Thứ Tư, 7/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Chiến sự tại Ukraine làm rối ren triển vọng kinh tế toàn cầu

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cuộc tấn công quân sự của Nga nhằm vào Ukraine tạo ra nhiều rủi ro, gây khó khăn cho đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu vốn đang vật lộn với lạm phát tăng cao, chuỗi cung ứng tắc nghẽn sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Tác động kinh tế sẽ phụ thuộc vào quy mô của cuộc giao tranh tại Ukraine và các biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ và các đồng minh sẽ giáng vào Nga.

Người dân vội vã đến ga tàu điện ngầm để lên chuyến tàu sơ tán khỏi thủ đô Kiev, Ukraine hôm 24-2 khi binh sĩ Nga áp sát và tấn công thành phố này. Ảnh: AP

Các cuộc giao tranh trên diện rộng, có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ của phương Tây và điều này sẽ làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga, gây tác động lớn đến nền kinh tế châu Âu, do khu vực này phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt của Nga.

Hôm 24-2, thị trường tài chính toàn cầu phản ứng nhanh chóng trước tình hình chiến sự tại Ukraine, với thị trường chứng khoán ở châu Âu giảm mạnh và giá hàng hóa, bao gồm dầu thô tăng vọt. Các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Nga giảm gần một nửa và đồng rúp giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng đô la.

Giá dầu thô đã tăng vượt mức 100 đô la thùng trước khi bị đánh bật lùi lại và rớt khỏi ngưỡng này. Giá các hàng hóa mà Nga cung cấp như nhôm, nickel, các vật liệu đầu vào quan trọng của ngành công nghiệp ô tô, cũng tăng giá mạnh.

Kinh tế toàn cầu suy yếu nếu nguồn cung hàng hóa từ Nga và Ukraine bị gián đoạn

Nga và Ukraine chỉ chiếm một phần nhỏ của nền kinh tế thế giới và chỉ là thị trường xuất khẩu nhỏ của châu Âu hoặc Mỹ. Tuy nhiên, Nga là nhà cung cấp chính về dầu thô, khí đốt và một số mặt hàng khác cho thế giới. Gần 50% lượng khí đốt và gần 25% lượng dầu nhập khẩu của Liên minh châu (EU) phụ thuộc vào Nga.

Ukraine và Nga cũng chiếm gần 30% sản lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ. Biển Đen gần đó đóng vai trò là trục dẫn chính cho các chuyến hàng ngũ cốc quốc tế từ Ukraine và quốc gia này cũng nằm trong số các nhà xuất khẩu lúa mạch, ngô và hạt cải dầu hàng đầu thế giới.

Hôm 24-2, giá lúa mì tại Mỹ có lúc tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7-2012. Nga và Ukraine là những vựa lúa mì lớn của thế giới, xuất khẩu hàng triệu tấn lúa mì sang Trung Đông.

Vào thời điểm đà tăng của giá năng lượng và các mặt hàng khác đang đốt nóng lạm phát toàn cầu, bất kỳ sự gián đoạn nào về nguồn cung từ Nga và Ukraine có thể đẩy giá cả lên cao hơn và làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ở châu Âu. “Hòa bình tốt hơn nhiều so với bất kỳ kiểu chiến tranh nào nếu xét từ quan điểm kinh tế”, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Christine Lagarde nói vào đầu tháng 2.

Tuần này, giá khí đốt tăng sau khi Đức quyết định đình chỉ việc cấp giấy chứng nhận cho dự án đường ống Nord Stream 2 có thể vận chuyển một lượng lớn khí đốt của Nga đến nước này. Giá năng lượng cao hơn sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng, đặc biệt là ở châu Âu và có thể làm suy giảm niềm tin kinh tế. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho biết sẽ trừng phạt công ty xây dựng đường ống này.

Công ty MC Norilsk Nickel PJSC của Nga là nhà sản xuất palladium lớn nhất thế giới, chiếm 25-30% tổng sản lượng toàn cầu. Chiến sự bùng phát ở Ukraine đã đẩy giá palladium lên mức cao nhất trong gần 6 tháng vào hôm 24-2.

Palladium là kim loại quan trọng được sử dụng trong bộ chuyển đổi xúc tác khí thải của các hệ thống xả từ xe cộ, giúp chuyển những chất ô nhiễm, độc hại thành CO2 ít độc hại hơn và hơi nước trước khi thải ra ngoài môi trường. Nó cũng được sử dụng trong các ngành điện tử, nha khoa và trang sức.

Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, vốn đang phải vật lộn với tình trạng thiếu chip bán dẫn, có thể phải đối mặt với nhiều vấn đề khác nếu nguồn cung palladium của Nga bị tiết chế. Nga cũng là nước sản xuất lớn các nguyên liệu chính cho phân bón như u-rê và kali. Nếu nguồn cung các nguyên liệu này từ Nga bị gián đoạn, giá lương thực trên toàn cầu, vốn đã ở mức cao trong nhiều năm, có thể tăng thêm nữa.

Kinh tế châu Âu bị đe dọa nghiêm trọng

Cuộc tấn công của Nga tại Ukraine cũng làm phức tạp thêm những thách thức mà các ngân hàng trung ương lớn của thế giới đang đối mặt, bao gồm cả Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và ECB.

Fed đã xoay xở tìm cách kiềm chế lạm phát mà không bóp nghẹt sự phục hồi từ đại dịch. Fed dự kiến ​​sẽ tăng lãi suất cơ bản vào tháng tới lần đầu tiên kể từ cuối năm 2018, trong khi ECB dự kiến ​đặt ra một lộ trình giảm chương trình mua trái phiếu, một động thái mở đường cho việc tăng lãi suất cơ bản.

“ECB đang theo dõi chặt chẽ những tác động của tình hình ở Ukraine. Và sẽ tiến hành đánh giá toàn diện về triển vọng kinh tế tại cuộc họp vào tháng 3 tới, bao gồm những diễn biến gần đây trong lĩnh vực địa chính trị”, người phát ngôn của ECB cho hay.

Trong các bình luận gần đây, các quan chức ECB lưu ý trong khi xung đột Nga-Ukraine có thể đẩy giá năng lượng lên cao hơn, nó cũng gây tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế thông qua các kênh khác mà đáng ra có thể kiềm chế lạm phát.

Philip Lane, nhà kinh tế trưởng của ECB, cho rằng xung đột Nga – Ukraine không chỉ gây ra những tác động đối với giá dầu và khí đốt mà còn đối với niềm tin của nhà đầu tư, niềm tin của người tiêu dùng, thương mại.

Các nhà kinh tế tại Ngân hàng UBS ước tính rằng cứ mỗi mức tăng thêm 10% ở giá nhiên liệu, khí đốt và điện, tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng ở khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) sẽ chậm lại 0,4 điểm phần trăm và tăng trưởng kinh tế sẽ giảm 0,2 điểm phần trăm.

Họ cảnh báo: “Nếu căng thẳng tại Ukraine không chỉ dẫn đến giá năng lượng cao hơn, mà còn dẫn đến việc hạn chế nguồn cung năng lượng thì suy thoái kinh tế có thể sẽ nghiêm trọng hơn nhiều”.

EU có các lựa chọn khác ngoài khí đốt của Nga, bao gồm khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ và Qatar. Nhưng việc đảm bảo nguồn cung thay thế có thể sẽ gây tốn kém, bởi vì châu Âu phải cạnh tranh với các khách hàng ở châu Á và châu Mỹ Latinh về nguồn hàng LNG.

Jeffrey J. Schott, học giả cao cấp tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), cho biết: “Nếu Nga cắt giảm sản lượng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu, khu vực này sẽ khó có thể tìm nguồn cung thay thế trong ngắn hạn”.

Phân tích tác động của tám cú sốc đã xảy ra đối với kinh tế eurozone kể từ tháng 9-2001, họ rút ra kết luận rằng các doanh nghiệp trước tiên sẽ phản ứng với việc cắt giảm chi tiêu đầu tư, trong khi các hộ gia đình điều chỉnh chi tiêu chậm hơn, nhưng khi họ thực hiện thì tác động lại lớn hơn.

Các cuộc khảo sát gần đây chỉ ra rằng nền kinh tế eurozone đã phục hồi trở lại vào tháng 2 sau làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron. Khảo sát của Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo tại Munich cũng cho thấy niềm tin doanh nghiệp cải thiện vào đầu tháng 2. Tuy nhiên, Ifo cảnh báo cuộc khủng hoảng Ukraine có thể làm suy yếu niềm tin này.

Angel Talavera, nhà kinh tế tại Công ty tư vấn Oxford Economics, cho biết: “Tác động đối với từng nền kinh tế châu Âu sẽ phụ thuộc vào mức độ phụ thuộc vào năng lượng, thương mại trực tiếp và liên kết tài chính với Nga”.

Jean-Jacques Morin, Phó giám đốc điều hành của Accor, chuỗi khách sạn lớn nhất châu Âu, cho biết chiến tranh có thể đánh gục niềm tin du lịch một lần nữa khi lĩnh vực này đang phục hồi sau tác động chưa từng có của đại dịch. Trong khi nhấn mạnh rằng công ty ông chỉ có hơn 60 khách sạn ở Nga và Ukraine, Jean-Jacques Morin cho biết: “Câu hỏi khó trả lời hơn là tác động của việc làm mất ổn định thế giới bằng cách tạo ra rủi ro an ninh, khiến mọi người sợ hãi sẽ như thế nào? Chúng tôi không biết, chúng tôi cần có thời gian”.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới