Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chiến tranh ở Ukraine đẩy chi tiêu quân sự toàn cầu lên cao kỷ lục

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online)  - Chi tiêu quân sự của thế giới đạt mức cao kỷ lục 2.240 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine và phản ánh một thế giới “ngày càng trở nên bất an”, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), có trụ sở ở Thụy Điển.

Năm ngoái, chi tiêu quân sự ở châu Âu tăng 13%, lên 345 tỉ đô la, đánh dấu mức cao nhất kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc cách đây hơn 3 thập niên. Ảnh: Alamy

Báo cáo thường niên của SIPRI, công bố hôm 24-4, ghi nhận về chi tiêu quân sự  toàn cầu đã tăng năm thứ 8 liên tiếp. Năm ngoái, chi tiêu quân sự ở châu Âu tăng 13%, lên 345 tỉ đô la, đánh dấu mức cao nhất kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc cách đây hơn 3 thập niên. Mức tăng này chủ yếu đến từ Nga và Ukraine, nhưng nhiều quốc gia trên khắp lục địa châu Âu cũng tăng cường ngân sách quân sự trong bối cảnh căng thẳng gia tăng.

“Sự gia tăng liên tục trong chi tiêu quân sự toàn cầu trong những năm gần đây là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng bất an. Các quốc gia đang củng cố sức mạnh quân sự để đối phó môi trường an ninh đang xấu đi”, Nan Tian, nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình sản xuất vũ khí và chi tiêu quân sự của SIPRI, nói.

Moscow sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014, đồng thời hậu thuẫn quân nổi dậy đòi ly khai ở miền đông nước này trước khi bắt đầu phát động chiến dịch quân sự toàn diện vào tháng 2-2022.

Theo SIPRI, các động thái này gây báo động đối với các quốc gia láng giềng với Nga hoặc từng là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô trước đây, với chi tiêu quân sự của Phần Lan và Litva lần lượt tăng 36% và 27% hồi năm ngoái.

Trong tháng 4 này, Phần Lan, có đường biên giới với Nga dài khoảng 1.340 km, đã trở thành thành viên thứ 31 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại tây dương (NATO), một liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. Thụy Điển, quốc gia đã giữ vị thế trung lập trong hơn 200 năm, cũng đã nộp đơn xin gia nhập NATO.

Lorenzo Scarazzato, nhà nghiên cứu thuộc Chương trình chi tiêu quân sự và sản xuất vũ khí của SIPRI, nói: “Dù cuộc chiến toàn diện mà Nga phát động ở Ukraine chắc chắn ảnh hưởng đến các quyết định chi tiêu quân sự (của châu Âu) vào năm 2022, nhưng những lo ngại về Nga đã có từ lâu. Nhiều quốc gia thuộc khối Đông Âu cũ đã tăng hơn gấp đôi chi tiêu quân sự kể từ năm 2014, năm mà Nga sáp nhập Crimea”.

SIPRI cho biết biết chi tiêu quân sự của Ukraine đã tăng hơn sáu lần lên 44 tỉ đô la vào năm 2022, mức tăng chi tiêu quân sự trong một năm cao nhất của một quốc gia từng được ghi nhận trong dữ liệu SIPRI. Tính theo tỷ lệ phần trăm của GDP, chi tiêu quân sự của nước này tăng 34% vào năm 2022, so với 3,2% của năm trước.

Trong khi đó, chi tiêu quân sự của Nga ước tính tăng 9,2% vào năm 2022, lên khoảng 86,4 tỉ đô la. Con số đó tương đương với 4,1% GDP năm 2022 của Nga và tăng từ 3,7% vào năm 2021.

Mỹ vẫn là quốc gia chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới,  tăng 0,7% lên 877 tỉ đô la trong năm 2022, chiếm 39% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu. Nan Tian của SIPRI giải thích sự gia tăng này chủ yếu là do “mức viện trợ quân sự chưa từng có” dành cho Ukraine. Viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine trong năm ngoái lên đến 19,9 tỉ đô la, theo SIPRI. Trung Quốc vẫn là nước chi tiêu quốc phòng lớn thứ hai thế giới, với khoảng 292 tỉ đô la vào năm 2022. Con số này cao hơn 4,2% so với năm 2021 và là mức tăng hàng năm thứ 28 liên tiếp.

Nhật Bản chi 46 tỉ đô la cho quân đội vào năm ngoái, tăng 5,9% so với năm 2021 và đánh dấu mức chi quân sự cao nhất của nước này kể từ năm 1960.

Nhật Bản và Trung Quốc dẫn đầu chi tiêu quân sự ở châu Á và châu Đại Dương trong bối cảnh căng thẳng ở Đông Á đang tăng lên xung quanh vấn đề Đài Loan, mà Bắc Kinh xem là một phần lãnh thổ không tách rời.

Nhật Bản và Trung Quốc cũng vướng vào tranh chấp về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nằm ở phía đông bắc Đài Loan. Tokyo có tranh chấp kéo dài với Moscow ở quần đảo Kuril, nằm ở phía đông bắc đảo Hokkaido của Nhật Bản và bị Liên Xô chiếm giữ vào cuối Thế chiến thứ hai

Theo Reuters, Al Jazeera

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới