(KTSG Online) - Chiều nay (18-6), Bộ trưởng Bộ Y tế thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Trong đó, có nội dung đáng chú ý là đề xuất bỏ quy định phải có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước khi quảng cáo thuốc và cấm bán thuốc trên mạng xã hội.
Theo TTXVN, dự kiến luật bổ sung, sửa đổi sẽ sửa đổi 44/116 điều của Luật Dược hiện hành. Tại lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất nhiều chính sách mới như có quy định kinh doanh dược phẩm thông qua sàn thương mại điện tử, ứng dụng mua hàng trực tuyến; cấm kinh doanh trên mạng xã hội; quy định mới về chứng chỉ hành nghề dược và quản lý giá dược phẩm.
Các thành viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị nghiên cứu chế tài để xử lý các hình thức quảng cáo thuốc sai sự thật hoặc sản phẩm không phải là thuốc nhưng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh.
Hiện tại, thông tin quảng cáo thuốc phải tuân thủ hướng dẫn sử dụng được Bộ Y tế phê duyệt và theo tài liệu, hướng dẫn chuyên môn do bộ ban hành, công nhận. Về nội dung này, việc thanh tra, kiểm tra cũng chưa được triển khai thường xuyên do hạn chế về nhân lực ở cơ quan quản lý. Các đại biểu đề xuất bổ sung trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về quảng cáo thuốc.
Trước đó một ngày, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Trong đó, có quy định là việc kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc trực tuyến phải thực hiện trên sàn giao dịch, ứng dụng thương mại điện tử hoặc website bán hàng. Người bán phải đăng tải thông tin thuốc phù hợp với quy định về quảng cáo thuốc; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp của hồ sơ, tài liệu cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền.
Người kinh doanh thuốc trực tuyến cũng phải có trách nhiệm bảo mật thông tin người mua theo quy định về an ninh mạng; tổ chức tư vấn, hướng dẫn cách sử dụng thuốc phải đúng quy định. Dự thảo nêu rõ “không được kinh doanh dược trên mạng xã hội và các hình thức kinh doanh điện tử khác” ngoài luật này.
Thẩm tra nội dung nêu trên, Ủy ban Xã hội cũng cho rằng, việc luật hóa quy định kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử là cần thiết. Cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu thêm quy định để có công cụ kiểm soát, đảm bảo việc mua, bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử an toàn cho người sử dụng.
Đề xuất này, quá chuẩn. Không thể đánh đổi sức khỏe người dân bằng những giao dịch “mờ ám” trên mạng. Sức khỏe là trên hết. Không thể thương mại hóa/ đơn giản hóa mọi thứ được.