Chiếc áo không làm nên thầy tu
Minh Đức
(TBKTSG) - “Tank” (xe tăng) của Nga hiện đang thu hút sự chú ý của quốc tế hơn là các “bank” (ngân hàng) nước này - tờ The New York Times chơi chữ khi viết về tình hình Nga.
![]() |
Người dân đi dưới bảng tỷ giá hối đoái ở trung tâm Moscow thứ Ba tuần này. Ảnh: AP |
Nhà thôi chưa đủ
Tại một góc phòng trên tòa nhà cao tầng, một người đàn ông mặc quần áo thể thao đang rán trứng. Phía dưới tầm mắt anh là quang cảnh tuyệt đẹp, với ánh đèn thành phố lấp lánh. Ở khu vực chung, hai người khác nằm ườn chơi trò chơi điện tử. Trong phòng ngủ là những chiếc giường tầng.
Đó là quang cảnh của một nhà nghỉ cao cấp có tên High Level Hostel, tọa lạc ngay trên tầng 43 của một tòa tháp triệu đô ở Moscow City - nơi được coi là trung tâm tài chính của thủ đô. Đây không phải là thiết kế dành cho văn phòng công ty, mà là nhà nghỉ thực sự.
“Chúng tôi nghĩ tại sao không mở nhà nghỉ trong một tòa nhà chọc trời? Roman Drozdenko, ông chủ 25 tuổi của High Level Hostel, cho biết. “Chưa có ai làm điều đó cả”. Tòa tháp, được trang trí bằng đá cẩm thạch, có nhiều thang máy rõ ràng được xây dựng cho các luật sư, kế toán hoặc những nhà môi giới chứng khoán. Nhưng, kể từ khi khai trương hồi tháng 9, những vị khách trên chẳng ai đoái hoài tới.
Khu nhà chọc trời ở Moscow đang phản ánh những vấn đề rộng lớn hơn trong nền kinh tế nước này.
Nga, quốc gia đang đối diện với lệnh trừng phạt tài chính của phương Tây và nơi có nền kinh tế gồm các công ty quốc doanh là chủ đạo, đơn giản không có nhu cầu về không gian văn phòng rộng lớn cho các nhà đầu tư chứng khoán, kiểm toán viên và chủ ngân hàng.
Tỷ lệ diện tích trống tại khu tài chính mới được xây dựng đã trở nên nghiêm trọng. Theo Công ty Tư vấn bất động sản Cushman & Wakefield, toàn bộ khu đất rộng khoảng 148 héc ta, trong đó có tòa nhà cao nhất châu Âu - Mercury City Tower, có tỷ lệ trống là 32% tính đến cuối tháng 10. Tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng trên 50% trong năm tới khi có thêm các tòa nhà mới khác.
Moscow City được coi là trung tâm của thị trường tài chính mới nổi, nơi các tòa nhà chọc trời lấp lánh minh chứng cho ảnh hưởng quốc tế ngày càng tăng của Nga. Tám tòa nhà chọc trời đã hoàn thành, bao gồm tòa mạ vàng Mercury. Tám cái khác đang được xây dựng, và thêm hai tòa được lên kế hoạch. Toàn bộ khu vực dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2018.
“Nếu ai đó nghĩ rằng xây dựng nhiều tòa nhà chọc trời ở một khu vực thì sẽ có được một trung tâm tài chính quốc tế thì không phải. Cần phải có những yếu tố khác nữa”, Darrell Stanaford, một nhà phân tích bất động sản của Công ty Romanov Dvor, nhận định.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã nhằm vào các thể chế tài chính nhà nước lớn nhất của Nga, chẳng hạn như Sberbank và VTB, cả hai đều sở hữu các tòa tháp ở Moscow City.
Lệnh trừng phạt của phương Tây dự kiến sẽ làm giảm 1% tăng trưởng GDP của Nga trong năm nay, và sẽ tiếp tục làm giảm GDP trong năm tới nếu nó vẫn tồn tại. Ngay cả khi không bị trừng phạt thì Nga cũng đang phải hứng chịu hàng loạt vấn đề nội tại: lạm phát gia tăng, giá dầu giảm, đồng rúp mất giá...
Trong khi đó, chính phủ cũng chiếm một tỷ lệ lớn trong nền kinh tế, để lại khối lượng việc làm ít ỏi cho công nhân ở các doanh nghiệp tư nhân, ngân viên ngân hàng, luật sư, những người môi giới chứng khoán... mà Moscow City được xây dựng lên vì họ.
Ở Nga, 81% cổ phần của 10 công ty hàng đầu thuộc sở hữu của nhà nước, so với 11% ở Đức, theo một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Thay đổi chiến thuật
Moscow City, bị ảnh hưởng trực tiếp từ các yếu tố trên, giờ đây đang thay đổi chiến thuật để lấp đầy các khoảng trống của mình.
City, công ty quản lý khu vực, cho biết các công ty dịch vụ tài chính không còn là đối tượng chính thuê trụ sở nữa. Trong số những “cư dân” mới của Nga ký hợp đồng thuê trong năm nay, 58% là các công ty phi tài chính cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương.
Các tòa nhà mới xây cũng đang được điều chỉnh mục đích sử dụng. Có nơi biến tầng thấp thành một rạp chiếu phim. Các tòa tháp khác còn mở một trường dạy nấu ăn và nhà hàng.
Giá thuê cũng đang giảm mạnh. Ông Drozdenko, chủ High Level Hostel, cho biết một đại lý bất động sản đã cho ông thuê với giá khoảng 8.000 đô la Mỹ/tháng cho 1.600 feet vuông, tương đương 5 đô la Mỹ 1 foot vuông. Tại Moscow City, giá thuê văn phòng trung bình là 6,9 đô la Mỹ một foot vuông mỗi tháng. Mức này thấp hơn giá trung bình khoảng 7,75 đô la Mỹ cho văn phòng cao cấp ở những nơi khác trong thủ đô, theo Denis T. Sokolov, chuyên gia phân tích cao cấp và đối tác của Cushman & Wakefield.
“Nếu như trước đây, khách hàng của chúng tôi là các tập đoàn quốc tế thì giờ đây chúng tôi tìm kiếm các công ty của Nga, và các doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông nói Dmitry Granov, Giám đốc City, cho biết.
Nhưng, khi để cho nhiều đối tượng khác nhau cùng thuê chung một tòa nhà thì cũng khó tránh khỏi những thách thức do khác biệt.
Ông Stanaford một nhà phân tích về bất động sản lo ngại, thử hình dung các doanh nhân phải ở chung tòa nhà, đi chung thang máy với những khách đeo ba lô du lịch, ở nhà nghỉ. Sự nhã nhặn và cách thức ăn mặc của các nhà đầu tư ngân hàng cũng sẽ khác với những người vào quán cà phê.
Nhưng biết làm sao được.
Empire Tower, tòa nhà nơi High Level Hostel tọa lạc, vẫn còn nhiều chỗ trống sau hai năm mở cửa. Trên tầng 43, High Level Hostel vừa khai trương hồi tháng 9, với 24 giường ngủ, giá 25,5 đô la/người/đêm trong phòng sáu người, bao gồm bữa sáng.
Người quản lý khách sạn Leonid L. Fedotov, 19 tuổi, dẫn lời hai du khách Tây ba lô từ Hà Lan tên là Ron và Eve cho biết: “Chúng tôi có thể chơi đàn buổi đêm và ngắm nhìn thành phố rực rỡ ánh đèn”.
Nga không tránh được suy thoái thêm lần nữa Theo một khảo sát mới đây của Bloomberg, nước Nga sẽ chìm vào suy thoái nếu giá dầu Urals duy trì ở mức 80 đô la Mỹ một thùng. Hiện một nửa số thu ngân sách của Nga đến từ dầu khí. Kinh tế nước này đang trên đà sụt giảm đầu tiên kể từ năm 2009 sau khi né tránh được cơn suy thoái kinh tế trong năm nay, hậu quả từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Chi tiêu tiêu dùng, chiếm một nửa nền kinh tế đã không thể bù đắp được doanh thu bị thâm hụt từ dầu. “Tăng trưởng từ nhu cầu trong nước, vốn là động lực chính trong nhiều năm qua, gần như kiệt sức,” Anna Bogdyukevich, một nhà kinh tế tại Ngân hàng UniCredit ZAO, nói. “Nền kinh tế có thể co lại ngay cả khi giá dầu vẫn ở mức như hiện tại (mà không giảm) thêm một thời gian nữa”. “Dòng vốn ngoại bị rút đi, lạm phát, lãi suất cao, khủng hoảng tài chính và số công ty vỡ nợ gia tăng sẽ biến thành suy thoái trong vòng 12 tháng tới,” Wolf-Fabian Hungerland, một nhà kinh tế tại Berenberg Bank ở Hamburg nói. “Năm nay, Nga đã tránh được suy thoái. Nhưng suy thoái kinh tế vẫn đang trên đường tới”, ông cho biết.
Đồng rúp của Nga đã giảm gần 60% trong năm nay so với đô la Mỹ. Tuần này rúp giảm 6,5% ngày thứ Hai và hơn 3% ngày thứ Ba, còn 52 rúp đổi 1 đô la. Chỉ số chứng khoán RTS bằng đồng đô la Mỹ giảm 2,4%. Theo Bloomberg, NYT, Moscow Times |