(KTSG Online) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày tờ trình về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.
- Chính phủ trình đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%
- Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19: Hơn 500.000 tỉ đồng cho gia hạn, miễn, giảm thuế, phí
TTXVN đưa tin, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Chính phủ đã trình bày tờ trình về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% quy định tại điểm a khoản 1.1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1-7-2023 đến hết ngày 31-12-2023.
Cụ thể, giảm 2% thuế suất thuế VAT áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Chính phủ đánh giá chính sách giảm thuế VAT thời gian qua đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khoảng 44.500 tỉ đồng, giảm trung bình mỗi tháng khoảng 4.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, khi thực hiện giảm thuế VAT đã gián tiếp kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước, thu thuế VAT nội địa không giảm mà tăng 10% so với cùng kỳ.
Quochoi.vn đưa tin, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng thuận với chính sách giảm thuế VAT của Chính phủ để tiếp tục hỗ trợ cho khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân đang gặp rất nhiều khó khăn, song đề nghị Quốc hội đánh giá thêm tác động bất lợi cho thu ngân sách năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Tài chính giải thích thêm, với giải pháp tiếp tục giảm thuế VAT cho các đối tượng như đã được thực hiện trong năm 2022, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm, dự kiến số giảm thu ngân sách tương đương khoảng 24.000 tỉ đồng
Chính phủ sẽ chỉ đạo tăng cường quản lý thanh tra, kiểm tra, cải cách thủ tục hành chính, đôn đốc thu nộp, phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực để bù đắp số thu bị giảm do thực hiện chính sách. Đồng thời, điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên, cắt giảm các khoản dự toán đã giao nhưng đến hết ngày 30-6 các bộ, cơ quan trung ương chưa phân bổ theo Nghị quyết số 50/NQ-CP.
Theo đánh giá của Chính phủ, người dân là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.
Đối với doanh nghiệp, việc giảm thuế VAT giúp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.