(KTSG Online) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký ban hành quyết định số 1422/QĐ-TTg về việc ban hành kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Lấy ý kiến cho dự thảo nghị định thi hành Luật Đầu tư theo phương thức PPP
- TPHCM đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo
Nhằm xây dựng một quốc gia có khả năng chống chịu cao trước biến đổi khí hậu, kế hoạch này tập trung vào việc nâng cao năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế - xã hội, giảm thiểu rủi ro thiên tai và bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân, TTXVN đưa tin.
Để đạt được mục tiêu đề ra, quyết định đã xác định rõ 3 nhóm nhiệm vụ chính. Đầu tiên là nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, triển khai nhiều hoạt động đầu tư vào các dự án thích ứng, phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ rừng và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thứ hai là giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai và biến đổi khí hậu gây ra. Để đạt được mục tiêu này, các hoạt động như tăng cường dự báo, cảnh báo sớm, quản lý rủi ro và xây dựng khả năng ứng phó sẽ được triển khai.
Cuối cùng là tăng cường công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, hoàn thiện thể chế, chính sách, tăng cường hợp tác quốc tế và nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Trong giai đoạn đến năm 2030, Việt Nam sẽ tập trung hoàn thiện khung pháp lý, lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu vào quy hoạch và phát triển các mô hình nông nghiệp thích ứng.
Tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia phát triển bền vững, có khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, đảm bảo cuộc sống tốt đẹp cho người dân và bảo vệ môi trường.
Nguồn vốn cho kế hoạch sẽ được phân bổ từ ngân sách nhà nước và huy động từ các nguồn xã hội hóa theo quy định. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để theo dõi và đánh giá việc thực hiện Kế hoạch, 5 năm một lần.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực hiện công tác lập kế hoạch đầu tư công trung hạn trên cơ sở tổng hợp các dự án đầu tư được các bộ, ngành và địa phương đề xuất. Bộ Tài chính sẽ đảm nhiệm công tác phân bổ ngân sách để triển khai các hoạt động theo kế hoạch.
Các bộ, ngành và địa phương có trách nhiệm bố trí nguồn lực và triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra trong kế hoạch, đảm bảo đạt được các mục tiêu về tiến độ và chất lượng.