(KTSG) - Trong dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, Việt Nam đưa ra mục tiêu khá tham vọng với mức phấn đấu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% tỷ trọng GDP. Nhưng muốn thực hiện được mục tiêu này thì cần phải giải quyết vấn đề dữ liệu mở - điều mà Việt Nam cho tới nay vẫn đang lúng túng.
Một khái niệm - nhiều chiến lược, vì đâu?
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), dữ liệu mở của chính phủ là một thành tố cốt lõi trong chiến lược dữ liệu của các quốc gia nhằm thúc đẩy hiệu quả của hoạt động quản trị công, tạo các giá trị kinh tế và xã hội. Việc nhanh chóng xây dựng được chiến lược quốc gia sẽ góp phần tạo nên các khuôn khổ quản trị dữ liệu vững chắc, đảm bảo cho việc thực thi các chính sách được liên tục, ổn định và bền vững.
Qua khảo cứu kinh nghiệm tại một số quốc gia, có năm yếu tố chính chi phối việc định hình chiến lược dữ liệu nói chung và dữ liệu mở nói riêng, bao gồm: (1) động lực cải cách dịch vụ công và hướng đến một chính phủ minh bạch, hiệu quả; (2) tính đổi mới, tức sử dụng dữ liệu mở để tạo ra các mô hình kinh doanh mới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; (3) mối quan tâm về bảo mật và an ninh dữ liệu, nguy cơ dữ liệu nhạy cảm, ví dụ như bí mật quốc gia bị các thế lực thù địch sử dụng; (4) mối quan tâm về bảo vệ quyền riêng tư, quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân; và (5) nhu cầu giám sát của nhà nước đối với xã hội, theo đó dữ liệu mở cũng là một công cụ để theo dõi và kiểm soát hành vi của công dân.
Mức độ ưu tiên của chính phủ đối với từng yếu tố sẽ quyết định đến nội dung của chiến lược quốc gia về dữ liệu và khuôn khổ quản trị dữ liệu. Điển hình như với Đức, yếu tố về quyền riêng tư được quan tâm mạnh mẽ đã làm hạn chế việc chính phủ chia sẻ dữ liệu ở cấp độ cá nhân. Trong khi đó, tại Anh, áp lực trong nước nhằm tăng cường tính minh bạch của chính phủ là động cơ thúc đẩy sự gia tăng lượng dữ liệu mà chính phủ chia sẻ cho công chúng.
Đồng thời, chiến lược chứa đựng tầm nhìn và hướng đi nhưng không phải là cố định và bất biến. Thực tế cho thấy, chiến lược tại các quốc gia sẽ được sửa đổi, cập nhật và hoàn thiện theo thời gian nhờ quá trình đánh giá tác động và phản hồi từ các bên liên quan.
Để chiến lược về dữ liệu nói chung và dữ liệu mở nói riêng trở nên thiết thực, Chính phủ cần tiến hành tham vấn tích cực đối với các bên có liên quan và có thể cân nhắc nghiêm túc vấn đề hợp tác công - tư về dữ liệu.
Chính phủ có thể thúc đẩy việc tạo ra giá trị xã hội nhờ dữ liệu mở với nhiều cấp độ bằng cách thực hiện đồng thời bốn vai trò quan trọng: nhà cung cấp; một nền tảng - chất xúc tác; người sử dụng và nhà hoạch định chính sách.
Tuy nhiên, chiến lược dữ liệu mở chỉ có thể thực thi thành công nếu có sự tham gia của các bên có liên quan, bao gồm: người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ (NGOs). Vì vậy, một trong những khía cạnh tạo nên sự khác biệt giữa các chiến lược dữ liệu mở là mức độ tham gia của cộng đồng trong xuyên suốt quá trình từ thiết kế, triển khai đến giám sát theo hướng tái sử dụng dữ liệu và tạo ra giá trị xã hội.
Các quốc gia có chỉ số cao về dữ liệu mở cung cấp nhiều thực tiễn tốt về tham vấn cộng đồng. Tại Nhật Bản, nhóm công tác về dữ liệu mở và hội nghị bàn tròn công - tư về dữ liệu mở, với sự tham gia của nhân viên chính phủ và đại diện khu vực tư nhân, thường xuyên họp để cung cấp các phản hồi về chính sách và hoạt động dữ liệu mở của chính phủ.
Hay tại Úc, văn phòng dữ liệu quốc gia của nước này thường xuyên tổ chức các cuộc họp và hội nghị bàn tròn với sự tham gia của đại diện các trường đại học, hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội dân sự, doanh nghiệp và người dân để thiết kế chính sách, ban hành khung pháp lý, điển hình là sự ra đời của Đạo luật chia sẻ và phát hành dữ liệu mới.
Góc nhìn quyết định chiến lược
Theo quan điểm của OECD, ba yếu tố trụ cột đánh giá chỉ số dữ liệu mở của các quốc gia là: (1) tính khả dụng của dữ liệu; (2) khả năng truy cập dữ liệu; (3) sự hỗ trợ của chính phủ về tái sử dụng dữ liệu. Ba yếu tố này đều cần sự tham gia của các bên liên quan.
Bởi lẽ, để phát huy được tối đa giá trị của dữ liệu mở, các chính phủ phải tìm ra sự cân bằng phù hợp giữa việc cung cấp dữ liệu chiến lược (xuất bản có mục đích) và đáp ứng nhu cầu dữ liệu công chúng. Đồng thời, sự tham gia của công chúng giúp đưa ra các phản hồi để cải tiến chất lượng dữ liệu và có thể đóng vai trò như một bên cung cấp dữ liệu.
OECD cho rằng việc chính phủ cung cấp dữ liệu mở mang tính chiến lược nên được tiếp cận hai chiều. Với cách tiếp cận từ trên xuống, chính phủ tự đặt mình làm trung tâm và chia sẻ những gì mình có, muốn chia sẻ theo định hướng ưu tiên.
Mặt khác, cách tiếp cận từ dưới lên, tức đặt người dân làm trung tâm, chính phủ sẽ chia sẻ dữ liệu theo nhu cầu của người dân. Khi cân bằng được hai cách tiếp cận này sẽ góp phần phát triển tạo nên tính khả dụng của dữ liệu nhưng vẫn đảm bảo được các mục tiêu chiến lược quốc gia, qua đó giúp xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu và biến dữ liệu thành một tài sản chiến lược quốc gia.
Lối đi nào cho Việt Nam?
Theo dự thảo Chiến lược dữ liệu quốc gia giai đoạn 2021-2025, do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố vào tháng 12-2020, Việt Nam được định vị là quốc gia số, tiến tới quốc gia thông minh.
Nhìn chung, xem xét trên bình diện hiện trạng và tình hình triển khai thực hiện dữ liệu mở và chuyển đổi số hiện nay, có thể thấy Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn “chạy nước rút” khi ưu tiên, tập trung toàn bộ nguồn lực và đồng bộ giữa các cơ quan ban ngành trong việc chuyển đổi số hướng đến chính phủ điện tử toàn diện, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả làm việc ở khu vực công trong giai đoạn năm năm đầu tiên. Có thể nói điều này khá phù hợp với tình hình hiện tại ở Việt Nam.
So với các nước trên thế giới Việt Nam xuất phát khá trễ trong việc triển khai xây dựng bộ dữ liệu chính phủ mở. Sự chuẩn bị nguồn lực cả về tài chính lẫn con người vẫn còn là một thách thức khá lớn trong việc thích ứng với một phương thức làm việc hoàn toàn mới đối với các cơ quan nhà nước.
Đặc biệt là vấn đề nhận thức về dữ liệu mở trong khối công quyền lẫn người dân vẫn còn chưa phổ biến, nếu không muốn nói là mơ hồ. Bên cạnh đó, các hành lang pháp lý có liên quan như cấp phép mở, quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến dữ liệu mở, an toàn dữ liệu hay quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân vẫn còn đang trong quá trình xây dựng.
Chúng tôi cho rằng, Chính phủ cần xác định rõ yếu tố ưu tiên trong việc thiết kế chiến lược quốc gia về dữ liệu. Trong bối cảnh Việt Nam, với nguồn lực còn hạn chế và những nỗ lực cải cách của Chính phủ, hai yếu tố cần ưu tiên xem xét định hình chiến lược về dữ liệu mở đó là (i) cải cách khu vực công góp phần tăng cường tính minh bạch, củng cố lòng tin của công chúng và nâng cao hiệu quả của quá trình làm chính sách; (ii) tạo nguồn lực cho khởi nghiệp sáng tạo, phát triển công nghệ.
Bên cạnh đó, các yếu tố về quyền riêng tư, quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân cần được xem xét và hình thành cơ chế bảo vệ ở mức độ căn bản. Tính nghiêm ngặt trong cơ chế bảo vệ sẽ dần được nâng lên tương ứng với mức độ phát triển của nền kinh tế.
Ngoài ra, để chiến lược về dữ liệu nói chung và dữ liệu mở nói riêng trở nên thiết thực, Chính phủ cần tiến hành tham vấn tích cực đối với các bên có liên quan và có thể cân nhắc nghiêm túc vấn đề hợp tác công - tư về dữ liệu. Trước mắt là tham vấn các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, các trường đại học và các cơ quan phi chính phủ trong việc xây dựng một chiến lược quốc gia về dữ liệu hiệu quả.
Tiếp theo đó có thể tiến đến việc hợp tác công - tư trên cơ sở một hợp đồng hợp tác cụ thể, trong đó Chính phủ có thể tận dụng các thành tựu có sẵn của khối tư nhân để nhanh chóng phát triển các ứng dụng của dữ liệu mở.
Tuy nhiên, để tiệm cận đến một mô hình hợp tác công - tư chuẩn mực, hiện các quốc gia vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và liên tục thử nghiệm nhiều kiểu mô hình hợp tác công tư khác nhau. Do đó, để áp dụng các mô hình hợp tác công - tư, sự cởi mở và chấp nhận thử nghiệm của Chính phủ để giang tay với khối tư nhân vẫn là điều kiện tiên quyết nhất.
(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM
(**) Công ty Luật Thắng và Các đồng nghiệp