chi tiêu, sức mua đã giảm nay hàng hóa cứ tăng không giảm, càng khiến hàng hóa khó lưu thông hơn, ông Tiến nhận định(2).
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, phân tích: “Giá cứ tăng mà không giảm sẽ không phản ánh đúng giá trị thật của hàng hóa, có thể tạo nên những cơn sốt giá ảo. Nếu giá hàng hóa không được điều chỉnh, giá nguyên vật liệu, thực phẩm cao có thể ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng Việt. Lúc đó các doanh nghiệp sẽ tìm cách nhập khẩu, càng khiến thị trường khó kiểm soát”(3).
Theo các chuyên gia này, việc giá hàng hóa thiết yếu không chịu giảm phản ảnh thị trường chưa được kiểm soát. Đã xuất hiện các trường hợp ghim giá, tăng giá theo kiểu “té nước theo mưa”.
Một chủ doanh nghiệp thu mua nông sản tâm sự: “Muốn giảm giá sản phẩm, dịch vụ lắm nhưng công ty vẫn phải tính toán, cơ cấu lại toàn bộ chi phí khác như logicstic, nhân công, sản phẩm đầu vào chứ không chỉ riêng xăng dầu”. Đã hơn 2 năm phải bù lỗ, nay giá tăng vẫn chưa đủ sức để kéo mặt bằng giá các mặt hàng thực phẩm, cước vận tải đi xuống. Bên cạnh đó, tâm lý chung vẫn cứ muốn “neo” được bao lâu thì tốt bấy nhiêu, do lo ngại giá xăng dầu không mang tính bền vững và ổn định, có thể chỉ giảm một thời gian ngắn rồi tăng trở lại, doanh nhân này cho biết.
Tuy nhiên, dù biện minh thế nào, thì việc lợi dụng “té nước theo mưa” là hành vi mà thiết nghĩ những người kinh doanh không nên làm. Không nên chỉ vì lợi ích của mình mà không chia sẻ khó khăn chung của nền kinh tế và xã hội.
Áp lực lạm phát vẫn khá lớn, có thể vượt mục tiêu 4% nếu kiểm soát không tốt giá cả. Việc kiểm soát giá cả linh hoạt với nhiều biện pháp: giảm thuế, phí, tăng dự trữ, tăng nguồn cung, chống buôn lậu, găm giữ... của Chính phủ là cần thiết để bảo đảm kinh tế phát triển ổn định. Tuy nhiên, bên cạnh đó cần có sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp cũng như của tiểu thương vào quá trình kiểm soát, bình ổn giá cả thị trường.
--------------
https://www.vietnamplus.vn/nhung-giai-phap-nao-de-dieu-hanh-gia-xang-dau-phu-hop-hon/774015.vnp (1) (2)
https://vtc.vn/hang-ho-a-chi-tang-ma-khong-giam-nguy-hie-m-the-na-o-ar690469.html (3)