(KTSG Online) – Trong năm 2025, Chính phủ sẽ lần lượt gặp gỡ các doanh nghiệp lớn, ngân hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp FDI để giải quyết những vướng mắc về thể chế. Các cuộc gặp còn nhằm lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp về những việc phải làm, đề xuất giải pháp để đạt tăng trưởng hai con số.
- Đề xuất cơ chế đặc thù gỡ vướng cho chương trình mục tiêu quốc gia
- Mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 không có địa phương nào dưới 8%
![Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ các doanh nghiệp. Ảnh VGP.](https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2025/02/gap-go-doanh-nghiep.jpg)
Sáng nay, 10-2, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, góp phần phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Thường trực Chính phủ cũng mong muốn các doanh nghiệp góp ý cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về thể chế, chính sách, về thủ tục hành chính.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Đồng chủ trì có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Bùi Thanh Sơn.
Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, 26 tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nhà nước và tư nhân.
Đây là cuộc gặp mặt đầu tiên của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp nhân đầu Xuân mới 2025 để lắng nghe, chia sẻ, trao đổi với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Không chấp nhận tăng trưởng “bình bình”
Thủ tướng nêu rõ, điểm mới trong năm 2025 là Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng tất cả các địa phương, bộ ngành liên quan, các doanh nghiệp nhà nước, các lĩnh vực. Nếu cứ tăng trưởng "bình bình" thì không thể đạt mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Trung ương đã ban hành Kết luận 123 với yêu cầu tăng trưởng GDP ít nhất 8% năm 2025 để tạo đà cho những năm tiếp theo phải đạt tăng trưởng hai con số. Để thực hiện điều này rất cần sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ có kế hoạch gặp gỡ với các ngân hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp FDI để chia sẻ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, góp ý cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp về những việc phải làm trước mắt và trong tương lai để tiếp tục phát triển.
Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải tiếp tục rà soát, hằng tháng báo cáo những vướng mắc về thể chế để báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi; như vấn đề miễn thuế trước bạ cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô, miễn thuế VAT cho doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế, phí, lệ phí; giải quyết các vấn đề liên quan quy hoạch, đất đai, thủ tục, giấy phép… Điều này rất cần có sự đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp.
Thủ tướng đặt vấn đề cần những giải pháp gì để đất nước tăng trưởng hai con số; như các địa phương, doanh nghiệp trong nước, ngoài nước, doanh nghiệp FDI phải đồng bộ tăng trưởng; phân tích kỹ, đánh giá ứng phó tình hình hiện nay như thế nào khi có kịch bản xấu xảy ra.
![](https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2025/02/gap-go-DN-2.jpeg)
Đề nghị doanh nghiệp đăng ký dự án và đề xuất cơ chế
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp lớn cần phát huy mạnh hơn vai trò tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, chủ động nhận nhiệm vụ giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế; phát huy vai trò "doanh nghiệp dẫn đầu", chuyển giao công nghệ, chủ động liên doanh, liên kết, dẫn dắt, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cùng phát triển theo chuỗi giá trị.
Chính phủ rất chia sẻ với các doanh nghiệp trước các khó khăn và xác định luôn đồng hành, cùng tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là các vướng mắc về thể chế đang là "điểm nghẽn của điểm nghẽn" nhưng cũng là "đột phá của đột phá".
Đánh giá cao những nỗ lực vươn lên, thành quả đạt được của các doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng đề nghị trong các việc lớn nói trên của đất nước, các doanh nghiệp xem có thể làm được gì thì đăng ký làm và đề xuất cơ chế chính sách để làm, miễn là không tư lợi, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Người đứng đầu Chính phủ lấy ví dụ, vừa qua đã đề nghị tập đoàn Trường Hải (THACO) nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu và tiến tới sản xuất đầu máy cho đường sắt tốc độ cao, tập đoàn Hòa Phát làm ray đường sắt tốc độ cao, tập đoàn FPT tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, thiết kế chip bán dẫn…
Đề xuất và cam kết của một số doanh nghiệp tại hội nghị
THACO sẽ tham gia vào làm đường sắt đô thị
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) cho biết, đối với ô tô thì THACO đã đáp ứng được tỷ lệ nội địa hóa, xe du lịch là từ 27 đến 40%, xe tải trên 50% và xe bus là trên 70% và đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong sản xuất cơ khí. THACO sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép thông qua chuyển giao công nghệ hợp lý, tổ chức sản xuất tại chỗ nhằm giảm giá thành.
Vingroup đầu tư mạnh vào hạ tầng năng lượng, kinh tế xanh
Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup chia sẻ, Vingroup đầu tư mạnh vào các lĩnh vực mang tính chiến lược như hạ tầng năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế số. Vinfast không chỉ sản xuất xe điện mà còn tập trung xây dựng chuỗi công nghiệp hỗ trợ từ sản xuất pin, trạm sạc cho đến các giải pháp năng lượng thông minh. Bên cạnh công nghiệp hỗ trợ và năng lượng xanh, Vingroup cũng thúc đẩy ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong quản lý vận hành. Các lĩnh vực về nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn được chúng tôi triển khai để tối ưu hóa sản xuất, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.
FPT đề nghị sớm đưa AI vào chương trình giáo dục
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đề nghị phải giải phóng tiềm lực khoa học công nghệ thông qua gỡ các điểm nghẽn cơ chế. Bên cạnh đó, để tận dụng cơ hội, cần nhanh nhất có thể đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào chương trình của tất cả hệ thống giáo dục.
Hòa Phát đảm bảo cung cấp 10 triệu tấn thép cho các dự án đường sắt
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát cho biết, thời gian tới, Hòa Phát có thể đầu tư 10.000 tỉ đồng cho nhà máy sản xuất đường ray tàu hỏa. Hòa Phát đảm bảo cung cấp thép chế tạo cho Tổng Công ty đường sắt để làm dự án. Theo dự kiến, cần khoảng 10 triệu tấn thép, Hòa Phát cam kết đảm bảo cung ứng đủ số lượng 10 triệu tấn, chất lượng, tiến độ giao hàng và giá thấp hơn giá nhập khẩu.