Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chiến lược giảm rủi ro của phương Tây đe dọa triển vọng dài hạn của Trung Quốc

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Xu hướng chuyển sản xuất và đầu tư khỏi Trung Quốc của các công ty phương Tây đang bắt đầu tác động đến triển vọng tăng trưởng trong dài hạn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Khu trung tâm thương mại ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Jordan England, CEO của Industry West, hãng kinh doanh nội thất có trụ sở ở bang Florida (Mỹ), từng nghĩ rằng, các nhà cung cấp của Trung Quốc là sự lựa chọn tốt nhất. Nhưng bất ổn địa chính trị và sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc đã thúc đẩy ông thuê sản xuất gia công nhiều sản phẩm hơn ở các nước Đông Nam Á, Đông Âu và Mexico.

“Tôi đang tìm cách chuyển bớt sản xuất khỏi Trung Quốc và chiến lược của chúng tôi luôn là ‘Trung Quốc + 1’”, England nói khi ám chỉ đến chiến lược đa đạng hóa sản xuất mà nhiều doanh nghiệp đa quốc gia bắt đầu thực hiện sau khi Washington áp thuế vào một loạt hàng hóa Trung Quốc vào năm 2018 để tránh phụ thuộc quá lớn vào các nhà cung cấp của Trung Quốc.

Ông nói thêm, giờ đây chiến lược này giống như “Trung Quốc + 10”, vì Trung Quốc hiện nay chỉ cung cấp khoảng 50% số sản phẩm của Industry West và tỷ lệ này có thể bị cắt giảm thêm nửa.

Dữ liệu công bố trong tháng qua cung cấp bằng chứng rõ ràng về tác động tiêu cực mà chiến lược giảm rủi ro của các công ty phương Tây gây ra đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các cuộc khảo sát cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc bất ngờ giảm trong tháng 10, trong khi hoạt động xuất khẩu suy giảm với tốc độ mạnh hơn. Trong quí 3, Trung Quốc cũng ghi nhận thâm hụt hàng quí lần đầu tiên trong đầu tư trực tiếp nước ngoài. Điều này cho thấy áp lực dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc.

Nicholas Lardy, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), cho biết, dữ liệu mới ngụ ý rằng các công ty nước ngoài không chỉ giảm tái đầu tư thu nhập, mà còn bán các khoản đầu tư hiện có và chuyển vốn về nước. Ông lưu ý, xu hướng này có thể làm suy yếu thêm đồng nhân dân tệ và cắt giảm tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

“Trong những năm gần đây, quy mô, tỷ lệ và tốc độ tăng trưởng đầu tư nước ngoài được Trung Quốc hấp thụ đều duy trì ở mức tương đối cao”, He Yadong, người phát ngôn của Bộ thương mại Trung Quốc, nói khi được Reuters phỏng vấn.

Từ lâu, các doanh nghiệp nước ngoài  lâu đã lo lắng về bất ổn địa chính trị, các quy định quản lý thắt chặt và sân chơi ưu ái hơn cho các công ty nhà nước ở Trung Quốc. Nhưng lần đầu tiên trong bốn thập niên kể từ khi Trung Quốc mở cửa đón đầu tư nước ngoài, họ ngại về triển vọng tăng trưởng trong dài hạn của nước này.

Cuộc khảo sát của The Conference Board, một tổ chức tư vấn ở Mỹ, công bố tuần trước, cho thấy, hơn 2/3 số CEO doanh nghiệp nước ngoài cho biết nhu cầu của Trung Quốc vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch Covid-19. 40% CEO dự kiến ​​đầu tư vốn vào Trung Quốc sẽ giảm trong trong sáu tháng tới và sẽ cắt giảm việc làm ở nước này.

Các quỹ thâu tóm tài sản tập trung vào Trung Quốc không huy động được nguồn vốn nào trong năm 2023. Ảnh: Reuters

Trung Quốc vẫn tự tin về triển vọng tăng trưởng bất chấp kinh tế toàn cầu chậm lại, với các cố vấn chính sách ủng hộ mục tiêu GDP tăng khoảng 5% vào năm 2024. Bắc Kinh cũng đặt mục tiêu tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế vào năm 2035.

Nhưng England đang lo ngại về tác động của cơn khủng hoảng bất động sản đối với các nhà cung cấp nội thất của Trung Quốc.  “Tôi lo lắng về việc các nhà máy sản xuất nội thất của Trung Quốc  sẽ giảm số công nhân từ 500, xuống còn 200, rồi còn 100”, ông nói.

Các phòng thương mại của phương Tây nói rằng, tuyên bố của Thủ tướng Lý Cường về việc mở cửa kinh doanh cho nhà đầu tư nước ngoài sau đại dịch Covid-19 đã vấp phải sự hoài nghi do phạm vi áp dụng sâu rộng hơn của luật chống gián điệp sửa đổi có hiệu lực từ đầu tháng 7, cũng như các cuộc kiểm tra gia tăng của giới chức trách nhằm vào các công ty tư vấn nước ngoài.

“Các nhà điều hành doanh nghiệp nước ngoài rất mong muốn tiếp tục kinh doanh tại Trung Quốc. Nhưng hội đồng quản trị của họ ở Mỹ đang thận trọng” Michael Hart,  Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc ( AmCham), nói.

Dữ liệu giám sát vốn cổ phần tư nhân của Preqin, cho thấy trong năm 2023, tính đến ngày 24-11, các quỹ thâu tóm tài sản tập trung vào Trung Quốc không huy động bất kỳ nguồn vốn nào, so với 210 triệu đô la mà họ huy động được vào năm 2022 và 13,2 tỉ đô la vào năm 2019.

Fred Hu, người sáng lập Primavera Capital, giải thích các quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân đang bi quan vì tình hình bất ổn kinh tế vĩ mô ngày càng gia tăng, triển vọng thị trường vốn u ám và những lo ngại kéo dài về các chiến dịch chấn chỉnh trước đây của Bắc Kinh nhắm vào các lĩnh vực trưởng cao như công nghệ và giáo dục.

“Các công ty công nghệ và doanh nghiệp tư nhân khác ở Trung Quốc cần phải có khả năng khai thác thị trường đại chúng để huy động vốn trợ và bảo đảm tính thanh khoản. Nhưng các điều kiện thị trường hiện tại ở Trung Quốc gây tổn hại đáng kể đến nền kinh tế thực”, Hu nói và lưu ý các quỹ tập trung vào Trung Quốc đang chuyển vốn sang Đông Nam Á, Úc và châu Âu.

Bất chấp những thách thức kể trên, các doanh nghiệp nước ngoài khác, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ, vẫn nhắm đến thị trường khổng lồ của Trung Quốc. Tuần trước, chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh McDonald's (Mỹ) cho biết đã đạt được thỏa thuận tăng cổ phần trong hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc.

 Theo Reuters

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới