Thứ Hai, 5/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Chìm nổi giữa Paris và London: Bức tranh xã hội trước khủng hoảng kinh tế

Nữ Lâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Gần trăm năm sau kể từ khi cuốn Chìm nổi giữa Paris và London ra đời, con người trong xã hội ngày nay vẫn tìm thấy ít nhiều đồng cảm khi chúng ta cũng đang trải qua giai đoạn kinh tế khó khăn ảnh hưởng toàn cầu.

Năm 1927, chàng trai hai mươi tuổi Eric Arthur Blair trở về quê hương Anh quốc. Một năm sau, chàng quyết định chuyển đến Paris. Không người thân thích, không nghề nghiệp, và không thấy tương lai xán lạn nào chờ đợi mình. Eric trải qua khoảng thời gian cay đắng, khổ nhục nơi đất khách quê người. Sau này Blair đưa những trải nghiệm này vào tự truyện Down and Out in Paris and London (bản dịch tiếng Việt của Hà Thế Giang, NXB Phụ nữ mang tên Chìm nổi giữa Paris và London).

Có thể xem tác phẩm là một thiên phóng sự về những cảnh bùn lầy nước đọng ở hai thành phố lớn, lâu đời của châu Âu. Một châu lục già vừa trải qua Thế chiến thứ nhất với phần thắng thuộc về liên minh Anh – Pháp – Nga. Tuy mang danh là những nước thuộc phe thắng trận nhưng qua nhãn quan của Eric, độc giả có thể cảm nhận được xã hội thời bấy giờ đã không làm cho người dân sống trong châu Âu hậu chiến hạnh phúc.

Cái tên Chìm nổi giữa Paris và London gợi nhớ đến A Tale of Two Cities của Charles Dickens (1812-1870). Cuốn tiểu thuyết thế kỷ 19 này lấy bối cảnh cuộc Cách mạng Pháp, dịch chuyển giữa hai kinh đô Paris và London trong những ngày bão lửa thay đổi không chỉ nước Pháp mà cả châu Âu.

Cuộc cách mạng trôi qua hơn thế kỷ, ngọn lửa đó hầu như đã thiêu rụi nhiều thứ, chỉ có những bất công xã hội, những con người cùng khổ vẫn còn đó. Những kiếp người lang thang từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, phải chịu án chung thân trong cảnh khốn khó, cơ hàn.

Phải chăng Eric đã chọn cái tên này để tưởng niệm nhà văn tiền bối đồng hương? Paris và London là đây, hơn một trăm năm sau, nhân loại khổ đau vẫn tiếp tục khổ đau, chỉ có điều hiện thực phức tạp, nhiều bất định và mịt mùng chẳng thua gì thời trước.

Eric mở đầu Chìm nổi giữa Paris và London bằng “một tràng la hét uất nghẹn, đầy tức tối vang khắp con phố” (tr.15). Tiếp theo đó là hình ảnh một người đàn bà xuất hiện buông lời chửi rủa cay độc. Tiếng chửi của bà giống như hiệu lệnh của nhạc trưởng khởi động dàn hợp xướng những tiếng chửi, lời than đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” tại con phố du Coq d’Or (phố Gà trống Vàng) ở Paris. Khu phố đó được Eric miêu tả là “một khe núi giữa những ngôi nhà lở lói cao ngất nghểu, nghiêng ngả vào nhau theo dáng dấp kì dị, như thể đều bị đông cứng ngay lúc đang sụp đổ” (tr.16).

Chỉ mấy dòng ngắn ngủi, Eric không chỉ khắc họa hiện trạng những khu ổ chuột ở các đô thị lớn, mà còn từ con phố nghèo này phóng chiếu ra hiện trạng của châu Âu đương thời. Sự trì trệ, suy thoái đang diễn ra trong một thời đại đã kết liễu thứ chủ nghĩa anh hùng lãng mạn. Tất cả đã rệu rã và đang trên đà sụp đổ, không thể nào vãn hồi lại được. Mọi thứ đang dừng lại, nhưng đồng thời tiềm tàng một dự phóng đổi thay, theo chiều hướng nào thì chính tác giả cũng chưa hình dung được.

Phố du Coq d’Or là hư cấu của Eric Arthur Blair nhưng dựa theo khu phố nghèo ông từng sống hồi khốn khổ. Nơi đây tập trung những tầng lớp dưới đáy của xã hội, với những nhà trọ giá rẻ lúc nào cũng kín phòng vì người ta cố nhồi nhét càng nhiều khách trọ càng tốt.

Những vị khách ở đây chủ yếu là người Ba Lan, Ảrập, Ý, giờ thêm một gã người Anh, Eric, tạo thành một thế giới thu nhỏ với đa dạng văn hóa, tính cách, xuất thân… nhưng đều chung một số phận nghèo khó, đang cố vật lộn để sinh tồn trong xã hội đang nếm nốt cái hương vị ngọt ngào của thập niên bình yên cuối trước khi sắp sửa bước vào cuộc đại khủng hoảng, và sau đó được nối tiếp bằng Thế chiến thứ hai.

Cuộc đại khủng hoảng bắt đầu bằng sự sụp đổ bất ngờ của thị trường chứng khoán ở Mỹ vào cuối năm 1929 (về sau, ngày 29-10-1929 được gọi là Ngày thứ Ba đen tối) đã kéo theo sự suy thoái toàn cầu.

Trong Chìm nổi giữa Paris và London ta đã thấy dấu hiệu kinh tế khủng hoảng hiện lộ qua hàng dài những người thất nghiệp, những đoàn người ngủ đêm trong nhà tế bần, những kẻ sa cơ thất thế, những kẻ bị lừa đảo, những kẻ vỡ mộng… Tất cả những chân dung đó đã hình thành nên một thế hệ về sau được gọi là Lost Generation – Thế hệ mất mát hoặc Thế hệ vứt đi. Thế hệ đó đã được đưa vào tiểu thuyết Mặt trời vẫn mọc (The sun also rises) của Ernest Hemingway, người vào những năm 1920 đó cũng đang ở Paris hoa lệ, theo đuổi giấc mộng văn chương và cùng vợ sống qua những ngày thiếu thốn.

Hemingway tuy chịu cảnh chạy ăn từng bữa nhưng ít ra vẫn còn được sống trong không khí văn chương, chữ nghĩa, với những văn nghệ sĩ tài năng, những người đã động viên, nâng đỡ ông trên con đường nghệ thuật.

Còn Eric thì không. Những nỗ lực của anh đều nhận về thất bại. Tác giả dẫn ta vào thế giới bên trong những nhà hàng khách sạn, những quy tắc của giới bồi bàn, qua những bức chân dung con người dị kỳ bị đồng tiền chi phối, như lão hà tiện chết vì chính lòng tham của mình. Những kẻ thiếu quê hương, hay nói rõ hơn là bị đuổi khỏi quê hương, tựa hồ những con người đầu tiên bị đuổi khỏi vườn địa đàng.

Eric Arthur Blair là công dân Anh, nhưng chính trên tổ quốc của mình anh cũng không tìm được chốn dung thân. Anh xa lạ với tầng lớp giàu có nhưng gần gũi với những kẻ lang thang thường xuyên ra vào trại tế bần cũng tựa như những người bạn cùng phòng hồi còn ở Paris. Họ sống chung với những con rệp, cái giống loài cũng thường xuyên phải di chuyển từ căn phòng xập xệ này sang căn phòng xập xệ khác vì loài người xua đuổi. Cái giống rệp bị truy sát bởi chính những người có đời sống cũng chẳng hơn rệp là bao. Và đến một lúc nào đó, thế giới người và rệp trộn lẫn vào nhau như soi chiếu lấy thân phận bị ruồng bỏ.

Chìm nổi giữa Paris và London còn là cuộc khảo sát tiếng lóng và những từ chửi thề của London, là những trang tiểu luận về những người lang thang. Ở những phần này, Blair cho thấy bên cạnh sự nhạy cảm của nghệ sĩ còn là khả năng quan sát, phân tích của một nhà báo. Cuộc đời đưa đẩy Eric xuống dưới thấp này để ông vẽ ra chân dung những con người bên lề xã hội. Và vì thế tiếng nói của họ có cơ may được cất lên dẫu chỉ một lần.

Tuy vậy, Blair không biến tác phẩm của mình thành tiếng rên xiết dài. Dù bế tắc nhưng những nhân vật trong sách vẫn không ngừng cố gắng. Họ không để mình buông xuôi theo dòng đời. Cái tiếng cười của Blair tuy không ít đắng cay nhưng vẫn là chút sáng sủa trong buổi hoàng hôn của một nền văn minh không biết rằng mình sắp lao vào cuộc chiến thay đổi hoàn toàn nhân loại.

Gần trăm năm sau kể từ ngày Blair viết tác phẩm của mình, con người trong xã hội ngày nay vẫn tìm thấy ít nhiều đồng cảm khi chúng ta cũng đang trải qua giai đoạn kinh tế khó khăn ảnh hưởng toàn cầu.

Eric Arthur Blair cố gắng xuất bản tự truyện Down and Out in Paris and London nhưng bị từ chối. Tháng 1-1933 tác phẩm lần đầu xuất bản ở Anh dưới bút danh George Orwell. Cái tên sẽ trở nên lừng lẫy trong lịch sử văn học.

George Orwell (1903-1950), sinh ở Ấn Độ, từng phục vụ đế quốc Anh ở Miến Điện nhưng nhanh chóng chán ghét và trở về chính quốc nuôi mộng văn sĩ. Trình tự thời gian trong Down and Out in Paris and London có thay đổi so với thực tế, phần đời sống ở Paris được đặt lên trước phần ở London.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới