Chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc nhắm vào các quan chức về hưu
Chánh Tài
(KTSG Online) – Trung Quốc đang mở các cuộc điều tra tham nhũng mang tính hồi tố, nhắm vào các cựu quan chức bị cáo buộc có những sai phạm từ hàng chục năm trước khi họ còn đương chức.
Chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc từng truy cứu tội trạng tham nhũng từ quan chức cấp cao cho đến cán bộ cấp thấp, hay còn gọi “đả hổ, diệt ruồi”, thì nay đang tập trung vào hồ sơ các vụ án trong quá khứ để phanh phui các sai phạm mà trước đây giới chức trách bỏ qua hoặc điều tra không đến nơi đến chốn.
Xing Yun, cựu Phó Chủ tịch Ban thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Nội Mông bị kết án tử hình treo vào tháng 12-2019 vì nhận hối lộ tổng cộng 449 triệu nhân dân tệ trong thời kỳ còn đương chức. Án tử hình treo cho phép hoãn thi hành án 2 năm và sau đó, tự động giảm về án tù chung thân nếu người bị kết án không có thêm các sai phạm mới. Xing Yun về hưu năm 2016 và bị điều tra 2 năm sau đó. Ảnh: Yahoo News |
Thực thi giải trình trách nhiệm trọn đời đối với quan chức
Trong năm qua, các nhà điều tra của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã truy bắt một loạt cựu quan chức về tội tham nhũng và các tội danh khác bị cáo buộc phạm phải khi còn đương chức cách đây nhiều thập kỷ.
Vụ điều tra mang tính hồi tố gây sự chú ý đầu tiên nhắm vào các cựu quan chức ở một trong những vùng sản xuất than lớn nhất Trung Quốc, và sau đó mở rộng ra khắp cả nước.
Kể từ khi Bắc Kinh mở cuộc vận động chống tham nhũng vào mùa xuân 2020 để trừng phạt các hành vi tham nhũng liên quan đến ngành than xảy ra từ cách đây 20 năm, giới chức trách ở khu tự trị Nội Mông đã bắt giữ hàng chục quan chức về hưu có ở độ tuổi từ 60 đến hơn 70, bao gồm một quan chức về hưu từ hơn 14 năm trước đó.
Trong những tháng gần đây, cơ quan tư pháp ở một số thành phố Trung Quốc đang rà soát lại các bản án giảm nhẹ hoặc án treo được phán quyết từ cách đây 3 thập kỷ để lật lại những sai phạm trong quá khứ của các quan chức. Tháng trước, Bắc Kinh yêu cầu cơ quan công an thành lập các cơ chế để tái điều tra các vụ án cũ như là một phần của chiến dịch trấn áp tội phạm có tổ chức trên toàn quốc.
Những cuộc điều tra hồi tố đánh dấu sự chuyển hướng trong cuộc vận động chống tham nhũng nhiều năm qua của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Tập Cận Bình, vốn chủ yếu nhắm đến những quan chức liên quan đến các vụ án tham nhũng xảy ra gần đây.
Ren Jianming, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Quản trị trong sạch ở Đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh cho rằng, bằng cách tăng cường truy xét những hành vi sai phạm trong quá khứ và thực thi giải trình trách nhiệm trọn đời đối với các quan chức, ông Tập muốn “duy trì tính liên tục của cuộc chiến chống tham nhũng ở áp lực cao và luôn làm mới”.
Khác với những lãnh đạo trước đây, những người phát động chống tham nhũng mạnh mẽ trong thời gian ban đầu nhưng sau đó thường xìu dần, ông Tập củng cố cuộc vận động chống tham nhũng của mình bằng cách liên tục ban hành các quy tắc mới để điều chỉnh hành vi của 92 triệu đảng viên từ các cán bộ cấp cao đến cấp thấp.
Ông đã thiết lập kế hoạch 5 năm đầu tiên (2020-2025) cho dự thảo sửa đổi điều lệ Đảng, nhằm tạo ra một hệ thống pháp lý toàn diện của nội bộ Đảng để kịp giới thiệu tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa hè này.
Củng cố việc thực thi các quy tắc của Đảng
Dưới thời kỳ nắm quyền của Tổng Bí thư Tập Cận Bình, Trung Quốc đã thông qua hoặc sửa đổi hơn 40 quy định quan trọng của Đảng, liên quan đến nghĩa vụ và quy tắc đạo đức đới với các đảng viên. Con số này cao gần gấp 3 lần so với những gì ông Hồ Cẩm Đào, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2002-2012 đã làm và cao hơn gấp đôi so với những gì ông Giang Trạch Dân đã làm trong 13 năm cầm quyền trước đó với tư cách là Tổng Bí thư, theo dữ liệu từ Chinalawinfo, một cổng dữ liệu pháp lý do Đại học Bắc Kinh xây dựng.
Chẳng hạn, trong tuần này, Trung Quốc đã ban hành các quy định mới hướng dẫn chi tiết cách mà Đảng thành lập các hệ thống nội bộ nhằm nuôi dưỡng một bộ máy hành chính hiệu quả và trung thành. Tính đến năm 2019, có tổng cộng hơn 4.900 quy định nội bộ của Đảng, bao gồm 230 quy định được ban hành bởi chính quyền trung ương.
Trong một chuyến thăm Nội Mông vào năm 2019, ông Tập nói: “Có nhiều quy định nội bộ của Đảng mà vấn đề chính là việc thực thi thiếu hiệu quả. Chúng ta phải dành mọi nỗ lực cần thiết để củng cố việc thực thi hệ thống quy định pháp lý này”.
Những tháng sau đó, giới chức trách thông báo mở cuộc vận động chống tham nhũng để mở cuộc điều tra hồi tố đối với những sai phạm cách đây 20 năm trong ngành công nghiệp than ở Nội Mông, nhằm gột rửa sạch những hành vi tham nhũng “thâm căn cố đế”. Cùng lúc đó, giới chức trách ở tỉnh Cam Túc cũng cho biết họ đang điều tra hành vi biển thủ và lạm dụng của công trong quá khứ ở các công ty nhà nước.
Tính đến cuối tháng 4 vừa qua, các nhà điều tra ở Nội Mông đã khởi tố gần 1.000 người, đồng thời thu hồi số tài sản trị giá hơn 6 tỉ đô la Mỹ để khắc phục các thiệt hại kinh tế. Trong số những người bị khởi tố, có ít nhất 34 cựu quan chức về hưu và một cựu quan chức đã qua đời.
Guo Chengxin, cựu giám đốc Văn phòng quản lý ngành khai thác than ở TP Ngạc Nhĩ Đa Tư thuộc Nội Mông đã bị bắt giữ hồi tháng 5 năm ngoái. Tân Hoa xã cho biết ông Guo Chengxin, người về hưu vào năm 2015, bị cáo buộc nhận tiền hối lộ từ “các ông chủ ngành than” để dành cho họ các ưu đãi cũng như cho phép họ kiếm tiền từ các khoản đầu tư trái phép.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn qua video hồi tháng 4, Guo Chengxin nói: “Tôi đã cân nhắc ra đầu thú nhưng rồi tôi nghĩ lại, liệu tôi có thể tìm cách che dấu và thoát tội. Chiến dịch điều tra hồi tố đến 20 năm này cần phải được thực hiện. Một loạt cán bộ hồi ấy đều “nhúng chàm””.
Các quan chức Đảng ca ngợi các nỗ lực chống tham nhũng gần đây của Nội Mông và cho biết sẽ sử dụng các cuộc điều tra hồi tố rộng rãi hơn. Trong những tháng gần đây, những quan chức thực thi pháp luật cấp cao nhất của Trung Quốc đã ra lệnh rà soát lại các vụ án cũ liên quan đến tội phạm có tổ chức và điều tra sai phạm của các quan chức công an.
Một số chuyên gia cho rằng các cuộc trấn áp tham nhũng gần đây của Trung Quốc có thể càng khiến giới quan chức trở nên “thụ động” trong công việc vì họ lo ngại vi phạm bộ quy tắc ngày càng mở rộng mà ông Tập yêu cầu các đảng viên phải chấp hành. Elizabeth Perry, một giáo sư nghiên cứu chính trị Trung Quốc ở Đại học Harvard (Mỹ) cho rằng, cuộc vận động chống tham nhũng của Trung Quốc “cũng khiến các cán bộ địa phương không dám thử nghiệm, đổi mới và chấp nhận rủi ro vì lo sợ rằng, bất kỳ bước đi nào chệch hướng khỏi các quy trình đã được thiết lập có thể bị xem là phạm pháp”. Bà nhận định các cuộc điều tra hồi tố chắc chắn làm gia tăng nỗi sợ này. |
Theo Wall Street Journal